Anthony Bourdain (ngoài cùng bên trái) và tác giả (thứ ba từ phải) tại Hà Nội năm 2016. |
Trong hơn 20 năm công tác tại Trung tâm Hướng dẫn Báo chí nước ngoài - Bộ Ngoại giao, tôi có nhiều kỷ niệm nhưng cái duyên khó quên nhất là được hướng dẫn đoàn làm phim kênh ẩm thực New York ngay trong lần đầu Tony (tên xưng hô của Anthony) tới Việt Nam năm 2000.
Kỷ niệm ban đầu
Đã hơn 20 năm nhưng tôi vẫn nhớ như mới hôm qua, một chiều Hè tháng 5 đoàn làm phim Mỹ tới Việt Nam, hạ cánh sân bay Nội Bài sau những chặng bay dài.
Nhờ có giấy giới thiệu của cơ quan, tôi vào trong khu vực nhận hành lý, đón và giúp đoàn giải quyết thủ tục tạm nhập tái xuất các thiết bị quay phim. Mọi việc diễn ra thuận lợi, nhanh chóng khác hẳn những gì các bạn Mỹ trước đó lo lắng.
Thư thả, Tony hỏi nhỏ tìm chỗ hút thuốc, tôi trả lời như một phản xạ của anh em Trung tâm Báo chí ngày đấy “Why’s not” (Tại sao không).
Trên đường về, tôi mời đoàn ghé một quán nhỏ bên đường ngay trước cổng nhà máy bia Hà Nội. Chúng tôi ngồi ghế nhựa, uống bia hơi, ăn lạc luộc. Hành trình khám phá ẩm thực bắt đầu giản dị như thế, nhưng đã trở thành một kỷ niệm khó quên.
Tony dành nhiều thời gian đọc và tìm hiểu về Việt Nam, nhưng thực tế luôn bất ngờ, mới mẻ thậm chí khác hẳn những thông tin trước đó khiến ông thêm tò mò, mong muốn khám phá.
Sau lần đầu đến Việt Nam, ông đã đề xuất các nhà sản xuất phim cho ông trở lại Việt Nam 2 năm một lần.
Được Tony quý mến, được cơ quan tín nhiệm, tôi đã đồng hành cùng ông trong hầu hết các chương trình giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam, trở thành người bạn gần gũi, được ông chia sẻ nhiều về suy nghĩ, tình cảm với đất nước, con người Việt Nam.
Sau lần đầu đến Việt Nam, ông luôn dùng từ “trở về”, coi Việt Nam như quê hương mình. Có những năm không về được, ông đã viết thư cho tôi thể hiện luyến tiếc.
Càng nổi tiếng, cuộc sống của ông càng thêm nhiều áp lực. Ông từng chia sẻ mong muốn được ở Việt Nam trong khoảng 2 năm, chọn một nơi yên tĩnh chỉ để thư giãn và viết sách.
Nhưng chính thành công và cuộc sống đã không cho ông nhiều lựa chọn, tiếp theo các chương trình No Reservations (2005–2012) và The Layover (2011–2013) của Travel Channel, năm 2013, ông chuyển sang CNN để làm chủ chương trình Anthony Bourdain: Parts Unknown.
Việt Nam - Hành trình của tình yêu
Việt Nam đã mở ra một thế giới hoàn toàn mới, gắn bó sâu đậm trong suy nghĩ, tình cảm của Tony. Đó là một quá trình cảm nhận, thẩm thấu theo mỗi hành trình ông khám phá văn hóa ẩm thực tại nhiều nơi như Hà Nội, Hạ Long, Hoà Bình, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Nha Trang, Huế, Đà Lạt…
Đã bao lần, Tony lặng người, mê mẩn ngắm nhìn bình minh trên đồng lúa xanh bát ngát vùng đồng bằng Nam bộ, hay thả hồn trong cảnh hoàng hôn đẹp như mơ trên Vịnh Hạ Long.
Ông luôn khẳng định không thể tìm được cảnh sắc và cảm giác kỳ diệu như thế ở nơi nào khác ngoài Việt Nam.
Anthony Bourdain và Tổng thống Obama ăn bún chả ở Hà Nội vào ngày 23/5/2016. (Nguồn: CNN). |
Món ăn Việt Nam không những thơm ngon đậm đà, mà còn khiến một người viết sách về ẩm thực lão luyện như ông bị thuyết phục tới mức thay đổi nhiều thói quen, từ bữa ăn sáng, ông luôn chọn một bát phở Hà Nội, một bát bún ốc hay một tô bún bò Huế thay cho bữa sáng hoành tráng, nặng nề kiểu Mỹ…và tất nhiên, sau đó luôn là một ly cà phê sữa.
Hương vị Việt Nam mang dấu ấn hết sức đặc biệt của cuộc sống, đối với ông, không giống bất cứ nơi nào trên trái đất, đó là mùi nồng đậm của nước mắm, mùi khói hương, mùi đặc trưng của sầu riêng, cả đến mùi khói xe gắn máy trên đường phố cũng thật khó quên.
Tự nhiên, không sắp đặt là phong cách Tony thưởng thức ẩm thực và cảm nhận về cuộc sống. Ông từng bộc bạch về tình cảm với Việt Nam, không đơn giản chỉ là “tình yêu sét đánh”.
Giống như triết lý của ông về ẩm thực, ông có thể thích “phát điên” một món ăn ngon, nhưng cũng cần hiểu người nấu ăn là ai và tại sao. Đằng sau một món ngon, phải hiểu được cái tâm của người đầu bếp. Đằng sau một bữa ăn là sự chia sẻ của bạn bè, gia đình và cả cộng đồng.
Ở Hà Nội, tôi đã mời Tony đến nhà dùng bữa cơm ngày Tết đầm ấm cùng gia đình.
Ở Cần Thơ, chúng tôi đến một gia đình nông dân ăn món vịt bọc đất sét nướng. Không ngờ, có hơn 30 người là bà con lối xóm tò mò, hiếu khách cũng mang đồ ăn và rượu sang góp vui.
Nhà chật, cả xóm kéo nhau ra sân, ăn uống tưng bừng, cười nói vui vẻ. Tony nói đó là bữa ăn ý nghĩa giúp ông cảm nhận được tình cảm và sự chia sẻ, phẩm chất đáng quý của con người Việt Nam.
Cùng ý nghĩa như thế, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã viết về Tony sau lần cùng ăn bún chả Hà Nội: “Ông ấy dạy chúng ta về ẩm thực, nhưng quan trọng hơn thế là việc ẩm thực có thể đưa con người lại gần nhau hơn…”.
Không có nơi nào như Việt Nam, từ ngạc nhiên đến khi ông thực sự bị chinh phục bởi lòng nhân ái của con người nơi đây. Ông đã tìm được những giá trị nhân văn mà có lẽ trước đó chỉ mới tồn tại trong suy nghĩ.
Ông như tìm lại được chính mình ở đất nước xa xôi với những người bạn thân thiện, giản dị, nhưng rộng lượng và luôn tự hào từ những món ăn ngon đến truyền thống yêu nước, kiên cường chống giặc ngoại xâm.
Cảm xúc vỡ òa
Tony là người hiểu đời, hiểu chuyện. Tình cảm của ông cũng tinh tế và sâu sắc. Tôi nhớ mãi câu chuyện ông kể về giây phút vỡ oà của cảm xúc khiến ông nhận ra tình yêu Việt Nam thế nào.
Năm 2004, chúng tôi có 3 ngày quay phim ở Nha Trang. Một buổi trưa, đoàn quay cảnh Tony thưởng thức hải sản tại một quán ăn nổi trên Hồ cá Trí Nguyên.
Lần đầu tiên lên thuyền thúng đi ăn, ai cũng bỡ ngỡ, lúng túng.
Riêng với Tony, trải nghiệm này là cả một thách thức. Ông phải thu gọn thân hình cao lớn của mình trong chiếc thúng tre nhỏ, để chị lái thúng có thể chèo lái vượt sóng.
Những thuyền thúng khác đều đã về đến đích, còn mỗi chiếc thúng chở Tony vẫn tròng trành, chật vật mãi mới đi được hai phần ba quãng đường.
Ai cũng lo lắng, tim đập hồi hộp theo từng đợt sóng. Nhân viên quán ăn chạy ra xem, khoảng hơn một chục chị chèo thúng cũng dừng cả lại theo dõi.
Thế rồi, một con sóng lớn xô tới làm chiếc thúng bị lật úp, tất cả kêu lên lo lắng, mấy ngư dân nhảy xuống nước, bơi ra cứu…Nhưng khi Tony đứng dậy, nước biển chưa tới ngực ông… khiến tất cả bật cười vui vẻ, thở phào nhẹ nhõm vì người khiến họ lo lắng sở hữu chiều cao 1,93 m. Có người còn vỗ tay, thể hiện ngưỡng mộ chiều cao trời phú cho ông.
Sự quan tâm, lo lắng của những người lao động bình dị đã làm rung động con tim, khiến ông thấy mến yêu những nụ cười mộc mạc, hồn nhiên của các cô gái chèo thuyền. Tôi hiểu đó là khoảnh khắc thiêng liêng, khi cảm xúc của ông dâng trào, bật ra thành lời “Tôi yêu Việt Nam”.
Anthony Bourdain và tác giả tại Hà Nội năm 2016. |
Tôi biết ơn ông đã tâm sự về kỷ niệm cảm xúc đặc biệt này mà có lẽ ông chưa kịp viết hay kể lại trên truyền hình. Tôi trân trọng dành dụm câu chuyện này để chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp.
Thật đáng tiếc, Anthony Bourdain đã rời xa chúng ta, nhưng tình cảm của ông cũng như sự trân trọng Việt Nam dành cho ông sẽ còn mãi.
Những hành trình cùng ông giúp tôi thêm tự hào về bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam.
Tác giả (ngoài cùng bên trái), Anthony Bourdain (thứ hai từ phải) và đoàn làm phim tại TP. Hồ Chí Minh năm 2004. |
Tình yêu Việt Nam của ông đã tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực cho tôi và các đồng nghiệp làm công tác báo chí, văn hóa trong ngành ngoại giao, thêm tin tưởng vào ý nghĩa và trách nhiệm trong việc góp phần tạo ra những nhịp cầu thông tin - văn hóa để kết nối bạn bè trên thế giới với quê hương, đất nước.