Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin lĩnh trọng trách trong chuyến công cán đầu tiên ở Đông Nam Á, khẳng định Mỹ “không làm ngơ, không xem nhẹ” các đồng minh, đối tác ở khu vực. Nếu ở Singapore, Việt Nam là những tín hiệu khả quan, thì với Philippines là sự đan xen giữa hy vọng và lo lắng.
Khi điều lo lắng không xảy ra, dư luận lại dấy lên câu hỏi: bất ngờ hay không bất ngờ?
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana sau cuộc gặp song phương ngày 30/7. (Nguồn: Reuters) |
Bất ngờ
Bất ngờ, trước hết bởi ý nghĩa, tầm quan trọng của Thỏa thuận các lực lượng viếng thăm (VFA), ký kết năm 1998. VFA tạo khung khổ pháp lý cho hàng ngàn binh sĩ Mỹ đến Philippines, tham gia các cuộc diễn tập thường niên và các hoạt động nhân đạo khác.
VFA quy định điều kiện tập trận chung, quân đội Mỹ hiện diện ở Philippines, không phải chấp hành yêu cầu về hộ chiếu, thị thực và duy trì quyền xét xử các hành vi vi phạm pháp luật của binh sĩ Hoa Kỳ, trừ một số trường hợp đặc biệt…
VFA liên quan chặt chẽ đến việc thực thi Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) ký từ năm 1951 - chỉ dấu quan trọng của quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines. VFA càng có ý nghĩa chiến lược trước sự đối đầu căng thẳng Mỹ-Trung Quốc.
Hủy bỏ VFA có thể xem là biểu tượng cho chính sách “xoay trục” sang Trung Quốc của Manila. Đồng minh lâu đời còn hành xử vậy, có khác nào nói Mỹ thất bại trong việc củng cố, tăng cường quan hệ liên kết ở khu vực, nhằm đối trọng với Trung Quốc.
Thuyết phục Tổng thống Rodrigo Duterte khôi phục VFA là “cái đinh” trong chuyến thăm của Bộ trưởng Lloyd Austin. Món đồ giá trị càng lớn thì càng bất ngờ khi nhận được.
Bất ngờ đến từ chính cách hành xử của Tổng thống Rodrigo Duterte. Ông Duterte đã hơn một lần tuyên bố tách khỏi Mỹ cả về quân sự và kinh tế; 3 lần quyết định “đóng băng” VFA rồi lại tạm dừng thực hiện.
Chính Mỹ đã phải thừa nhận “cửa ngõ ra vào (khu vực) của Mỹ đang bị đe dọa nghiêm trọng”.
Vậy nên, quyết định của Tổng thống Rodrigo Dudeter khôi phục hoàn toàn VFA là món quà giá trị, thành công có thể “cầm nắm” được trong chuyến thăm Philippines của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Bộ trưởng Lloyd Austin thở phào, “trút được gánh nặng”.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc hào hứng tuyên bố “điều này mang lại sự chắc chắn cho chúng tôi trong tương lai. 2 bên có thể lên kế hoạch trước 1 cách dài hạn”.
Vậy nên, không bất ngờ mới là lạ.
Nhiều học giả quốc tế cũng bất ngờ, bởi những dự báo bi quan trước chuyến thăm Philippines của Bộ trưởng Lloyd Austin. Và lại càng bất ngờ khi việc đại sự được quyết định chỉ trong vòng “một nốt nhạc” (cuộc gặp giữa Tổng thống Rodrigo Dudeter với Bộ trưởng Lloyd Austin kéo dài 1 giờ 15 phút tối 29/7).
Ngay đến người nhà, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng phải thốt lên: không rõ vì sao Tổng thống Rodrigo Dudeter lại đảo ngược quyết định trước đó của mình!
Và không bất ngờ
Trước chuyến thăm, Mỹ đã có nhiều hành động để thuyết phục Tổng thống Philippines. Hai bên thỏa thuận tập trận chung kéo dài 2 tuần, từ ngày 12/4. Ngày 24/6, Bộ Ngoại giao Mỹ phê chuẩn 3 gói hợp đồng bán máy bay tiêm kích và tên lửa cho Philippines trị giá 2,5 tỷ USD…
Sự không bất ngờ cũng đến từ cách ứng xử sáng “nắng chiều mưa” của Tổng thống Rodrigo Dudeter. Ông tuyên bố hủy Thỏa thuận, rồi lại tạm dừng, 3 lần chỉ trong chưa đầy 1 năm.
Với lý do không mấy thuyết phục, phản đối Mỹ không cấp thị thực cho 1 nghị sĩ thân tín với Tổng thống. Hay Tổng thống Rodrigo Dudeter đe dọa hủy thỏa thuận nếu Mỹ không cung cấp vaccine Covid-19!...
Thỏa thuận là công cụ để Tổng thống Rodrigo Dudeter “mặc cả” với cả Trung Quốc lẫn Mỹ. VFA được xem như “cái phao” cho Philippines, nhất là trong tình trạng Trung Quốc gia tăng hành động cứng rắn ở Biển Đông. Vì vậy, Tổng thống Rodrigo Dudeter không dại gì từ bỏ một công cụ có giá trị như vậy.
Hủy hay khôi phục cũng là một cách “làm giá”!
Chỉ còn gần 1 năm trong nhiệm kỳ. Tổng thống Rodrigo Dudeter cố gắng ghi điểm để hy vọng đắc cử Phó Tổng thống trong kỳ bầu cử 2022. Vậy nên, ông không thể không cân nhắc lời cảnh báo, nhất là từ quân đội: đừng bỏ mất gói viện trợ an ninh trị giá 550 triệu USD/năm và các hỗ trợ tình báo, nhân đạo của Mỹ, làm phai nhạt quan hệ kinh tế song phương…
Hãy nghe lời giải thích của người phát ngôn Tổng thống Philippines, Harry Roque: dựa trên việc duy trì lợi ích chiến lược cốt lõi của Philippines… và sự rõ ràng trong quan điểm của Mỹ đối với các nhiệm vụ và cam kết của nước này (Mỹ) theo MDT.
Vậy là rõ, Tổng thống Philippines đưa ra các điều kiện. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định rõ hơn cam kết. Khi điều kiện được trao đổi, tính toán được thỏa mãn, thì khôi phục VFA là chuyện có thể hiểu được.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Philippines Rodrigo Dudeter với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin kéo dài 1 giờ 15 phút tối 29/7. (Nguồn: Reuters) |
Liệu có bền vững
Câu hỏi của dư luận cũng không bất ngờ. Bởi VFA phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Thứ nhất, là hành động của Mỹ. Kiểu phản ứng nửa vời, nặng về tuyên bố trước các hành động cứng rắn của Trung Quốc ở bãi Scarborough, ở Biển Đông… thời gian qua, sẽ khó tạo tin tưởng cho đồng minh, đối tác.
Thứ hai, tùy thuộc vào chính sách và hành động của Bắc Kinh đối với ASEAN, Biển Đông. Nếu Bắc Kinh tiếp tục chính sách “củ cà rốt” và “cây gậy” khôn khéo hơn, Philippines sẽ khó thoát vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Nhưng nếu Trung Quốc cứ hành động cứng rắn, bất chấp phản ứng của dư luận khu vực, thì càng đẩy Philippines tìm phao cứu sinh từ bên ngoài, nhất là Mỹ.
Thứ ba, quyết định nhất vẫn là quan điểm của chính phủ Philippines sau cuộc bầu cử năm 2022. Di sản của chính quyền đương nhiệm để lại cho chính quyền mới không dễ giải quyết.
Dựa vào một bên để chống lại bên kia là hạ sách, lợi bất cập hại, là “nước xa không cứu được lửa gần”. Độc lập, tự chủ không hề đối lập với tranh thủ sự hợp tác, ủng hộ quốc tế. Nhưng sử dụng các mối quan hệ, liên quan đến an ninh, chủ quyền quốc gia, để mặc cả, đổi chác lợi ích trước mắt hẳn là điều tối kỵ.