TIN LIÊN QUAN | |
Căng thẳng Mỹ - Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt | |
Khẩu chiến Mỹ - Triều Tiên đi về đâu? |
Chỉ trong vòng một tuần, thế giới đã không ít lần “thót tim” với những lời qua tiếng lại từ hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Ngay sau khi ông chủ Nhà Trắng tuyên bố sẽ tiêu diệt bất cứ mối đe dọa nào nhắm vào Washington, ngày 9/8, Bình Nhưỡng đã đáp trả với kế hoạch sử dụng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tấn công đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và các quan chức khảo sát kế hoạch phóng tên lửa liên lục địa. (Nguồn: Reuters). |
Ngay sau động thái của Triều Tiên, các quốc gia đồng minh với Mỹ tại châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia cho biết sẽ đáp trả mọi hành động gây chiến của chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un. Về phía Mỹ, lực lượng phòng vệ tại Guam đã nhận lệnh sẵn sàng chiến đấu; hai máy bay ném bom chiến lược B1-B được điều động từ Nam Dakota đến Guam, chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của tuần trước. Tuần này, mọi chuyện đã khác. Sau phát biểu của Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và mới đây là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford đã liên tiếp có những tuyên bố cho biết sẽ ưu tiên sử dụng biện pháp ngoại giao để giải quyết tình hình. Căng thẳng chính thức hạ nhiệt khi ngày 15/8, Chủ tịch Kim Jong-un cho biết sẽ hoãn kế hoạch bắn tên lửa để “xem xét thêm những hành động sắp tới của người Mỹ”.
Giành thế chủ động
Có thể nói, trong cuộc khẩu chiến lần này, Bình Nhưỡng đã giành lại thế chủ động từ Mỹ, đồng thời tạo áp lực, phá vỡ thế cô lập của các đồng minh của Washington tại Đông Bắc Á.
Chuyên gia Robert Kuttner của Viện Nghiên cứu Demos nhận định động thái của Triều Tiên gợi nhớ tới cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Khi đó, bằng cách đưa tên lửa hạt nhân tới Cuba, Liên Xô đã đẩy Mỹ vào thế bị động và phải chấp nhận nhiều yêu cầu của mình, trong đó có việc rút tên lửa mang đầu đạn hạt nhân từ Thổ Nhĩ Kỳ và Italy về nước. Hành động của Bình Nhưỡng, tuy ở quy mô nhỏ và ít nguy hiểm hơn, vẫn đạt được kết quả tương tự khi giành thế chủ động từ phía Mỹ và buộc cường quốc số một thế giới cùng cộng đồng quốc tế phải dõi theo những bước đi của mình.
Hơn nữa, việc Bình Nhưỡng cho thấy tiếng nói của mình có trọng lượng với phía Washington sẽ là lợi thế không nhỏ của nước này, trong trường hợp đàm phán sáu Bên về bán đảo Triều Tiên được nối lại, cũng như trước các nỗ lực ngoại giao của các Bên trong thời gian tới. Động thái hoãn kế hoạch bắn tên lửa tới đảo Guam và chờ đợi các hành động từ phía Washington cho thấy Chủ tịch Kim Jong-un không coi quân sự là giải pháp triệt để cho tình hình hiện nay. Kết hợp với những tuyên bố gần đây của Nhà Trắng rằng không có ý định thay đổi thể chế ở Triều Tiên và mong muốn đàm phán với Bình Nhưỡng, việc nối lại đàm phán giữa các Bên hoàn toàn có thể xảy ra.
Cuối cùng, Triều Tiên mong muốn sử dụng con bài tên lửa đạn đạo nhằm cảnh cáo cuộc tập trận chung thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc “Người bảo vệ tự do Ulchi” dự kiến diễn ra vào ngày 21/8. Nếu Washington và Seoul trì hoãn hoạt động này, đây sẽ là một thành công chiến lược khác của Bình Nhưỡng trong việc vô hiệu hóa chiến lược bao vây của Mỹ và các quốc gia đồng minh.
Điểm yếu chết người
Dẫu vậy, nước cờ của Chủ tịch Kim Jong-un cũng bộc lộ không ít sơ hở, mà một trong số đó là sự phụ thuộc của chế độ Bình Nhưỡng vào Trung Quốc. Thống kê từ Hàn Quốc cho thấy mức tăng trưởng cao kỷ lục 3,9% của Triều Tiên năm 2016 đến từ khối lượng giao dịch thương mại tăng 74% của quốc gia này với Trung Quốc. Việc Trung Quốc cấm nhập khẩu than của Triều Tiên hồi tháng Hai vừa qua đã đánh mạnh vào nguồn thu ngoại tệ của Bình Nhưỡng. Do đó, chuyên gia Robert Kuttner nhận định sẽ không sai nếu nói rằng áp lực từ phía Bắc Kinh, trong đó có tuyên bố ngày 14/8 về mở rộng lệnh cấm nhập khẩu than, chì và sắt của Bình Nhưỡng đã góp phần không nhỏ buộc chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un phải “xuống thang” với Mỹ.
Nếu như những trừng phạt về kinh tế là chưa đủ, tuyên bố “sẽ giữ thế trung lập” khi Triều Tiên khơi mào xung đột với Mỹ, được báo chí Trung Quốc đăng tải ngày 11/8, đã khiến Chủ tịch Kim Jong-un chùn bước. Nói chính xác hơn, Bắc Kinh muốn nhắc nhở Bình Nhưỡng rằng Hiệp ước hợp tác và tương trợ ký kết năm 1961 giữa hai nước chỉ được kích hoạt nếu Triều Tiên không phải là nước khiêu chiến. Theo giới phân tích, trong trường hợp phải chịu những đòn đáp trả của Washington mà không có Trung Quốc chống đỡ, Bình Nhưỡng sẽ sớm sụp đổ.
Thực tế này cho thấy việc Triều Tiên tuyên bố tấn công đảo Guam bằng tên lửa chỉ là “hư chiêu” của Chủ tịch Kim Jong-un. “Đòn gió” này tỏ ra vô cùng hiệu quả khi đã giúp Bình Nhưỡng giành lại thế chủ động trong quan hệ với Washington mà không phá vỡ mối quan hệ với Bắc Kinh. Ở thời điểm hiện tại, quả bóng đã được đá sang chân của chính quyền Tổng thống Donald Trump và đã đến lúc nhà lãnh đạo Mỹ cần đưa ra những quyết định của mình.
Giới chức Guam khẳng định không có mối đe dọa từ Triều Tiên Ngày 9/8, các quan chức an ninh và quốc phòng trên đảo Guam (Mỹ) cho rằng tuyên bố của Triều Tiên về một kế hoạch ... |
Ngoại trưởng Tillerson: Mỹ không tìm cách lật đổ chế độ tại Triều Tiên Ngày 1/8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cam kết rằng Washington sẽ không tìm cách lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ... |
Trung Quốc khẳng định trách nhiệm của Mỹ - Triều Tiên tại Bình Nhưỡng Theo đó, Triều Tiên và Mỹ, chứ không phải là Trung Quốc, mới là hai nhân tố chính nỗ lực làm giảm căng thẳng và ... |