Bà Chiara Porro là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, từng giữ chức Phó Tổng Lãnh sự tại Noumea, New Caledonia (2018-2020), Bí thư thứ hai tại New Delhi, Ấn Độ (2011-2014). |
Chia sẻ với Vatican News, Đại sứ Chiara Porro khẳng định, không thể phủ nhận ngành ngoại giao có truyền thống do nam giới thống trị. Bà nhớ lại ngày đầu tiên đi làm ở Bộ Ngoại giao Australia, “đi dọc hành lang (chỉ được trang trí) bằng các chân dung của nam giới”.
Vượt lên điều “đáng sợ”
Nữ Đại sứ cho rằng, thực tế đó “thật đáng sợ” nhưng cũng thật đặc biệt bởi vì "bạn không thể là những gì bạn không thể nhìn thấy".
Điều đáng mừng là Bộ Ngoại giao Australia đã quan tâm giải quyết vấn đề này. Trong 6 năm qua, xứ sở kangaroo có một "sự thúc đẩy thực sự nhằm thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ". Theo bà Chiara Porro, cách đây 5, 6 năm, phụ nữ chỉ chiếm 20% trong tổng số đại sứ trên toàn thế giới, còn tỷ lệ hiện nay là 40%.
“Tôi tự hào là một trong những nữ đại sứ đại diện cho Australia ở nước ngoài”, nhà ngoại giao 39 tuổi nhấn mạnh.
Tầm quan trọng của sự đa dạng
Đại sứ Chiara Porro cho rằng, sự làm việc cùng nhau giữa đàn ông và phụ nữ mang lại sự đa dạng. Rõ ràng phụ nữ có thể mang đến một quan điểm khác, dựa trên giới tính của họ, và cần nhấn mạnh sự cần thiết của thái độ không định kiến đối với “phái yếu”.
Nam giới và nữ giới tất nhiên "không giống nhau", theo bà Chiara Porro, "chúng tôi mang đến nhiều phẩm chất khác nhau, đàn ông cũng vậy".
Trong ngoại giao, "chúng tôi đại diện cho bộ mặt của đất nước chúng tôi và điều cực kỳ quan trọng là chúng tôi cũng đại diện cho sự đa dạng", Đại sứ Porro nói. Là nữ giới, “chúng tôi tiếp cận các tầng lớp của xã hội trên khắp thế giới, điều mà không phải lúc nào nam giới cũng có thể làm được".
Bà Porro nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đa dạng khi giải quyết các vấn đề xung đột và phát triển. "Chúng tôi biết rằng phụ nữ luôn là đối tượng đầu tiên và bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong các cuộc xung đột, thảm họa nhân đạo", và vì vậy, "việc có phụ nữ làm việc trong lĩnh vực ngoại giao, dẫn dắt các nỗ lực ngoại giao là vô cùng quan trọng để có thể tiếp cận những người bị ảnh hưởng nhiều nhất trong những tình huống này".
Giáo hoàng Francis và Đại sứ Australia tại Vatican Chiara Porro. (Nguồn: Vatican News) |
Quảng bá văn hóa bản địa
Theo bà Porro, đại diện cho đặc tính đa dạng của quốc gia với tư cách là Đại sứ cũng có nghĩa là đại diện cho tiếng nói của nhiều dân tộc bản địa đầu tiên. Australia là đất nước có nền văn hóa lâu đời với các cộng đồng thổ dân được hình thành từ hàng nghìn năm trước và "chúng tôi vô cùng tự hào về truyền thống và văn hóa này".
Điều này “trở thành một phần trung tâm trong chính sách đối ngoại của chúng tôi để đảm bảo rằng di sản và văn hóa của các dân tộc bản địa đầu tiên của chúng tôi được biết đến trên toàn thế giới”.
Văn hóa bản địa “định hình chúng tôi là ai”, cho nên, theo nữ Đại sứ, “việc đưa những tiếng nói bản địa này lên sân khấu thế giới là vô cùng quan trọng”.
Trong nhiệm kỳ của mình, Giáo hoàng Francis rất tích cực lên tiếng về việc bảo tồn và bảo vệ quyền của người bản địa trên khắp thế giới.
Tòa thánh Vatican và Australia hợp tác tốt về vấn đề này. Đại sứ Porro cho biết, mới đây, bà Miriam-Rose Ungunmerr-Baumann, một trưởng lão thổ dân đã đến Vatican. Trong cuộc tiếp kiến Giáo hoàng Francis, bà đã chia sẻ về "những gì nền văn hóa của bà mang lại, kinh nghiệm của bà trong giáo dục, trải nghiệm với nghệ thuật bản địa, trong việc vượt qua các rào cản, tạo cầu nối giữa các cộng đồng khác nhau ở Australia".
Đại sứ Chiara Porro (giữa) cùng với Giáo hoàng Francis và bà Miriam-Rose Ungunmerr-Baumann ngày 31/5. (Nguồn: Cathnews) |
Tương lai của phụ nữ ngoại giao
Bày tỏ lòng biết ơn vì được lựa chọn vào cương vị Đại sứ tại Tòa thánh Vatican, bà Porro chia sẻ, "trong ba năm qua, làm việc với các nữ Đại sứ đồng nghiệp tại đây là một nguồn cảm hứng rất lớn”.
Hiện có khoảng 25 nữ Đại sứ, “thậm chí còn nhiều hơn, nếu bạn tính cả các nữ tùy viên, và chúng tôi là một nhóm đáng gờm”, bà khẳng định.
Từ cách phụ nữ có thể thách thức những định kiến, chủ động đưa ra tiếng nói và nêu lên quan điểm của mình, đến việc làm nổi bật những sở trường và góc nhìn mà họ mang lại với tư cách là những nhà lãnh đạo nữ đã hỗ trợ Đại sứ Porro trong nhiệm kỳ tại đây. Do đó, bà tin tưởng vào tương lai tươi sáng của phụ nữ ngoại giao, dù "vẫn còn một chặng đường dài phía trước".
Nhà ngoại giao Australia cho rằng “ngày càng có nhiều người công nhận những đóng góp của phụ nữ” và hơn nữa, các quốc gia đang nhận ra rằng họ cần thể hiện sự đa dạng trong ngoại giao quốc tế.
Giáo hoàng Francis và Đại sứ Chiara Porro trong một sự kiện tại Vatican. (Nguồn: Vatican Media) |
"Hãy tự tin và cởi mở"
Đại sứ Porro gửi gắm một thông điệp khích lệ đối với những người mong muốn theo đuổi sự nghiệp ngoại giao, cả phụ nữ và nam giới: "Tôi nghĩ đối với tất cả chúng ta, điều quan trọng thực sự là hiểu và đánh giá cao những gì mỗi người mang lại và tự tin vào khả năng của mình”.
Mỗi người “hãy tự tin vào khả năng của mình và sẵn sàng làm việc cùng nhau”.
Điều này dành cho cả nam giới và phụ nữ, nhà ngoại giao Australia kết luận, bởi vì chúng ta không thể tạo ra sự thay đổi và trao quyền cho phụ nữ nếu tất cả chúng ta không làm việc cùng nhau.
"Nam giới cũng cần tham gia rất nhiều vào chương trình nghị sự này, sự hỗ trợ của họ là quan trọng vì nó mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta”.
***
Trong năm đầu tiên bà Porro đảm nhiệm vai trò Đại sứ tại Tòa thánh Vatican (năm 2020), “chính Giáo hoàng Francis đã khuyến khích tôi tham gia nhóm Đại sứ nữ ở Vatican” với nhận xét rằng “các nữ Đại sứ ở đây thật tuyệt vời”, gồm các đại diện đến từ Mỹ, Anh, Canada, EU, Hà Lan, Argentina và một số quốc gia Nam Mỹ khác.
Rất nhiều nhà ngoại giao nữ “rất tích cực, thông minh, năng động” và theo bà Porro, bản thân điều này đã gửi đi một thông điệp. Như nữ Phó tổng thư ký LHQ Amina Mohammed từng nhấn mạnh, “tất cả chúng ta phải làm mọi thứ có thể để đảm bảo sự tham gia của phụ nữ, tiếng nói của họ được lắng nghe và những đóng góp của họ được đánh giá cao”.
Năm 2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết quy định 24/6 hằng năm là Ngày quốc tế phụ nữ trong ngành ngoại giao để thúc đẩy sự tham gia bình đẳng của phụ nữ ở mọi cấp độ ngoại giao. Đại hội đồng Liên hợp quốc tái khẳng định sự tham gia của phụ nữ ở tất cả các cấp ra quyết định là cần thiết cho sự phát triển bền vững, hòa bình và dân chủ. Nghị quyết do Maldives, El Salvador, Eritrea, Grenada, Guyana, Kenya, Latvia, Lebanon, Malta, Qatar, Saint Lucia và Nam Phi đề xuất. |
| Tiếng nói của phụ nữ ngày càng quan trọng trong ngoại giao Vatican và thúc đẩy hòa bình thế giới Phụ nữ đóng vai trò ngày càng "mang tính quyết định" trong chính sách ngoại giao của Vatican và thúc đẩy hòa bình trên toàn ... |
| Giáo hoàng Francis mang theo thông điệp 'Cùng nhau hy vọng' tới Mông Cổ Tòa thánh Vatican công bố lịch trình 4 ngày của Giáo hoàng Francis trong chuyến thăm Mông Cổ lần đầu tiên vào tháng 9 tới. |
| Thể thao đích thực là một công cụ ngoại giao Theo Đại sứ Australia tại Vatican Chiara Porro, thể thao, giống như ngoại giao, có sức mạnh gắn kết mọi người và các quốc gia ... |
| Thủ tướng Ấn Độ lần đầu tiên gặp Giáo hoàng Francis Ngày 30/10, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gặp Giáo hoàng Francis và mời người đứng đầu Tòa thánh Vatican đến thăm đất nước ... |
| Ngoại giao Tòa thánh với châu Á TGVN. Chuyến thăm của Giáo hoàng Francis đến châu Á từ 20-26/11 là cơ hội tuyệt vời để các nước tại khu vực thắt chặt ... |