TIN LIÊN QUAN | |
Bầu cử Mỹ và ảnh hưởng tới thế giới | |
Bầu cử Mỹ tác động lớn đến tình hình thế giới |
Ông Trump liên tục "dính" scandal
Thay vì tranh luận về những vấn đề chính sách, cuộc chạy đua vào nhà Trắng đang biến thành cuộc tranh cãi "xấu xí" về những hành vi khiếm nhã với phụ nữ. Chỉ trong tuần qua, đã xuất hiện 7 người phụ nữ đứng ra cáo buộc ứng cử viên Tổng thống Donald Trump sờ soạng hay cưỡng hôn họ. Người gần đây nhất là Summer Zervos, cô gái tham dự cuộc thi "Người học việc" năm 2007.
Thứ Năm tuần trước, Phu nhân Tổng thống Mỹ Michelle Obama đã phê phán ông Trump trong bài diễn văn ủng hộ bà Clinton tại một cuộc vận động ở bang New Hampshire. Tại đây, bà Michelle nói rằng những bình luận của ông Trump về phụ nữ đã làm bà "chấn động sâu sắc theo cách không thể nghĩ tới”. Bà Michelle nhấn mạnh điều này là không bình thường, đáng hổ thẹn và không thể chấp nhận được. Bà kêu gọi cả những người Dân chủ lẫn Cộng hòa lên án hành động của ông Trump. Những phát biểu trên của Đệ nhất phu nhân đã thu hút được sự chú ý rộng rãi của dư luận Mỹ và có ảnh hưởng mạnh đến thái độ của cử tri.
Ông Trump đã phủ nhận tất cả những cáo buộc này, đồng thời mô tả ông là "nạn nhân của truyền thông". Ông cho rằng những cáo buộc này nằm trong âm mưu của bà Clinton và giới truyền thông để phá hoại chiến dịch tranh cử của ông.
Những tranh cãi về đạo đức đang thay thế cho các vấn đề chính sách. (Nguồn: AP) |
Bà Clinton ngày càng áp đảo
Những bê bối cá nhân trong hơn 1 tuần qua khiến ông Trump bị tụt lại phía sau trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ngày càng có nhiều dự báo cho thấy ông khó có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Trong cuộc thăm dò dư luận toàn quốc do hãng tin Fox công bố hôm thứ Năm vừa qua, bà Clinton đang dẫn trước 7 điểm so với tỷ phú Trump với tỷ lệ ủng hộ tương ứng là 45% và 38%. Theo một cuộc thăm dò trước đó từ ngày 3 -6/10, bà Clinton chỉ cách biệt khiêm tốn 2 điểm so ông Trump (lần lượt là 44% và 42%). Như vậy trong khi ông Trump mất điểm thì bà Clinton nhận thêm được nhiều sự ủng hộ từ cử tri Mỹ.
Nhiều chuyên gia chính trị cho rằng, cuộc đua tổng thống thực chất là cuộc tranh giành phiếu ở những bang "do dự". Đó là những bang mà tỷ lệ ủng hộ đối với hai ứng cử viên là xấp xỉ nhau và người thắng cử có thể thuộc bất kỳ đảng nào. Ở Mỹ có đến 11 bang như vậy, gồm Colorado, Florida, Iowa, Michigan, Nevada, New Hampshire, North Carolina, Ohio, Pennsylvania, Virginia và Wisconsin.
Theo báo Politico, hiện nay chỉ số ủng hộ trung bình tại 11 bang này đang nghiêng về phía bà Clinton với tỷ lệ ủng hộ 45,1% so với 40,6% dành cho ông Trump.
Theo CNN, muốn bước vào Nhà Trắng trong cục diện hiện nay, ông Trump nhất định phải thắng ở một trong các bang Michigan, Wisconsin, hoặc Pennsylvania - để giành lấy ít nhất 270 trên tổng số 538 phiếu đại cử tri. Tại Michigan, bà Clinton đang dẫn trước 11 điểm với tỷ lệ ủng hộ là 42% so với 31% dành cho ông Trump (theo thăm dò của Detroit News/WDIV công bố hôm thứ Tư tuần trước). Tại Pennsylvania, bà Clinton đang dẫn trước ông Trump 9 điểm với tỷ lệ ủng hộ cho các ứng cử viên lần lượt là 49% - 44% (theo thăm dò của Bloomberg công bố ngày thứ Năm). Tại Wisconsin, nơi mà trước đây ông Trump có lợi thế hơn, thì nay bà Clinton đã xoay ngược tình hình, dẫn trước ông Trump 7 điểm, với tỷ lệ ủng hộ là 44% trong khi ông Trump là 37% (thăm dò của Trường Luật, Đại học Marquette).
Theo Wall Street Journal, bà Clinton cần giành chiến thắng ở một trong hai bang North Carolina và Ohio nhằm bảo đảm chiến thắng chung cuộc. Ở bang North Carolina, theo thăm dò của Wall Street Journal và hãng tin NBC, bà Clinton đang dẫn điểm trước với tỷ lệ 45% cử tri ủng hộ so với 41% của ông Trump. Trong khi đó, ông Trump dẫn trước mong manh ở Ohio với 42% số cử tri ủng hộ, còn bà Clinton được 41%. Chưa có ứng cử viên Cộng hòa nào thắng cử Tổng thống mà không giành chiến thắng ở bang Ohio.
Hiện nay cỗ máy vận động tranh cử của bà Clinton đang tranh thủ tối đa Tổng thống Barack Obama, Đệ nhất Phu nhân Michelle, Phó Tổng thống Joe Biden tại các bang "do dự". Đệ nhất phu nhân Michelle đã đến New Hampshire trong khi Phó Tổng thống Biden đang đến Neveda. Ông Obama đã đến Pennsylvania và Ohio vào thứ Sáu. Tất cả là để vận động cho bà Clinton.
Bà Clinton ngày càng áp đảo ông Trump. (Nguồn: AP) |
Cộng hoà khủng hoảng, Dân chủ hy vọng?
Nội bộ đảng Cộng hòa đang có nhiều mâu thuẫn. Nhiều người, trong đó có nhiều nghị sỹ đã rút lại sự ủng hộ dành cho ông Trump, thậm chí có người đã đòi cả tiền đã đóng góp vào chiến dịch vận động tranh cử của Trump.
Nhiều đảng viên Cộng hoà cho rằng quyết định chọn ông Trump là đại diện của đảng ra tranh cử Tổng thống một sai lầm thảm hại. Nhưng nên nhớ rằng ông Trump đã trải qua quá trình chọn lọc của đảng Cộng hoà để vượt qua các đối thủ. Trước đó, các ứng cử viên của đảng này đều không thể hiện được khả năng thu hút cử tri. Thượng nghị sỹ Ted Cruz không tranh thủ được cử tri ngoài lực lượng bảo thủ và các cử tri theo đạo Tin lành. Thống đốc John Kasich hay Thượng nghị sỹ Marco Rubio cũng không được ủng hộ rộng rãi… Có lẽ chỉ ông Mitt Romney là ứng cử viên xứng đáng cho đảng Cộng hòa. Ngay từ đầu ông Mitt Romney đã suy nghĩ về việc tranh cử nhưng cuối cùng đã từ bỏ ý định này. Nhiều người lúc đó nói rằng ông Mitt Romney nên để cho những tài năng mới của đảng Cộng hòa xuất hiện.
Tình thế mà Đảng Cộng hoà đang gặp phải khiến cho các nghị sỹ đảng Dân Chủ nghĩ tới điều mà trước kia là không thể, đó là việc lấy lại quyền kiểm soát cả ở Thượng viện và Hạ viện trong cuộc bỏ phiếu tháng 11 sắp tới. Ở Thượng viện, đảng Dân chủ rất tự tin giành lại quyền kiểm soát vì họ chỉ cần giành thêm 4 ghế nữa nếu ông Trump thất bại trong cuộc bầu cử ngày 8/11. Trong khi đó, lãnh tụ phe thiểu số ở Hạ viện, Hạ nghị sỹ Nancy Pelosy cho rằng đảng Dân chủ cũng có cơ hội lấy lại quyền kiểm soát ở Hạ viện nếu giành thêm được ít nhất 30 ghế nữa.
Tuy nhiên, đảng Dân chủ cũng đang lo lắng trước việc cuộc chạy đua nước rút vào Nhà Trắng ngày càng xoay quanh những scandal của các cá nhân sẽ khiến cho cử tri chán nản không muốn đi bầu. Đồng thời, việc bà Clinton đang ngày càng vượt ông Trump về tỷ lệ ủng hộ cũng có thể sẽ khiến cử tri không đi bỏ phiếu nữa. Tổng thống Obama đã cảnh báo ông Trump đang cố tình làm mất lòng tin của toàn bộ hệ thống chính trị bằng âm mưu làm giảm số lượng cử tri đi bầu cử. Ông nhấn mạnh cử tri Mỹ không nên rơi vào cái bẫy đó.
Tranh luận Clinton – Trump lần 2: Ai thắng ai? Sau kết quả được xem là chiến thắng trong cuộc tranh luận lần 1 vào ngày 27/9, bước vào cuộc tranh luận lần 2 hôm nay ... |
Những "quân bài" mà bà Clinton và ông Trump chuẩn bị cho cuộc tranh luận thứ hai Cuộc tranh luận thứ hai giữa bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ và ông Donald Trump của đảng Cộng hoà dự kiến sẽ diễn ... |
Bầu cử Mỹ 2016: Tổng thống Obama đi bỏ phiếu sớm Ngày 7/10, trong chuyến thăm không báo trước tới thành phố Chicago của bang Illinois, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đi bỏ phiếu sớm ... |