Khu đền thờ Phật ở Swayambhunat sau động đất. |
“80% chùa tại Quảng trường Kathmandu Durbar, 50% chùa tại Quảng trường Patan Durbar và Quảng trường Bhaktapur Durbar đã bị phá hủy. Tình hình tại đền Swayambhunath cũng rất nghiêm trọng”, ông Manhart nói. Đối với 7 di sản được UNESCO công nhận tại thung lũng Kathmandu, ông Manhart cho biết 5 di sản đã bị phá hủy nặng nề, một di sản bị phá hủy ở mức trung bình, chỉ có một di sản còn nguyên vẹn.
Ông Manhart đã trao đổi với một chuyên gia về động đất từ trường đại học Kyoto, Nhật Bản. Chuyên gia này nói trận động đất đã tạo ra nhiều vết nứt sâu trong lòng đất. Khi mùa mưa đến, nước có thể ngấm vào đền Swayambhunath, vốn nằm trên nền đất cao và sạt lở đất có thể xảy ra.
Khi được hỏi về thời gian và phí tổn để xây dựng lại những khu bị hư hại, đại diện UNESCO nói rất khó để nói trước bởi vì họ vẫn chưa thực hiện đánh giá tổng thể thiệt hại tại Nepal.
“Những gì chúng ta cần phải làm thời điểm này là đánh giá sơ bộ thiệt hại chứ không phải là khôi phục lại chúng vì đây là giai đoạn thứ hai”, ông Manhart nhấn mạnh. Đồng thời ông cho biết việc xây dựng lại những khu di tích bị hư hại có thể tốn tới hàng chục triệu hoặc một trăm triệu USD và không thể đưa ra con số chính xác ở thời điểm hiện tại. Nepal là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới và cần rất nhiều kinh phí để khôi phục bởi không chỉ 7 di sản thế giới mà hàng trăm thậm chí hàng nghìn ngôi chùa trên khắp cả nước cũng cần phải xây dựng lại.
Văn phòng UNESCO tại Nepal đang phối hợp với nhiều tổ chức khác nhau, các chuyên gia và đội cứu trợ làm việc tại thực địa. Thêm nữa, một đội bao gồm những chuyên gia khảo cổ học của UNESCO cũng đang thực hiện đánh giá và đưa ra kế hoạch phục hồi khẩn cấp.
Theo ông Manhart, việc gây quỹ phục hồi hư hại sau động đất tại Nepal rất quan trọng và văn phòng UNESCO tại Nepal đã nhận được 50 nghìn USD từ một người dân Hong Kong, Trung Quốc và 70 nghìn USD từ quỹ di sản.
Ông đánh giá cao vai trò của quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc trong việc giúp đỡ Nepal xây dựng lại những khu di tích. “Trung Quốc có thể có những giúp đỡ to lớn với Nepal bởi vì Trung Quốc cũng đã từng trải qua động đất, sạt lở đất. Trung Quốc có thể gửi chuyên gia, đội cứu trợ và trang thiết bị và làm việc cùng với chúng tôi”, ông Manhart khẳng định. Ông cũng kêu gọi các thành phố, tập đoàn Trung Quốc ủng hỗ quỹ tái thiết Nepal sau động đất.
Trận động đất 7,9 độ richter ngày 25/4 đã cướp đi sinh mạng của hơn 7 nghìn người dân Nepal và phá hủy sự giàu có về di tích lịch sử tại thung lũng Kathmandu bao gồm nhiều đền thờ và tháp cổ.
Hằng Phạm (theo Tân Hoa xã)