Các binh sĩ KFOR đụng độ với người biểu tình ở lối vào toà thị chính Zvecan, Kosovo, ngày 26/5. (Nguồn: Reuters) |
Người Serbia vốn chiếm đa số tại các khu vực ở Bắc Kosovo đã tẩy chay cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 4, trong khi các ứng cử viên người Albania giành được chức thị trưởng ở những nơi này.
Tin liên quan |
Căng thẳng Serbia-Kosovo: Không chỉ chuyện biển số |
Người Serbia yêu cầu chính quyền Kosovo không để thị trưởng người Albania nhậm chức và cho phép chính quyền cũ của địa phương trở lại làm nhiệm vụ.
Ngày 26/5, cảnh sát hộ tống 3 thị trưởng mới tới các tòa thị chính địa phương để nhậm chức khi nhiều người Serbia tụ tập trước những tòa nhà này để biểu tình phản đối.
Ở Zvecan, những người này cố gắng vượt qua hàng rào an ninh để tiến vào tòa nhà, khiến cảnh sát Kosovo xịt hơi cay để giải tán đám đông.
Trong khi đó, ở thị trấn Leposavic gần biên giới Servia, các bính sĩ gìn giữ hòa bình Mỹ được trang bị chống bạo động đã đặt hàng rào thép gai xung quanh tòa thị chính để bảo vệ khu vực này khỏi hàng trăm người Serbia giận dữ tụ tập gần đó.
Lực lượng gìn giữ hòa bình thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng phong tỏa tòa thị chính ở Zubin Potok và thiết lập hàng rào an ninh xung quanh 2 tòa thị chính trên.
Theo thông báo của Phái bộ gìn giữ hòa bình NATO (KFOR) ngày 29/5, khoảng 25 binh sĩ người Italy và Hungary của đơn vị này đã bị thương trong các cuộc đụng độ với người Serbia.
KFOR lưu ý, các cuộc "tấn công vô cớ này là không thể chấp nhận được và KFOR sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình".
Trong bối cảnh đó, cùng ngày 26/5, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã đặt quân đội nước này trong tình trạng báo động chiến đấu đầy đủ và ra lệnh cho các đơn vị di chuyển đến gần biên giới với Kosovo.
Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã lên án mạnh mẽ các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở phía Bắc Kosovo.
Ngày 26/5, người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh "vô cùng lấy làm tiếc" về các cuộc tấn công, đồng thời kêu gọi các bên phải hành động ngay lập tức để giảm căng thẳng và ổn định, khôi phục lại bình tĩnh ngay lập tức.
EU khẳng định sẽ không chấp nhận có thêm bất kỳ hành động đơn phương hoặc khiêu khích nào và việc duy trì hòa bình, an ninh trên thực địa phải được ưu tiên.
Cùng ngày, trong một tuyên bố chung đăng trên trang mạng của chính phủ Anh, 5 quốc gia gồm Pháp, Italy, Đức, Mỹ và Anh đã chỉ trích quyết định của chính quyền Kosovo sử dụng vũ lực khi tiếp cận các tòa nhà đô thị tại phía Bắc Kosovo bất chấp những lời kêu gọi kiềm chế.
Cũng ngày 26/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ trích các hành động của chính quyền Kosovo đã đi ngược lại khuyến cáo của Washington và châu Âu, làm căng thẳng leo thang mạnh mẽ và không cần thiết.
Theo ông Blinken, động thái của Kosovo "làm suy yếu những nỗ lực quốc tế nhằm giúp bình thường hóa quan hệ Kosovo-Serbia và sẽ gây ra hậu quả cho quan hệ song phương của từng nước muốn giúp đỡ với Kosovo".
Ngày 28/5, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi Kosovo xuống thang căng thẳng với Serbia, "không thực hiện những bước đi đơn phương, gây bất ổn”.
Đến ngày 29/5, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell bày tỏ quan ngại về các vụ đụng độ, cho rằng tình trạng bạo lực nhằm vào lực lượng KFOR "hoàn toàn không thể chấp nhận được", đồng thời kêu gọi các bên giảm leo thang căng thẳng "ngay lập tức và vô điều kiện".
Cùng ngày 29/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, căng thẳng giữa người Kosovo và Serbia có thể dẫn tới "một vụ nổ lớn ở trung tâm châu Âu… Tình hình rất đáng báo động".
Trong khi đó, ngày 30/5, Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố, việc lập tức khôi phục sự ổn định ở phía Bắc Kosovo là điều quan trọng đối với an ninh châu Âu.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn bộ trên Anne-Claire Legendre nêu rõ: "Điều cần thiết hơn bao giờ hết là Serbia và Kosovo thể hiện trách nhiệm bằng cách quay lại bàn đàm phán với một thái độ thỏa hiệp vì hòa bình và thịnh vượng của người dân hai bên".
Bà cũng kêu gọi cả hai bên, đặt biệt là chính quyền ở Kosovo, ngay lập tức có các bước cần thiết để hạ nhiệt căng thẳng.
Quan chức Pháp nhấn mạnh: "Chúng tôi không thể chấp nhận sự ổn định của khu vực bị đe dọa trong bối cảnh quốc tế nghiêm trọng hiện nay. Đó là vấn đề an ninh của châu Âu".
Về phía Serbia, cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Aleksandar Vucic thông báo, nhà lãnh đạo có kế hoạch gặp các đại sứ Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và người đứng đầu văn phòng của EU tại Serbia để thảo luận về vụ việc.
Sau đó, ông Vucic sẽ có các cuộc gặp riêng rẽ với các đại sứ Phần Lan, Nga và Trung Quốc.
Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia từ năm 2008. Vùng lãnh thổ này có khoảng 1,8 triệu dân, trong đó 90% là người gốc Albania. Khoảng 120.000 người gốc Serbia sống tại phía Bắc Kosovo không công nhận chính quyền này và trung thành về mặt chính trị với Serbia.
| Nga: Thủ đô Moscow và vùng lân cận bị tấn công, hé lộ vũ khí được sử dụng Sáng 30/5, thủ đô Moscow của Nga và các khu vực lân cận đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công hiếm thấy ... |
| Nhà ngoại giao Serbia: Đề xuất của EU nhằm giải quyết vấn đề Kosovo phải là 'tối hậu thư' Mới đây, trao đổi với hãng tin TASS, cựu Ngoại trưởng Cộng hòa Liên bang Nam Tư (cũ) Zivadin Jovanovic đã đưa ra nhận định ... |
| Đối thoại với Kosovo, Tổng thống Serbia nói: 'Khó khăn, không có chuyện đầu hàng' Ngày 27/2, các nhà lãnh đạo Serbia và Kosovo đã gặp nhau ở Brussels (Bỉ) dưới sự chủ trì của Đại diện cấp cao của ... |
| EU: Sau 12 giờ đàm phán, Serbia-Kosovo đạt thỏa thuận quan trọng Ngày 19/3, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, ... |
| Serbia-Kosovo chuẩn bị hành động cho công cuộc bình thường hóa quan hệ, EU nói 'phải nhanh' Ngày 28/3, người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) Peter Stano cho biết, các trưởng đoàn đàm phán của Kosovo và Serbia sẽ ... |