Biến thể Omicron lần đầu tiên được báo cáo cho WHO là từ Nam Phi vào ngày 24/11 với tên gọi là B.1.1.529. (Nguồn: Sky News) |
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, việc các nước giàu trên thế giới tích trữ vaccine, thậm chí số liều vaccine những nước này có gấp vài lần dân số, trong khi liên tục không thực hiện cam kết chia sẻ vaccine với các nước đang phát triển, là cách tiếp cận đem lại "tác dụng ngược".
WHO cảnh báo hành động này có thể đang bắt đầu có tác động nghiêm trọng, cụ thể là việc xuất hiện biến thể Omicron được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn những biến thể trước đó.
Biến thể Omicron lần đầu tiên được báo cáo cho WHO là từ Nam Phi vào ngày 24/11 với tên gọi là B.1.1.529. Ngày 26/11, WHO xác định biến thể này là biến thể đáng quan ngại. Theo các nhà khoa học, biến thể Omicron có 32 đột biến trong protein gai và hiện chưa rõ biến thể này chính xác bắt nguồn từ đâu.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng nhiều khả năng virus đã biến đổi ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp và có mức độ lây nhiễm cao. Theo họ, biến thể này có thể đã xuất hiện ở một khu vực khác và sau đó được phát hiện ở Nam Phi, quốc gia có khả năng giải trình tự gene tốt.
Ông Michael Head, nhà nghiên cứu cao cấp về y tế toàn cầu tại Đại học Southampton (Anh), nhận định, đây có thể là hậu quả của một đợt bùng phát dịch, có khả năng đã xảy ra ở một số khu vực thuộc vùng Nam sa mạc Sahara ở châu Phi, nơi ít có hoạt động giám sát bộ gene của virus và tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Theo ông Head, sự xuất hiện của các biến thể mới là "hậu quả tự nhiên của việc thế giới tiêm chủng quá chậm".
Giám đốc quỹ từ thiện Wellcome Trust (Anh), chuyên gia nghiên cứu y tế Jeremy Farrar cho rằng, sự xuất hiện của biến thể mới cho thấy tại sao thế giới cần đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng hơn đối với vaccine ngừa Covid-19 và các công cụ y tế công cộng khác.
Anh: Ngày 28/11, Anh, quốc gia đang giữ vị trí Chủ tịch luân phiên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), kêu gọi triệu tập cuộc họp khẩn cấp của các Bộ trưởng Y tế G7 trong ngày 29/11 để thảo luận về cuộc khủng hoảng Covid-19 liên quan biến thể mới Omicron.
Anh, cùng một số quốc gia châu Âu gồm Đức, Italy và Hà Lan, đã công bố phát hiện các ca mắc biến thể mới, mặc dù hầu hết các nước này đã ngừng chuyến bay đến từ các quốc gia thuộc miền Nam châu Phi, nơi biến thể Omicron lần đầu được phát hiện.
Indonesia: Ngày 28/11, chính phủ Indonesia quyết định dừng nhập cảnh đối với các du khách quốc tế từng đến Hong Kong và 10 quốc gia châu Phi gồm Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Leshoto, Mozambique, Eswatini, Malawi, Angola và Zambia trong vòng 2 tuần.
Công dân Indonesia nhập cảnh từ 11 nước và lãnh thổ trên sẽ phải cách ly 14 ngày. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 29/11. Indonesia sẽ xem xét lại danh sách sau hai tuần dựa trên kết quả đánh giá định kỳ.
Ngoài lệnh cấm nhập cảnh nói trên, Indonesia cũng tăng thời gian cách ly nhập cảnh bắt buộc từ 3 ngày hiện nay lên 7 ngày; tăng cường giải trình tự gen, nhất là đối với các du khách quốc tế; đồng thời đẩy nhanh tiêm chủng cho đối tượng người cao tuổi.
Nhật Bản: Ngày 29/11, Thủ tướng Kishida Fumio thông báo, Nhật Bản sẽ cấm các du khách nước ngoài nhập cảnh vào nước này từ ngày 30/11 nhằm đối phó với sự lây lan biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2.
Ông Kishida cho biết, người Nhật Bản trở về từ một số nước nhất định có thể nhập cảnh song phải cách ly tại các cơ sở được chỉ định.
Trước đó, ngày 28/11, Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) Nhật Bản nâng mức độ cảnh báo đối với Omicron lên mức cao nhất và xếp Omicron vào danh sách các “biến thể gây quan ngại” cùng với biến thể Delta.
| Omicron giáng thêm ‘cú đấm’ cho ngành du lịch Khoảng 2.000 tỷ USD là con số thiệt hại mà ngành du lịch phải gánh chịu trong năm 2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn ... |
| Biến thể Omicron: WHO chưa chắc về các nguy cơ; thế giới chạy đua; Nga nghi ngờ đã có ca mắc Ngày 28/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, họ vẫn chưa rõ liệu biến thể mới Omicron dễ lây truyền hơn so ... |