Châu Âu chứng kiến số ca lây nhiễm Covid-19 vẫn đang tiếp tục gia tăng trong tháng 7 này do biến thể Delta. (Nguồn: Forbes) |
Châu Âu chứng kiến số ca lây nhiễm Covid-19 vẫn đang tiếp tục gia tăng trong tháng 7 này. Trong bản tổng kết hàng tuần về công tác giám sát tình hình dịch bệnh được công bố mới đây, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã ghi nhận tỷ lệ số lây nhiễm ở Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) là 89,6/100.000 người trong tuần, kết thúc vào ngày 11/7. Trong khi tuần trước đó, con số này mới chỉ là 51,6.
Hiện ECDC dự đoán số lây nhiễm sẽ tăng lên 622,9/100.000 người và tỷ lệ tử vong sẽ lại tăng lên vào cuối tháng 7. Mạng tin tức truyền hình Euronews của châu Âu đã phỏng vấn ECDC và Giáo sư Daniel M Altmann thuộc Khoa lây nhiễm và miễn dịch, Trường Imperial, London, trong đó nhận định, biến thể siêu lây nhiễm Delta đã "làm thay đổi cuộc chơi ở lục địa già."
Nhân tố làm thay đổi cuộc chơi
Theo Giáo sư Altmann, châu Âu đang bước vào giai đoạn mới của đại dịch do biến thể Delta. Vì vậy, mối quan ngại chính là sự biến đổi hoạt động của các biến thể mới, mà hiện tại là biến thể Delta và sau này có thể còn các biến thể mới nữa.
Giáo sư nhận định: "Chắc chắn, biến chủng Delta đã làm thay đổi cuộc chiến chống Covid-19 ở châu Âu, đòi hỏi khu vực phải nỗ lực lại từ đầu do Delta có thể gây ra tỷ lệ lây nhiễm quy mô lớn ở những người có phản ứng kém với vaccine và lây nhiễm sang những người trẻ tuổi hơn, với nhiều triệu chứng hơn".
Theo đánh giá của ECDC, dựa trên các bằng chứng khoa học hiện có, biến thể Delta có khả năng lây lan hơn so với các biến thể hiện hành khác.
Dự đoán, đến cuối tháng 8, Delta có thể là nguyên nhân của 90% tổng số ca bệnh ở EU. Dữ liệu sơ bộ cho thấy, biến chủng Delta cũng có thể lây nhiễm cho những người mới chỉ được tiêm một liều vaccine.
Biến thể Delta sẽ đặc biệt lây lan mạnh trong mùa Hè này, đặc biệt lây lan mạnh trong nhóm người trẻ tuổi chưa được tiêm chủng. Điều này có thể khiến nhóm những người dễ bị tổn thương có nguy cơ cao bị lây nhiễm Covid-19 cao nếu họ không được tiêm chủng đầy đủ.
"Lá chắn" đối với biến thể mới?
Theo ECDC, việc được tiêm hai liều của bất kỳ loại vaccine nào hiện có sẽ mang lại khả năng bảo vệ cao, đặc biệt trước những biến thể mới như Delta. Tuy nhiên, phần lớn dân số ở EU/EEA vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Vì vậy, vẫn còn quá nhiều người có nguy cơ nhiễm Covid-19 nghiêm trọng và họ cần được bảo vệ càng sớm càng tốt.
ECDC khuyến cáo: "Cho đến khi hầu hết những người dễ bị tổn thương được bảo vệ, chúng ta cần khống chế mức độ lây lan của biến thể Delta ở mức thấp, bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vốn có tác dụng kiểm soát tác động của các biến thể khác".
Cùng quan điểm, Giáo sư Altmann cho rằng, các loại vaccine cung cấp sự bảo vệ khá tốt trước nguy cơ lây nhiễm và phát bệnh nghiêm trọng. Nói cách khác, nếu hệ miễn dịch có phản ứng tốt đối với cả hai lần tiêm vaccine, thì ngay cả khi mất khả năng trung hòa đối với các biến thể, người bệnh vẫn được bảo vệ. Tuy nhiên,vị giáo sư không loại trừ các trường hợp ngoại lệ do số ca lây nhiễm quá lớn.
Chiến lược của Anh có hiệu quả?
Vương quốc Anh là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dân được tiêm chủng cao nhất châu Âu. Tuy nhiên, số ca lây nhiễm vẫn đang gia tăng với tốc độ đáng lo ngại.
Mặc dù số người nhập viện và tử vong giảm, song việc "thả lỏng" tỷ lệ lây nhiễm có phải là một chiến lược khôn ngoan hay không?
Giáo sư Altmann nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy chiến lược của Anh là một chiến lược tốt, xét cả về áp lực gia tăng đối với điều khoản của Dịch vụ Y tế Quốc gia, cũng như về thiệt hại lâu dài khi để cho virus xâm nhập và sinh sôi trong hàng triệu lá phổi.
Điều này sẽ gây ra những hậu quả liên quan đến cả nguy cơ phát sinh những biến thể mới và các trường hợp mắc Covid-19 kéo dài trong tương lai.
Thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng
Theo ECDC, việc triển khai nhanh chóng chiến dịch tiêm chủng đóng vai trò rất quan trọng.
Ở giai đoạn này, điều quan trọng là cần tiến hành tiêm chủng liều thứ hai trong khoảng thời gian tối thiểu cho phép kể từ khi tiêm liều đầu tiên, nhằm gia tăng mức độ bảo vệ đối với những người dễ bị nhiễm bệnh.
Cơ quan này khuyến nghị: "Các yêu cầu tiêm chủng bắt buộc có thể đem lại hiệu quả cao đối với một số nhóm nhất định như nhân viên y tế, mặc dù các chiến lược khác có thể đem lại hiệu quả tương đương hoặc được khuyến khích nhiều hơn".
Giáo sư Altmann cũng cho rằng, mỗi chính phủ có cách riêng của mình để thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng đối với người dân. Ngoài ra, Giáo sư Altmann lưu ý, số ca lây nhiễm trong nhóm người trẻ tuổi chắc chắn sẽ tăng. Mỗi nước cần kiểm soát tốt những nơi đông người như các quán rượu và câu lạc bộ.