📞

ASEAN 37: Sẽ không có bắt tay truyền thống, triển vọng cao ký kết RCEP

Vân Chi 13:19 | 10/11/2020
TGVN. Theo Đại sứ Singapore tại Việt Nam Catherine Wong, việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết thành công sẽ gửi đi tín hiệu mạnh mẽ rằng ASEAN luôn mở cửa cho kinh doanh và thương mại.
Nghi thức bắt tay truyền thống của các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Bangkok (Thái Lan) ngày 3/11/2019. (Nguồn: Strait times)

Hàng năm, tại mỗi kỳ Hội nghị Cấp cao ASEAN, các nhà lãnh đạo của các nước thành viên trong khu vực sẽ chụp ảnh lưu niệm và thực hiện nghi thức bắt tay truyền thống của ASEAN. Năm nay, dưới tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, những cuộc họp trực tiếp như vậy được thay thế bằng các cuộc họp trực tuyến thông qua hình thức hội nghị truyền hình.

“Tuy nhiên, điều này không phải là một trở ngại khiến 10 nước thành viên ASEAN đưa ra một loạt sáng kiến trước Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các cuộc họp liên quan diễn ra tại Hà Nội trong tuần này”, Đại sứ Singapore tại Việt Nam Catherine Wong cho biết.

Theo bà Catherine Wong, các sáng kiến đáng chú ý bao gồm: Thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với Covid-19; Khung phục hồi tổng thể ASEAN để giúp khu vực sớm phục hồi sau đại dịch; Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN và thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - một hiệp định thương mại tự do với sự tham gia của 15 quốc gia, trong đó có các quốc gia trong khu vực ASEAN.

“Mọi người hy vọng và lạc quan rằng RCEP có thể được ký kết vào cuối năm nay. Việc Hiệp định được ký kết thành công sẽ gửi đi tín hiệu mạnh mẽ rằng ASEAN luôn mở cửa cho kinh doanh và thương mại, giúp gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư”, bà Đại sứ Wong nói.

Được thành lập vào năm 1967 khi Bộ trưởng Ngoại giao của 5 quốc gia - Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, và Thái Lan - gặp gỡ tại Bộ Ngoại giao Thái Lan ở Bangkok và ra Tuyên bố ASEAN (thường được gọi là Tuyên bố Bangkok), để nhập Hiệp hội Đông Nam Á (ASA) cùng với Indonesia và Singapore thành ASEAN, từ đó đến nay, ASEAN vẫn thường xuyên thúc đẩy văn hóa hợp tác và ứng phó với các thách thức chung.

Ngày nay, ASEAN đã trở thành một tổ chức khu vực rộng lớn với dân số gần 640 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 2,57 nghìn tỷ USD. Một số ý kiến cho rằng, khu vực này đã sẵn sàng vươn lên để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030.

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, Việt Nam - nước Chủ tịch của ASEAN 2020 đã lựa chọn chủ đề của năm nay là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”. “Chủ đề này lại trở nên đặc biệt phù hợp trong bối cảnh hiện tại”, Đại sứ Singapore tại Việt Nam nhấn mạnh.

Cũng theo bà Catherine Wong, trọng tâm của ASEAN năm nay tập trung vào việc làm thế nào để khu vực có thể ứng phó hiệu quả với dịch bệnh và suy thoái kinh tế, trong bối cảnh các căng thẳng địa chính trị đang leo thang.

"Chúng ta đang đối mặt với vô vàn thách thức và một số quốc gia có xu hướng đóng cửa và tập trung vào giải quyết những khó khăn trong nước. Nhưng một quốc gia nhỏ và phụ thuộc nhiều vào thương mại như Singapore không đủ khả năng để làm điều này", bà Catherine Wong khẳng định.

Đại sứ Singapore tại Việt Nam cho rằng, điều quan trọng là các nước ASEAN có thể cùng chung tiếng nói về các vấn đề cùng quan tâm - "cho dù đó là ứng phó với đại dịch, duy trì kết nối chuỗi cung ứng hay đảm bảo cho hội nhập khu vực".

(theo Strait Times)