📞

APEC tìm nguồn tài chính cho phát triển nông nghiệp, nông thôn

11:24 | 16/07/2017
Định hướng tài chính toàn diện phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là một trong bốn nội dung hợp tác ưu tiên thuộc khuôn khổ tiến trình hợp tác Bộ trưởng Tài chính APEC trong năm 2017.

Diễn đàn APEC về tài chính toàn diện lần thứ bảy và Hội nghị lần thứ tư về cải cách cơ sở hạ tầng tài chính (FIDN) được tổ chức trong khuôn khổ các sự kiện hợp tác tài chính – ngân hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC) do Việt Nam đăng cai tổ chức, từ ngày 10-12/7/2017 tại TP. Hội An, Quảng Nam. Các nội dung chính được trao đổi tại sự kiện gồm: xác định đúng đắn phạm trù tài chính toàn diện; vai trò của tín dụng và các dịch vụ/sản phẩm tài chính trong hỗ trợ phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn; triển vọng và chính sách thúc đẩy các công nghệ mới trong dịch vụ tài chính; giáo dục tài chính góp phần nâng cao hiệu quả nhận thức của người dân trong tiết kiệm và đầu tư; cải cách cơ sở hạ tầng tài chính.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì Diễn đàn APEC thường niên lần thứ 7 về Tài chính toàn diện tại Hội An, ngày 10-11/7.

Tối đa hóa lợi ích tài chính toàn diện

Trong nhiều năm qua, dù đã có những nỗ lực và thành công nhất định trong triển khai tài chính toàn diện trên phạm vi toàn cầu, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn phải tiếp tục đối mặt với những thách thức như: tỷ lệ người nghèo được tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức còn thấp; bất bình đẳng về giới, khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch về phát triển, mức độ nhận thức và phổ cập giáo dục tài chính cho người dân chưa đầy đủ; sự bất cập về khuôn khổ pháp lý cho giám sát và bảo vệ người tiêu dùng; việc đầu tư chưa đúng mức cho nền tảng cơ sở hạ tầng tài chính và phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính trong kỷ nguyên kỹ thuật số…

Diễn đàn APEC về tài chính toàn diện bảy năm qua đã trở thành một kênh hợp tác, đối thoại chính sách và chia sẻ kinh nghiệm hữu ích giữa các nền kinh tế thành viên APEC với các bên đối tác, trong bối cảnh tài chính toàn diện ngày càng có vai trò quan trọng góp phần xóa nghèo và phát triển bền vững.

Không nằm ngoài mục tiêu đó, Diễn đàn năm nay đã giúp các bên chia sẻ, thảo luận về cách thức và khả năng hài hòa các mục tiêu giữa tài chính toàn diện, hội nhập và bảo vệ người tiêu dùng để có thể tối đa hóa được những lợi ích mà tài chính toàn diện mang lại, phù hợp với đặc thù và trình độ phát triển của các quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Kết quả thảo luận dự kiến sẽ được đưa vào “Báo cáo nghiên cứu hiện trạng và chiến lược nâng cao nhận thức tài chính tại các nền kinh tế APEC”, từ đó đề xuất các giải pháp về cải cách và chính sách phù hợp cũng như các lĩnh vực hợp tác ưu tiên nhằm thúc đẩy một nền tài chính toàn diện năng động, bền vững trong các nền kinh tế thành viên APEC.

Vì nền nông nghiệp có chất lượng

Được biết, có ba lý do mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chọn chủ đề “Tài chính cho Phát triển nông nghiệp, nông thôn” là một trong các nội dung hợp tác ưu tiên, trong khuôn khổ tiến trình hợp tác Bộ trưởng tài chính của Năm APEC 2017. Thứ nhất là xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh tương đồng giữa các nền kinh tế APEC, nơi mà khu vực nông thôn đóng vai trò quan trọng trong nhiều nền kinh tế. Thứ hai, nông nghiệp, nông thôn là khu vực chịu ảnh hưởng và tác động trực tiếp bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, đòi hỏi cần có các giải pháp xử lý và khắc phục để phát triển bền vững. Thứ ba, nông nghiệp, nông thôn cũng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và NHNN quan tâm với nhiều chủ trương, chính sách.

Thực tế, các nội dung thảo luận, trao đổi tại Diễn đàn được đánh giá là đặc biệt quan trọng, gần gũi và thiết thực đối với nước chủ nhà Việt Nam, cũng như các quốc gia khác đang ở giai đoạn đầu tiếp cận tài chính toàn diện. Đây cũng được cho là cơ hội tốt để các nền kinh tế APEC, các tổ chức quốc tế cùng nghiên cứu, thảo luận và đưa ra những giải pháp cho một nền tài chính toàn diện bền vững hơn, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế trong khu vực.

Như vậy, có thể khẳng định, phát triển bền vững nông nghiệp - nông thôn đang là mối quan tâm lớn không chỉ riêng của Việt Nam mà còn của nhiều nền kinh tế APEC và các tổ chức quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay. Nhưng để triển khai, đòi hỏi phải tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa thị trường và các sản phẩm dịch vụ tài chính đi kèm có chất lượng, dễ tiếp cận, nhằm đáp ứng hiệu quả cho nhu cầu phát triển ngành, qua đó góp phần giảm nghèo bền vững.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng hy vọng, thông qua các cơ chế hợp tác APEC 2017 về tài chính toàn diện, có thể tìm ra lời giải đáp để giúp các nền kinh tế APEC, đặc biệt là những nước đang phát triển như Việt Nam thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu và phát triển một nền nông nghiệp có chất lượng, bền vững, qua đó thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế.

“Tài chính toàn diện là việc cung cấp dịch vụ tài chính chính thống phù hợp và thuận tiện cho tất cả các thành phần trong xã hội, đặc biệt đối với người có thu nhập thấp, dễ bị tổn thương nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng