📞

Âu châu những điều không dễ quên!

20:00 | 09/02/2016
20 chuyến đi tới châu Âu năm 2015 là 20 câu chuyện khác nhau. Nhưng có lẽ, cảm giác xao xuyến khi thấy hai máy bay hộ tống chuyên cơ đoàn Chủ tịch nước khi vào không phận Đức, cúi đầu trước tượng Bác trong lòng Paris tráng lệ và thấy rằng đâu đó người dân vẫn khát khao thống nhất đất nước đến vô cùng... là những gì ông không thể quên!
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Vụ trưởng Vụ châu Âu Lê Dũng trong chuyến thăm làm việc tại Hungary, tháng 4/2015.

Vụ trưởng Vụ châu Âu, Bộ Ngoại giao, ông Lê Dũng đã dành gần một giờ đồng hồ trò chuyện với tôi về những câu chuyện của năm. Qua những câu chuyện ông kể, tôi chợt nhận ra, đằng sau mỗi nỗ lực trong công việc là lòng yêu nước, yêu nghề của một cán bộ ngoại giao hơn hai thập kỷ trong nghề.

Ông Lê Dũng chia sẻ, đối với châu Âu, dự kiến chương trình của năm 2015 chỉ có một đoàn cấp cao Chủ tịch nước ta đi thăm Đức. Khi ấy, ông và các đồng nghiệp thầm nghĩ năm 2015 sẽ là năm tương đối “nhàn” với Vụ châu Âu.

Tuy nhiên, để thúc đẩy quan hệ với các đối tác khu vực, ông và các đồng nghiệp đã tham mưu, tổ chức và phục vụ 13 chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao tới các nước châu Âu và đón 17 đoàn cấp cao từ các nước khu vực thăm Việt Nam.

Tình người nơi đảo Cyprus

Vụ trưởng Dũng chia sẻ những kỷ niệm khi công tác tại Cộng hòa Cyprus cùng Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn vào tháng Chín. Ông kể lại, ngay trong Thủ đô của Cyprus vẫn còn bị chia cách, một bên là Cộng hòa Cyprus và bên kia là Bắc Cyprus. Chừng nào ranh giới ấy còn tồn tại thì vẫn còn là “bức tường đau khổ” trong lòng người dân vẫn chưa nguôi khát khao thống nhất.

Con người Cyprus để lại trong ông nhiều kỷ niệm tốt đẹp, đặc biệt là ông Lãnh sự danh dự. Việt Nam không có cơ quan đại diện thường trú tại Cyprus mà chỉ có Lãnh sự danh dự. Ông Dũng kể lại, đoàn đến sân bay rất khuya nhưng ông Lãnh sự danh dự vẫn đợi và giúp làm thủ tục visa cho đoàn. Việc lên chương trình, thu xếp các cuộc gặp lãnh đạo, gặp các Bộ, ngành nước bạn đều do ông trực tiếp thực hiện, góp phần làm nên hiệu quả của chuyến thăm.

 Chính tình yêu Việt Nam mộc mạc, không toan tính, tấm lòng với cộng đồng người Việt của ông Lãnh sự danh dự là những điều không chỉ ông Dũng mà các thành viên trong đoàn đều trân trọng.

 

Với ông Dũng, 2015 là một năm đặc biệt, mang nhiều cái “đầu tiên”. Lần đầu tiên Chủ tịch nước đến thăm nước Đức thống nhất. Lần đầu tiên Thủ tướng tới thăm Bồ Đào Nha. Lần đầu một Thủ tướng Anh tới thăm Việt Nam và cũng là lần đầu tiên một Tổng thống Italy thăm Việt Nam...

Tại “cm lãnh thổ” Đức đầu tiên

Chuyến thăm của Chủ tịch nước ta tới Đức tháng 11/2015 vừa qua được báo giới ví với những cụm từ như “ngày lịch sử”, “chuyến thăm lịch sử” và “sự kiện đỉnh cao kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao”… Với ông Dũng, chuyến thăm ấy cũng để lại cảm xúc “lịch sử” mà ông khó diễn tả hết thành lời.

Ông kể lại, mặc dù đã được thông báo trước là bạn sẽ có hai máy bay tiêm kích hộ tống chuyên cơ ta khi vừa bay vào không phận Đức, bắn 21 loạt đại bác chào mừng tại lễ đón và điều 15 mô-tô cảnh sát dẫn đường cho đoàn, nhưng ông thực sự thấy xao xuyến khi hai chiến đấu cơ nghiêng cánh chào chuyên cơ Chủ tịch nước và hộ tống đoàn từ những “cm lãnh thổ” đầu tiên trên không phận Đức, tạo cảm giác đoàn ta được hoan nghênh ngay từ giây phút đầu  khi vào lãnh thổ Đức.

Đó không phải là cảm giác của sự mới lạ mà có lẽ là của niềm tự hào về vị thế đang lên của đất nước, về thái độ trân trọng mà bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam.

Thủ tướng Angela Merkel cũng để lại trong ông nhiều suy nghĩ. Trong khi tiếp Chủ tịch nước ta, bà trao đổi thẳng thắn và thân tình. Đặc biệt, ông Dũng nhớ như in những điều bà Merkel nói về cộng đồng người Việt là “cộng đồng tuyệt vời, hội nhập rất tốt với sở tại và có nhiều đóng góp cho sự phát triển, phồn vinh của Đức”. Bà Merkel cảm thấy tiếc và bày tỏ mong muốn ngày nào đó, cộng đồng người Việt có thể bỏ lại đằng sau tất cả những toan tính “cơm áo gạo tiền”, không chỉ tập trung vào kinh doanh mà còn tham gia và chính trường Đức và nước Đức tạo điều kiện để cộng đồng người Việt có thể thực hiện điều đó.

Suy nghĩ ấy của bà Merkel tạo ấn tượng mạnh đối với ông Dũng và nhiều thành viên trong đoàn. Ông cảm nhận được vị trí, vai trò và tương lai của cộng đồng người Việt Nam ở quốc gia Trung Âu này.

Lòng tôn kính Bác Hồ trên đất Pháp

Hành trình cuối cùng năm 2015 của ông Dũng là tháp tùng Thủ tướng tham dự Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu (COP21) tại Pháp.

Paris đón đoàn trong bầu không khí căng thẳng về an ninh bởi trước đó, Pháp vừa trải qua cuộc tấn công khủng bố đẫm máu. Mặc dù chương trình eo hẹp nhưng vừa đặt chân đến Pháp, đoàn đã tới đặt vòng hoa tại Tượng Hồ Chí Minh ở Bảo tàng lịch sử Montreuil, ngoại ô Paris. Ông Dũng thực sự ngạc nhiên khi chính quyền Pháp dù phải tập trung tối đa nguồn lực cho việc đảm bảo chương trình và an ninh cho Hội nghị nhưng vẫn rất chu đáo trong công tác lễ tân cũng như an ninh cho đoàn ta thăm khu tưởng niệm Bác.

Hành trình tới Paris còn in dấu trong ông bởi sự coi trọng quan hệ với Việt Nam của Chính phủ Pháp. Thời điểm đó, Pháp tập trung toàn bộ vào COP21 nhưng Việt Nam vẫn nằm trong số ít đoàn được lãnh đạo cấp cao của nước chủ nhà đón tiếp trọng thị. Khi  đặt vấn đề gặp song phương thì từ Tổng thống, Thủ tướng cho tới Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hạ viện Pháp đều đồng ý và dành những lời đánh giá cao về Việt Nam cũng như mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước.

Năm 2015 châu Âu “nóng” hơn khi phải đau đầu giải quyết nhiều vấn đề lớn như khủng hoảng Ukraine, nợ công Hy Lạp, làn sóng di cư, và cuộc chiến chống khủng bố… nhưng họ vẫn gạt những mối lo ấy sang một bên để chào đón Việt Nam bằng sự cởi mở, chân tình nhất. Đó là điểm tựa vững chắc để tin tưởng về một tương lai tươi sáng trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước châu Âu.