Ths Lê Trường An nêu quan điểm: Bạn trẻ hãy mạnh dạn chọn nghề mình yêu thích và phù hợp với năng lực bản thân. (Ảnh: NVCC) |
12 năm trước, tôi cũng là sĩ tử. Hẳn, ai đến ngưỡng cửa phải chọn ngành chọn nghề và trường thi đều hồi hộp, bởi chưa biết mình phù hợp với ngành nào nhất. Rồi cả năng lực của mình, liệu sẽ thi vào được trường nào, làm thế nào để không rớt oan ức.
Dù lo thì cũng phải chọn. Tất nhiên, khi đó tôi được thầy cô tư vấn, nếu em thi vào trường này thì điểm phải cao mới đậu nổi nhưng đậu thì chất lượng đào tạo rất tốt, học phí rẻ hơn. Còn nếu thi trường kia, có thể em sẽ phải tốn học phí cao hơn, được cái điểm chuẩn thấp hơn.
Ở tuổi 18, tôi đặt lên bàn cân kinh tế gia đình với trường yêu thích, ngành phù hợp. Cuối cùng, tôi chọn thi vào ngành mình yêu thích và học phí vừa sức với gia đình. Tôi tự nhủ, miễn được học Đại học, còn giỏi hay không là do mình nữa chứ không lệ thuộc trường nào. “Có nhiều trường không phải hàng top nhưng nhiều người chịu khó học từ thầy cô trên giảng đường, từ thực tế, không ngừng trau dồi, tìm kiếm cơ hội thì họ cũng thành công”, một người thầy dạy bộ môn của tôi khuyên.
Tôi yên tâm và đặt bút ký vào hồ sơ đăng ký. Đúng như vị thầy ấy nói, học đại học là quá trình tự rèn luyện của mỗi người, nếu học trường “ngon” mà người học không có phương pháp học tốt thì cũng không giỏi được.
Tôi đã trải qua quá trình học và rèn luyện gắt gao ở đại học. Tự ý thức rằng mình phải giỏi hơn mình hôm qua, cứ thế tôi phấn đấu mỗi ngày như thể đó là “nhiệm vụ bắt buộc”, mình học cho mình, vì đồng tiền bát gạo khó nhọc của phụ huynh.
Đến nay, sau khi đã tốt nghiệp, rồi học cao học hai chuyên ngành khác nhau, ở cả trong nước lẫn liên kết với một đại học ở Australia, tôi nghĩ về việc chọn nghề của các em hiện tại. Đâu đó vẫn có nhiều em phải “học đại” một ngành nghề mà không tìm hiểu kỹ, chỉ vì đó là ngành dễ kiếm việc.
Tại sao các em không chọn ngành và trường phù hợp? Thực tế hiện nay, công tác tư vấn hướng nghiệp đã được phổ biến rộng rãi. Nếu nói rằng thiếu thông tin để “học đại” là không thể chấp nhận được. Điện thoại thông minh đã phổ biến đến tận miền xa nhất, hầu như học sinh nào cũng sử dụng máy tính, truy cập mạng.
Và đâu đó, cũng có những bạn trẻ đã phải “học theo” định hướng từ gia đình. Có sinh viên từng than với tôi rằng, “thực ra em không thích ngành này nhưng ba mẹ nói, con phải học ngành đó để ra trường dễ xin việc, ba mẹ có thể gửi con vào chỗ A, chỗ B”…
Sẽ không bao giờ hiệu quả nếu các bạn trẻ học đại học theo kiểu học đại hoặc học theo định hướng như vậy. Thậm chí có bạn học để… tránh đi nghĩa vụ quân sự hoặc để được “nhận lương” từ ba mẹ. “Nếu con không học thì ba mẹ không cho bất cứ thứ gì”, một sinh viên không ngần ngại tâm sự như vậy.
Có thể nói, kiến thức đại học là kiến thức cơ bản, nền tảng để các em tiếp tục bổ sung các kiến thức, kỹ năng khác, hoàn thiện chuyên môn sâu hơn khi đi làm, va chạm thực tế. Tôi không theo chủ nghĩa bằng cấp nhưng không thể phủ nhận, người có một bằng cấp nào đó cũng phần nào đánh giá năng lực của người ấy.
Tôi chưa có cơ hội để ngồi trong các chương trình tư vấn mùa thi nhưng nếu có, tôi sẽ không ngần ngại nói với các bạn trẻ, hãy lắng nghe trái tim mình, để hiểu những sở trường và năng lực tự thân, mạnh dạn chọn ngành nghề mình yêu thích để thi và học.
Nếu lỡ chọn sai thì cũng đừng tiếc công học 1-2 năm mà “phóng lao phải theo lao”, có thể chọn lại để vững vàng tương lai mình hơn. Còn với phụ huynh, có lẽ cũng cần lắng nghe để hiểu con mình thích gì, có thể làm được gì để định hướng đúng, ủng hộ con theo nghề, chọn trường phù hợp.
Cơ chế học tập tốt, sáng tạo và thành công chính là học ngành đúng sở trường, thế mạnh của bản thân (khác với sở thích) và làm công việc đúng với đam mê của mình. Tình yêu và mong muốn được tỏa sáng với công việc của mình giúp cho mỗi người bền bỉ và không bao giờ bỏ cuộc khi gặp một khó khăn nào đó.
*Giảng viên Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, nghiên cứu sinh Đại học Kỹ thuật Suranaree, Thái Lan.
| Đi dã ngoại để rèn các kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho trẻ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ Việc tổ chức chuyến dã ngoại, trải nghiệm thực tế là một trong những hoạt động quan trọng của công tác giáo dục nhưng nó ... |
| GS. Hà Vĩnh Thọ: Trường học hạnh phúc nên chú trọng các giá trị đạo đức Điều quan trọng giáo viên phải hiểu rằng, hạnh phúc của họ đi liền với hạnh phúc của người khác, của xã hội và lợi ... |
| Làm gì để kiểm chứng mức độ hiệu quả và hữu ích của buổi dã ngoại? TS. Vũ Thu Hương băn khoăn, làm cách gì để kiểm chứng mức độ hiệu quả và hữu ích của buổi dã ngoại đến giá ... |
| Cần những hoạt động dã ngoại mang tính giáo dục cao, để không 'cưỡi ngựa xem hoa' Không phải ngẫu nhiên, câu chuyện học sinh đi dã ngoại lại trở thành đề tài nóng, nhận được nhiều sự quan tâm như hiện ... |
| TP. Hồ Chí Minh: Chi tiết lịch thi vào lớp 10 mới nhất Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 ... |