Hai ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Joe Biden có quan điểm khá khác nhau về biến đổi khí hậu. (Nguồn: Axios) |
BÌNH LUẬN CỦA TG&VN
| Bầu cử Mỹ 2020: Âm thầm ký sắc lệnh gây tranh cãi, Tổng thống Trump ‘tất tay’? |
Năm 2020 được coi là một năm không mấy vui vẻ với Mỹ khi đang bị đại dịch Covid-19 tấn công, các ca nhiễm và tử vong vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại nhiều bang. Không những vậy, Mỹ còn đang hứng chịu nhiều thảm họa thiên nhiên như cháy rừng tàn phá bờ Tây, các cơn bão nhiệt đới tấn công vùng Vịnh duyên hải Mexico (Gulf Coast), và nhiệt độ đạt mức nóng kỷ lục hết năm này qua năm khác.
Các hiện tượng cực đoan nói trên đều là ảnh hưởng trực tiếp của quá trình biến đổi khí hậu, sự ấm lên của toàn cầu và đã được các nhà khoa học xác định là những vấn đề đáng báo động, đang xảy ra trước mắt của chúng ta, đòi hỏi thế giới cần có những hoạt động nhanh chóng và toàn diện nhằm cứu lấy Trái Đất.
Chính vì vậy, biến đổi khí hậu cũng trở thành một trong những chủ đề chính trong cuộc đua vào Nhà Trắng của hai ứng viên: Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa và cựu Phó Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ. Các chuyên gia cho rằng kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 tới có thể đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của Mỹ nói riêng và cả thế giới nói chung.
Bất đồng quan điểm
Trong buổi tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống lần cuối diễn ra vào ngày 22/10 vừa qua, khi được hỏi về làm cách nào để chống lại biến đổi khí hậu, ông Trump và ông Biden đều đã phát biểu khá chi tiết về những chính sách của mình trong nhiệm kỳ tới. Điều đặc biệt, theo Reuters, đây là lần đầu tiên trong các cuộc tranh luận, hai ứng viên không được hỏi liệu họ có tin vào biến đổi khí hậu hay không.
Khi trả lời, ông Trump cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ và “yêu quý môi trường”, đồng thời đưa ra ví dụ về những chương trình liên bang nhằm trồng thêm cây và giảm lượng khí thải carbon. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng ông sẽ không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Biden cho rằng cải thiện tình trạng biến đổi khí hậu là điều mà nước Mỹ cùng các nước cần chung tay thực hiện và thế giới không có nhiều thời gian. Kế hoạch đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng sạch của ông sẽ tạo ra hàng chục nghìn việc làm, đồng thời giảm tình trạng ô nhiễm không khí, nước, mang lại tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững cho nước Mỹ.
Kế hoạch của ông Biden đã vấp phải nhiều phản đối đến từ ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ. Tuy nhiên, sau khi buổi tranh luận kết thúc, ông nói với báo giới rằng không có ý định bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch trong một thời gian dài, để đảm bảo việc làm trong ngành này nhưng sẽ thúc đẩy những nguồn nhiên liệu sạch hơn để thay thế.
Hồi năm 2017, phát biểu tại một buổi lễ ở Vườn Hồng của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Hiệp định Paris là gánh nặng về tài chính và kinh tế, khiến nhiều người mất việc làm, gây xói mòn chủ quyền quốc gia và đặt Washington vào thế bất lợi so với các nước khác, nhất là trong ngành công nghiệp than đá. Ông còn khẳng định quyết định rút khỏi Hiệp định này “tượng trưng cho sự tái khẳng định chủ quyền Mỹ”. |
Trên thực tế, ông Trump nhiều lần có những phát ngôn gây tranh cãi và không tin tưởng vào các bằng chứng khoa học về biến đổi khí hậu. Theo ABC, năm 2018, 300 chuyên gia từ 13 cơ quan liên bang đã công bố một báo cáo cho rằng biến đổi khí hậu sẽ làm tổn hại nền kinh tế Mỹ nhưng ông Trump tỏ ra không quan tâm.
Ngày 14/9, phát biểu trong một cuộc họp về tình trạng cháy rừng tại bang California, Tổng thống Trump cho rằng hiện tượng ấm lên toàn cầu “sẽ tự đảo ngược”, đồng thời bác bỏ quan điểm cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra các đám cháy rừng dữ dội đang “nhấn chìm” vùng miền Tây nước Mỹ.
Tranh thủ điều đó, trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden liên tục có những phát biểu chống lại sự thờ ơ của ông Trump. Ngày 14/9, khi phát biểu tại thành phố Wilmington (bang Delaware), ứng cử viên đảng Dân chủ nhấn mạnh rằng, nếu ông Trump ở trong Nhà Trắng thêm bốn năm nữa và tiếp tục có những hành động “phá hoại khí hậu”, nhiều vùng của Mỹ sẽ bùng cháy và ngập trong biển nước.
Do vì sự bất đồng quan điểm trên, mỗi ứng viên đều có những kế hoạch riêng nhằm xây dựng một tương lai mà Mỹ vẫn có thể bền vững trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Vấn đề nằm ở hành động
Giới chuyên gia nhận định, ông Trump vẫn khẳng định quan điểm đi ngược lại với khoa học, rằng biến đổi khí hậu không phải do con người gây ra và tác hại của quá trình này tới môi trường là không có thật.
Trong bốn năm qua, chính quyền của Tổng thống Trump đã đi ngược lại với các cam kết toàn cầu về chống biến đổi khí hậu. Điểm nhấn lớn nhất là quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2019. Đây cũng được coi là một thông điệp mạnh mẽ rằng Mỹ không còn đồng thuận với quốc tế trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Tổng thống Trump đã từng đề cập rằng sẽ tái đàm phán về thỏa thuận, nhưng cho đến nay, Mỹ vẫn chưa có bất cứ hành động gì. Một số nhà quan sát đánh giá việc rút khỏi Hiệp đinh Paris đã tạo điều kiện cho các quốc gia khác như Brazil và Saudi Arabia trì hoãn quá trình cắt giảm lượng khí thải carbon.
Mỹ thời gian vừa rồi đã bãi bỏ hơn 160 quy định về môi trường, bao gồm tiêu chuẩn về nhiên liệu ô tô, quy định hạn chế rò rỉ khí metan..., nhằm tiếp tục đẩy mạnh ngành công nghiệp năng lượng. Điều này giúp Mỹ tiếp tục trở thành cường quốc dầu khí hàng đầu thế giới.
Theo số liệu mới nhất dựa trên báo cáo thống kê về năng lượng thế giới của BP được công bố năm 2019, Mỹ vẫn đứng đầu về tổng sản lượng dầu thô và sản phẩm dầu toàn cầu với mức trung bình là 15,3 triệu thùng/ngày trong năm 2018.
Chính vì vậy, nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất năng lượng và giúp cho nền kinh tế phát triển, bảo vệ lợi ích của quốc gia cũng như của người dân. Mỹ sẽ có những hoạt động tăng cường sản xuất nhiên liệu hóa thạch và xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ mục đích khai thác. Điều này đã dấy lên lo ngại từ giới khoa học.
Thế nhưng, trên thực tế, ông Trump cũng không phải không chú ý đến những tác nhân gây hại của môi trường. Tại buổi tranh luận vừa qua, đương kim Tổng thống Mỹ cho rằng trong nhiệm kỳ của mình, tình trạng không khí, nước đã được cải thiện rõ rệt, trong khi lượng CO2 thải ra đã giảm đáng kể so với những quốc gia “bẩn” hơn nhiều như Trung Quốc, Nga hay Ấn Độ.
Theo CNBC, ông Biden coi biến đổi khí hậu là một trong bốn cuộc khủng hoảng mà nước Mỹ phải đối mặt, cùng với đại dịch Covid-19, suy giảm kinh tế và làn sóng phản đối bạo lực cảnh sát. |
Những người ủng hộ ông Trump cho rằng, Mỹ vẫn theo sát với tôn chỉ “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và chính sách “Nước Mỹ trên hết” của tổng thống, nhằm tiếp tục bảo vệ lợi ích và vị thế là cường quốc số một thế giới, sẵn sàng có những động thái mạnh mẽ với những quốc gia khác trên thế giới nếu họ không tuân thủ “luật chơi chung”.
Trong khi các chính sách của ông Trump bị đánh giá là đi ngược lại nỗ lực quốc tế trong vấn đề khí hậu, ứng cử viên Tổng thống Joe Biden đang chiếm được niềm tin của những nhà hoạt động vì môi trường. Theo BBC, ông Biden đề xuất kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu trị giá 2.000 tỷ USD trong bốn năm, giúp Mỹ cắt giảm tối đa lượng carbon vào năm 2035 và tiến đến mục tiêu quốc gia không khí thải vào năm 2050.
Ông Biden có tham vọng thực hiện một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giao thông vận tải, cụ thể là thay thế toàn bộ các phương tiện giao thông bằng xe điện và xe lửa. Ông cũng muốn xây dựng 1,5 triệu mô hình nhà ở bền vững và ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo.
Một dự định khác của ông Biden là Mỹ sẽ tăng thuế quan đối với những quốc gia không cắt giảm lượng khí thải. Những người ủng hộ ông nói rằng kế hoạch của ông sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho Mỹ, mà còn có tác động tích cực đến khí hậu toàn cầu.
The Guardian nhận định, nếu ông Biden thắng cử, Mỹ sẽ cam kết lại các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, gia nhập lại Hiệp định Paris và rất có khả năng sẽ khuyến khích phần còn lại của thế giới gia tăng hành động.
Là một trong những chủ đề “nóng” của cuộc đua vào Nhà Trắng, nhưng biến đổi khí hậu và chính sách chống quá trình này chỉ là một trong rất nhiều yếu tố để có thể quyết định được ai sẽ là người thắng cuộc. Tuy nhiên, không chỉ riêng Mỹ, thế giới cũng nên có những hành động nhanh chóng, quyết đoán và thiết thực nhằm phòng chống những tác động cực đoan của quá trình biến đổi khí hậu.
| Bầu cử Mỹ 2020: 'Chiến trường' thực sự ở đâu trong tuần nước rút cuối cùng? TGVN. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn cuối, song, theo nhận định của truyền thông Pháp, thực chất cuộc đua ... |
| Bầu cử Mỹ 2020: Ông Trump bị dẫn trước tại nhiều bang từng thắng năm 2016, hai đối thủ 'xông pha chiến trường' TGVN. Ngày 27/10, theo kết quả thăm dò, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là Donald Trump và Joe Biden đang bám đuổi nhau ... |
| Bầu cử Mỹ 2020: Ông Biden 'lộ' sơ hở, hai đối thủ bám đuổi sát nút ở Georgia TGVN. Ngày 25/10, trong một buổi hòa nhạc trực tuyến, ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã 2 lần gọi nhầm ... |