Mối đe dọa từ Trung Quốc
Nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt nền kinh tế Mỹ để trở thành cường quốc hùng mạnh nhất thế giới trong 15 năm tới. Ở Washington, có đồng thuận cho rằng Trung Quốc có khả năng gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích và hạnh phúc của người Mỹ.
Tại phiên điều trần trước Thượng viện ngày 26/9/2017, Tham mưu trưởng quân đội Mỹ, Tướng Joseph Dunford, đã thẳng thắn nói rằng Bắc Kinh có thể sẽ là "mối đe dọa lớn nhất" vào năm 2025. Trong "Chiến lược quốc phòng năm 2018" của Mỹ, Trung Quốc và Nga được gọi là "các cường quốc xét lại" đang tìm cách "định hình một thế giới tương thích với mô hình của họ - bằng cách phủ quyết các quyết định kinh tế, ngoại giao và an ninh của các quốc gia khác". Giám đốc Cơ quan Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray tuyên bố: "Mối đe dọa Trung Quốc không chỉ liên quan tới những vấn đề chiến lược và liên chính phủ, mà tác động đến toàn xã hội và tôi nghĩ rằng chúng ta cần tìm một giải pháp ở quy mô toàn xã hội".
Quan điểm này trở nên phổ biến tới mức khi Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại chống lại Bắc Kinh vào tháng 1/2019, ông đã nhận được sự ủng hộ của các nhân vật ôn hòa, như Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer.
Tổng thống Trump nhận được sự ủng hộ của nhiều người Mỹ khi phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. |
Sự lo ngại nói trên được thúc đẩy bởi hai mối quan tâm. Trước tiên là mối quan tâm về kinh tế: Trung Quốc sẽ làm Mỹ suy yếu bằng cách dùng các biện pháp thương mại gian lận, những yêu cầu chuyển giao công nghệ, vi phạm luật sở hữu trí tuệ và áp đặt các hàng rào phi thuế quan cản trở việc tiếp cận các thị trường.
Thứ hai là mối quan tâm về chính trị: Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ không gắn liền với các cải cách được thúc đẩy bởi các chính phủ phương Tây. Đồng tình với những phân tích này, nhà khoa học chính trị Graham Allison đã đưa ra một kết luận bi quan, rằng một cuộc xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Mỹ dường như có nhiều khả năng xảy ra hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc không có sức mạnh quân sự để đe dọa hay xâm chiếm nước Mỹ, không cố gắng can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ, cũng như không thực hiện bất kỳ chiến dịch nào để phá hoại nền kinh tế Mỹ.
Mỹ khó cản trở
Các vấn đề kinh tế đòi hỏi sự khôn khéo như các vấn đề quân sự và ngoại giao. Tuy nhiên, đó không phải là con đường mà ông Trump lựa chọn. Bất chấp những lời biện minh, cuộc chiến thương mại mà ông Trump phát động chống Bắc Kinh đã thu hút được sự ủng hộ rộng rãi của công luận Mỹ.
Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc bắt đầu với thuế quan trị giá 34 tỷ USD của hàng hóa Trung Quốc. |
Washington đã tìm cách làm suy yếu tham vọng của Trung Quốc trở thành nước lãnh đạo công nghệ. Martin Feldstein, cựu Chủ tịch Ủy ban cố vấn kinh tế của Ronald Reagan, đã chỉ ra rằng Mỹ hoàn toàn có quyền thực thi các chính sách để ngăn chặn hành vi của Trung Quốc đánh cắp công nghệ. Dù vậy, điều đó không cho phép Mỹ cản trở kế hoạch chiến lược quốc gia "Made in China 2025". Trung Quốc đã xây dựng kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như ô tô điện, robot tiên tiến và trí tuệ nhân tạo.
Để duy trì quyền độc tôn của mình trong các ngành công nghiệp công nghệ cao như hàng không vũ trụ và robot, Mỹ không thể chỉ áp đặt các rào cản hải quan đối với các đối tác của mình. Mỹ sẽ phải đầu tư vào giáo dục đại học, nghiên cứu và phát triển. Nói cách khác, Mỹ cần xây dựng chiến lược kinh tế dài hạn của riêng mình để ứng phó với chiến lược của Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một tầm nhìn rõ ràng về tương lai của nền kinh tế và của người dân Trung Quốc. Những chương trình như "Made in China 2025" hay Sáng kiến "Vành đai và Con đường mới" (BRI), cùng các dự án cơ sở hạ tầng, là minh chứng cho mong muốn của Trung Quốc trở thành nước đứng đầu trong các ngành công nghiệp mới. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng đất nước của họ không thể theo đuổi cuộc đua tăng trưởng bất chấp cái giá phải trả về mặt xã hội: tình trạng bất bình đẳng và ô nhiễm môi trường.
Điều không thể tránh khỏi
Trên thực tế, hợp tác có lợi nhất cho Mỹ chắc chắn lại là sự hợp tác mà nước này thiết lập với Trung Quốc. Trung Quốc đề xuất triển khai quỹ dự trữ 3.000 tỷ USD để đầu tư nhiều hơn vào Mỹ, và Mỹ có thể xem xét khả năng tham gia BRI. Nói tóm lại, có rất nhiều cơ hội cần nắm bắt.
Mỹ - Trung có thể nắm bắt nhiều cơ hội hợp tác. (Nguồn: AP) |
Giống như Boeing và General Electric được hưởng lợi từ sự bùng nổ của thị trường hàng không Trung Quốc, các tập đoàn như Caterpillar và Bechtel có thể được hưởng lợi từ các công trình xây dựng quy mô lớn ở những nước này.
Sở dĩ, Mỹ cuối cùng đã thay đổi quan điểm về Trung Quốc, vì có lẽ họ nhận ra rằng có thể xây dựng một chiến lược kìm hãm Trung Quốc và thúc đẩy những lợi ích của Mỹ. Trong một bài phát biểu năm 2003 tại Đại học Yale, Tổng thống Mỹ thời bấy giờ là Bill Clinton đã tuyên bố rằng cách duy nhất để ngăn chặn Trung Quốc trở thành siêu cường là xây dựng các quy tắc đa phương và các quan hệ đối tác kiềm chế Trung Quốc.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc vẫn ủng hộ việc tăng cường cấu trúc đa phương toàn cầu do Mỹ thiết lập, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới, Liên hợp quốc và WTO. Bắc Kinh đã cung cấp nhiều nhân viên gìn giữ hòa bình hơn 4 nước thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Do vậy, các cơ hội hợp tác mới sẽ xuất hiện trong các diễn đàn đa phương.
Nhưng để nắm bắt được các cơ hội đó, các nhà lãnh đạo Mỹ phải chấp nhận một thực tế: Sự trở lại của Trung Quốc (và Ấn Độ) trên trường quốc tế là điều không thể tránh khỏi.