TIN LIÊN QUAN | |
Bầu cử Mỹ 2020 và Covid-19: Hoả mù đắc dụng | |
Bầu cử Mỹ 2020: Đảng Cộng hòa chính thức đề cử ông Trump, ông Pence tiếp tục làm 'phó tướng' đắc lực |
Nếu Tổng thống Trump bị đối thủ Joe Biden của đảng Dân chủ đánh bại trong cuộc bầu cử vào ngày 3/11 tới, thách thức lớn nhất mà chính quyền mới của Mỹ phải đối mặt là phục hồi vị thế quốc tế của Mỹ. (Nguồn: AP) |
Giới phân tích, các cựu quan chức Mỹ và châu Âu cho rằng, nếu ông Trump bị đối thủ Joe Biden của đảng Dân chủ đánh bại trong cuộc bầu cử vào ngày 3/11 tới, thách thức lớn nhất mà chính quyền mới của Mỹ phải đối mặt là phục hồi vị thế quốc tế của Mỹ cũng như lòng tin của các nước đối với cường quốc số 1 thế giới này.
Ông Biden, từng là Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama, sẽ tiếp quản một mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương rạn nứt, một mối quan hệ đối kháng sâu sắc (giữa Mỹ) với Trung Quốc và các chiến dịch gây sức ép thông qua các biện pháp trừng phạt nhắm vào Iran, Syria và Venezuela. Dưới đây là đánh giá tổng quan về các ưu tiên chính sách quan trọng của chính quyền Tổng thống Trump và những thách thức tiềm tàng đối với ông Biden.
Trung Quốc - khó chọn cách ứng xử mới
Chủ đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016 là cáo buộc Trung Quốc đã "ăn cướp" của Mỹ và cam kết sẽ đạt được 1 thỏa thuận thương mại công bằng hơn với Trung Quốc nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và tạo việc làm cho người dân Mỹ.
Sau gần 2 năm phát động cuộc chiến tranh thương mại "ăn miếng trả miếng" với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cho đến giờ ông Trump mới chỉ xoay sở để đạt được giai đoạn 1 của một thỏa thuận thương mại như vậy.
Washington và Bắc Kinh đã áp thuế đối với hàng hàng trăm tỷ USD giá trị hàng hóa của nhau. Đại dịch Covid-19, bắt nguồn từ Trung Quốc và lây lan ra toàn cầu, tiếp tục đẩy mối quan hệ song phương xuống mức thấp nhất trong vòng vài thập kỷ, làm dấy lên những ngại về khả năng xảy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Giới phân tích cho rằng, Chính quyền ông Biden (nếu ông Biden đắc cử) hầu như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc duy trì lập trường cứng rắn này. Tuy nhiên, ông Biden có thể sẽ "hạ giọng" để tạo cơ hội cho các cuộc tiếp xúc giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thỏa thuận hạt nhân Iran
Năm 2018, ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với các cường quốc thế giới năm 2015, đồng thời tuyên bố ông có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn. Ông cũng phát động chiến dịch "gây áp lực tối đa" nhằm chặt đứt các nguồn thu nhập của Tehran.
Mặc dù đã gần 2 năm áp đặt các lệnh trừng phạt lên mọi lĩnh vực của Iran, từ nguồn thu dầu mỏ cho tới khoáng sản và Ngân hàng Trung ương Iran, song Washington hiện vẫn chưa thể thay đổi được thái độ của quốc gia Hồi giáo này và cũng chưa đưa được quốc gia này trở lại bàn đàm phán. Thay vào đó, căng thẳng leo thang đã đẩy 2 quốc gia tới bờ vực chiến tranh.
Ông Biden nói rằng, ông sẽ làm việc với Iran thông qua ngoại giao và sẽ tái tham gia thỏa thuận hạt nhân 2015, chỉ cần Iran quay trở lại tuân thủ các hạn chế mà thỏa thuận này đặt ra đối với chương trình hạt nhân của Iran.
NATO và các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương
Tổng thống Trump liên tục phàn nàn về việc nhiều đối tác của Mỹ trong NATO không đáp ứng các mục tiêu chi tiêu quốc phòng. Ông cũng đặt câu hỏi về tính hữu ích của tổ chức được thành lập năm 1949 này, thời kỳ khởi đầu của cuộc Chiến tranh Lạnh với Nga. Những lời công kích của ông Trump đối với NATO đã khiến cho mối quan hệ của Mỹ với một số đồng minh châu Âu xấu đi. Tuy nhiên, hiện có thêm nhiều thành viên trong liên minh này tăng chi tiêu quốc phòng để đạt mục tiêu 2% GDP.
Năm nay, ông Trump cam kết sẽ cắt giảm số quân Mỹ tại Đức, cáo buộc Berlin đang lợi dụng Mỹ và không hoàn thành nghĩa vụ đối với NATO. Các nhà phân tích cho rằng, việc hàn gắn liên minh xuyên Đại Tây Dương này sẽ cần thời gian, tuy nhiên đây sẽ là một trong những nhiệm vụ dễ dàng hơn đang chờ chính quyền ông Biden.
Rút quân về nước
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump hứa sẽ đứng ngoài các cuộc chiến tranh quốc tế và rút quân Mỹ tại Afghanistan về nước. Chiến tranh tại Afghanistan là cuộc chiến tranh dài nhất của nước Mỹ, hiện đã bước sang năm thứ 19.
Washington đã bắt đầu giảm quân số tại Afghanistan sau khi đạt được thỏa thuận với Taliban hồi tháng 2/2020, theo đó lên kế hoạch rút toàn bộ binh lính Mỹ. Tuy nhiên, việc rút quân này sẽ phụ thuộc vào kết quả các cuộc đàm phán giữa Taliban và Chính phủ Afghanistan, những cuộc hội đàm đã bị đình trệ thời gian qua.
Ông Trump cũng đã ra lệnh rút quân Mỹ khỏi Syria. Quyết định này đã liên tục bị các phụ tá của ông Trump và quân đội phản đối. Tuy nhiên, số quân Mỹ tại Syria cũng đã giảm hơn một nửa.
Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu
Một trong những quyết định gây tranh cãi nhất của ông Trump là việc rút Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, điều mà ông hứa sẽ thực hiện trong chiến dịch tranh cử 2016.
Ông Trump nói rằng, thỏa thuận này tạo ra một gánh nặng tài chính và kinh tế khổng lồ đối với Mỹ, đồng thời cam kết sẽ đàm phán một thỏa thuận tốt hơn. Thế nhưng, một thỏa thuận mới vẫn chưa thành hình hài. Chiến dịch tranh cử của ông Biden khẳng định, ông Biden sẽ trở lại Thỏa thuận Paris và sẽ đi đầu trong một nỗ lực nhằm buộc các quốc gia lớn nghiêm túc hơn trong việc thực hiện các mục tiêu chống biến đổi khí hậu trong nội bộ của họ.
Trung Đông
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump cam kết sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Israel tới Jerusalem. Động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của thế giới Arập nhưng lại nhận được sự tán dương từ phía Chính phủ Israel và những người ủng hộ chính phủ này, cũng như từ các tín đồ Thiên chúa giáo Phúc âm.
Kế hoạch Hòa bình Trung Đông của ông Trump bị người Palestine phản đối vì kế hoạch này cho phép Israel duy trì kiểm soát các khu định cư tại Bờ Tây, khu vực lâu nay vẫn là đối tượng tranh chấp. Tuy vậy, kế hoạch này cũng nhận được ý kiến tích cực từ phía một số quốc gia Arập.
Trong tháng này, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đã bình thường hóa quan hệ với Israel trong một thỏa thuận lịch sử do Mỹ làm trung gian, một động thái được nhiều nhà phân tích cho là một chiến thắng trong chính sách đối ngoại của ông Trump tại thời điểm ông đang tụt lùi so với ông Biden trong các cuộc thăm dò dư luận.
Triều Tiên-ngoại giao "làm tan băng"
Ông Trump đã khiến thế giới kinh ngạc khi tham gia cuộc đàm phán chưa từng có tiền lệ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Mặc dù ông vẫn chưa thể thuyết phục được ông Kim Jong-un từ bỏ vũ khí hạt nhân, song một số người tin rằng, quá trình ngoại giao "làm tan băng" giữa 2 nước có thể sẽ "đặt nền móng" cho Chính quyền Mỹ tương lai.
| Mỹ sẽ cấp phép vaccine ngừa Covid-19 trước bầu cử? TGVN. Bloomberg đưa tin, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang xem xét bỏ qua những tiêu chuẩn theo quy định bình thường của ... |
| Bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020: Bỏ phiếu qua thư có khả thi? TGVN. Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa có chiều hướng chững lại ở Mỹ, cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 dự kiến vẫn diễn ... |
| PHÂN TÍCH. Bầu cử Mỹ 2020: Trận chung kết bắt đầu TGVN. Cuộc đua tranh ghế Tổng thống tại Mỹ đã thực sự nóng! Bầu cử Mỹ 2020 mang nhiều điểm độc đáo và đặc biệt, ... |