Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Đại học John Hopkins. (Nguồn: AP) |
Hồi sinh mạng lưới đồng minh
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 13/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có bài phát biểu quan trọng tại Trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins ở thủ đô Washington D.C, trong đó chia sẻ quan điểm của chính quyền Tổng thống Joe Biden về sức mạnh và mục đích của chính sách ngoại giao Mỹ thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, thời điểm mà Mỹ cho rằng có tính bước ngoặt lịch sử, đồng thời xác định những thay đổi lớn tiếp theo của Mỹ và thế giới.
Ngoại trưởng Blinken cũng chia sẻ tầm nhìn của chính quyền Tổng thống Biden về thế giới tự do, cởi mở, an toàn và thịnh vượng, đồng thời khẳng định nỗ lực của Mỹ trong việc kết nối và làm hồi sinh mạng lưới đồng minh, đối tác để tạo sức mạnh nhằm đối phó với các thách thức trong thời đại ngày nay.
Trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Blinken đã chỉ ra 4 yếu tố then chốt của nền ngoại giao dưới chính quyền Tổng thống Biden:
Một là, Mỹ đã đổi mới và tăng cường các mối quan hệ liên minh và đối tác cũng như xây dựng các mối quan hệ mới.
Cụ thể là tăng cường mối quan hệ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) theo hướng lớn hơn, mạnh và đoàn kết hơn với các thành viên mới như Phần Lan, và sắp tới là Thụy Điển.
Đẩy mạnh kết nối và nâng tầm hợp tác trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) với nhóm các nền dân chủ tiên tiến nhất thế giới, cũng như các nước có mối quan hệ song phương quan trọng với Mỹ trên toàn thế giới.
Hai là, Mỹ đã kết nối các liên minh và đối tác dựa trên nền tảng củng cố và đổi mới trên khắp các châu lục. Thông qua ngoại giao, Mỹ đã định hình và đưa hội tụ chiến lược thành hành động hết sức hiệu quả thông qua các cơ chế hợp tác như Hiệp ước đối tác an ninh tăng cường ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS), Nhóm Bộ tứ (QUAD) và Hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Hàn tại Trại David.
Hợp sức giải quyết thách thức thời đại
Ba là, Mỹ đã xây dựng các liên minh mới để giải quyết những thách thức khó khăn nhất trong thời đại ngày nay.
Trên thực tế, Mỹ đã huy động hàng trăm tỷ USD từ nhiều kênh, trong đó có G7, nhằm thu hẹp khoảng cách về trình độ cơ sở hạ tầng toàn cầu, kết nối và tập hợp các quốc gia để phối hợp cùng giải quyết các thách thức toàn cầu trước mắt cũng như lâu dài, trong đó có các vấn đề như an ninh lương thực, các quy chuẩn cho trí tuệ nhân tạo (AI) và giải quyết các vấn đề liên quan đến ma túy trên quy mô toàn cầu.
Ngoài ra, Mỹ đã và đang tích cực làm việc với các chính phủ, tổ chức xã hội dân sự, khu vực tư nhân, giới học thuật và người dân, trong đó có nhóm lãnh đạo trẻ, để cùng hướng tới mục tiêu chung.
Bốn là, Mỹ tiếp tục đoàn kết các liên minh cũ và mới lại với nhau để củng cố các cơ chế hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu. Mỹ đã đề xuất tầm nhìn mới cho Liên hợp quốc (LHQ), trong đó có việc mở rộng Hội đồng Bảo an LHQ để hội tụ nhiều đóng góp quan trọng từ các nước, vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, Mỹ nỗ lực khôi phục và cải cách hoạt động của các ngân hàng phát triển đa phương nhằm đối phó với các vấn đề mới như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, lạm phát và nợ xấu.
Các nền dân chủ anh em chính là "mỏ neo" của Mỹ và Washington quyết tâm hợp tác với bất kỳ quốc gia nào, kể cả những quốc gia có bất đồng với Mỹ, miễn sao là cùng mang lại lợi ích cho người dân, và góp phần vào giải quyết các thách thức quốc tế.
Mỹ đang tập trung đi đầu trong nền ngoại giao của kỷ nguyên mới bao gồm cả trong và ngoài nước trên tinh thần khiêm tốn về quy mô nhưng có tầm nhìn mang tính cộng hưởng mạnh.