📞

Bà Yingluck Shinawatra: Nhờ nhưng không dựa

12:03 | 14/07/2011
Thế giới không thiếu những nữ lãnh đạo thành công, và mô hình chung ở châu Á cho thấy đằng sau một người phụ nữ thành công là một người đàn ông quyền lực. Liệu bà Yingluck Shinawatra có phải là ngoại lệ?

Nếu trở thành Thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck không phải là phụ nữ đầu tiên lên nắm quyền ở châu Á. Benazir Bhutto (Pakistan), Indira Gandhi (Ấn Độ), hay Megawati Sukarnoputri (Indonesia) đều tiếp nối con đường của cha. Tại Philippines, cả Corazon Aquino và Gloria Aroyo đều lên nắm quyền thay cha, thay chồng. Với bà Yingluck, người đàn ông quyền lực chính là anh trai Thaksin Shinawatra. Dù sống lưu vong, cựu Thủ tướng vẫn để dấu ấn mạnh mẽ trong văn hóa chính trị Thái Lan.

“Nếu yêu quý anh tôi, các bạn có trao cho em gái của ông một cơ hội?”, Yingluck hỏi khi tranh cử. Con đường chính trị của bà có vẻ bằng phẳng hơn các nữ lãnh đạo khác ở châu Á. Theo khảo sát do báo Matichon tiến hành về việc có một nữ Thủ tướng, 70% số người được hỏi nói đây là bước đi đúng đắn. Lúc mới tranh cử, nhiều người coi bà như con rối. Nhưng “thực tế hóa ra là lựa chọn thông minh,” Kein Hewson, chuyên gia về Thái Lan tại ĐH Bắc Caroline nói: “Bà ấy đã tiếp lửa cho chiến dịch”.

Liệu bà có giống các nhà lãnh đạo nam khác, rơi vào xung đột chính trị dai dẳng hay không? Trong nỗ lực đầu tiên để chứng tỏ chủ trương hòa giải và giảm đối kháng, đảng Puea Thái của bà đã tuyên bố lập chính phủ liên minh với 4 đảng khác là Chart Thai Pattan (19 ghế), Chart Thai Puea Padin (7 ghế), Palanchon (7 ghế) và Mahachon (1 ghế) để có 299 ghế trong Hạ viện.

Theo giới quan sát, đây là quyết định có tính toán của Puea Thai nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro đối với sự tồn tại của chính phủ mới. Với số ghế quá bán mong manh (15 ghế), việc liên minh với các đảng khác sẽ giúp Puea Thai đảm bảo được sự ổn định của chính phủ mới. Chủ trương này cũng giúp tăng cường sức mạnh áp đảo của liên minh cầm quyền trước phe đối lập tại Hạ viện, theo đó chính phủ mới sẽ dễ ban hành và thông qua các chính sách. Bên cạnh đó, việc lôi kéo thêm 4 đảng khác tham gia liên minh sẽ giúp quy tụ bộ phận cử tri ủng hộ các đảng này vào mặt trận ủng hộ chính phủ mới và điều này sẽ có lợi khi chính phủ cần tổ chức trưng cầu dân ý những vấn đề lớn.

Trong tuyên bố về kế hoạch thành lập chính phủ liên minh, bà cũng vạch ra một số ưu tiên chính sách như thúc đẩy hòa giải dân tộc; chuẩn bị tổ chức lễ sinh nhật Nhà Vua lần thứ 84; khôi phục nền kinh tế mà trước mắt là tìm giải pháp ngăn chặn lạm phát, giá cả leo thang và cải thiện đời sống nhân dân; coi việc khôi phục quan hệ với nước láng giềng là ưu tiên cấp bách.

Bà Yingluck từng nói: “Tôi không giỏi trong mọi lĩnh vực, nhưng tôi biết cách dùng người”. Trong bối cảnh kinh tế Thái Lan gặp khó khăn, trí tuệ và tài năng trong kinh doanh của bà chắc chắn được tận dụng tối đa. Về đối ngoại, đảng Puea Thai là hiện thân mới của Đảng Quyền lực Nhân dân của ông Thaksin, vốn có các mối quan hệ nồng ấm với Campuchia cũng mang lại hy vọng cải thiện được các quan hệ chính trị và kinh tế giữa Thái Lan với quốc gia láng giềng này.

Một Thái Lan ổn định, dân chủ không chỉ đem lại sự phát triển thịnh vượng cho quốc gia này mà còn đóng góp rất lớn vào ổn định và hòa bình chung của ASEAN. Có làm nên lịch sử hay không, tất cả phụ thuộc không chỉ nụ cười tươi sáng và sự duyên dáng linh hoạt của bà Yingluck, mà còn ở sự nhạy bén và các quyết sách hợp lý trong bối cảnh các lực lượng đối địch tại Thái Lan phát động cuộc chiến pháp lý chống đảng Puea Thai. Theo luật, chính phủ mới sẽ ra mắt trong vòng 30 ngày sau bầu cử, còn tiến trình pháp lý phải mất hàng tháng mới hoàn tất, bà Yingluck vẫn còn thời gian để lập ra một Nội các có thể thỏa mãn tất cả các bên.

Nguyễn Kim