Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do Covid-19 vẫn là Mỹ với 577.169 ca tử vong trong tổng số 32.069.660 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 172.115 ca tử vong trong số 13.871.321 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 358.718 ca tử vong trong số 13.601.566 bệnh nhân.
Đáng chú ý, cả 3 quốc gia trên chứng kiến dịch bệnh phức tạp hơn trong nhiều ngày qua. Ấn Độ tiếp tục là điểm nóng của dịch bệnh khi đứng đầu thế giới về số ca mắc mới, lên tới 185.248 ca trong vòng một ngày qua.
Trong khi đó, Brazil ghi nhận số ca tử vong cao nhất là 3.687 ca và số ca lây nhiễm mới là 80.157 ca. Mỹ cũng ghi nhận 76.596 ca mắc mới trong 24 giờ qua.
* Tại châu Mỹ, số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 gia tăng mạnh tại một số nước Nam Mỹ.
Tại Brazil, báo cáo được Hiệp hội Y học chuyên sâu công bố cuối tuần qua cho thấy số người trẻ tuổi mắc Covid-19 phải điều trị tại các khu chăm sóc đặc biệt (ICU) gia tăng đáng kể.
Theo báo cáo dựa trên dữ liệu của hơn 30% số ICU trên cả nước, bệnh nhân Covid-19 dưới 40 tuổi chiếm 52% số giường tại các ICU, mức cao nhất kể từ đầu dịch và tăng so với mức 16,5% trong thời gian từ tháng 12/2020 - 2/2021.
Hiện chưa rõ lý do số người trẻ tuổi mắc Covid-19 thể nặng gia tăng tại Brazil. Tuy nhiên, một số nhà khoa học nhận định các nguyên nhân có thể là biến thể mới của virus xuất hiện lần đầu tại thành phố Manaus của bang Amazon, người cao tuổi được tiêm vaccine và sự chủ quan, lơ là phòng dịch của giới trẻ.
Đến nay, Brazil ghi nhận tổng cộng 13.601.566 ca mắc, trong đó hơn 350.000 ca tử vong - cao thứ hai thế giới sau Mỹ.
Ngày 13/4, Bộ Y tế Argentina công bố thêm 27.001 ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ qua, là số ca mắc trong ngày cao nhất từ trước đến nay, theo đó nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 2.579.000 ca.
Bộ trên cũng cho biết có thêm 217 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại Argentina lên 58.174 ca.
Tại Uruguay, số liệu do chính phủ công bố cuối ngày 12/4 cho thấy, nước này ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua cao nhất từ trước đến nay với 71 ca, nâng tổng số lên 1.533 ca.
Trong tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Uruguay, khoảng 1.300 ca ghi nhận tử tháng 1 vừa qua đến nay, tức là gần 90%, và khoảng 1/3 số này được ghi nhận riêng từ đầu tháng 4 đến nay. Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày nước này ghi nhận hơn 50 ca tử vong do Covid-19.
Cũng trong 24 giờ qua, Uruguay có thêm 2.564 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia 3,4 triệu dân này lên 147.173 ca.
Theo hãng tin AFP (Pháp), Uruguay ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm trong 14 ngày qua cao nhất từ trước đến nay với gần 1.370 ca trên 100.000 dân, trong khi không có nước nào khác có tỷ lệ lây nhiễm hơn 1.000 ca trên 100.000 dân trong cùng thời gian này.
* Tại châu Âu, tình hình dịch vẫn chưa có dấu hiệu khả quan dù các nước đang triển khai mạnh mẽ chương trình tiêm vaccine.
Cụ thể, Pháp đứng đầu châu lục với 39.113 ca mắc mới. Ngày 13/4, Bộ Y tế Pháp công bố số liệu cho biết, ghi nhận số bệnh nhân Covid-19 phải điều trị tại các ICU tăng thêm 36 ca lên 5.952 ca - cao nhất từ đầu năm đến nay, cho thấy áp lực đang gia tăng đối với các bệnh viện.
Bộ trên cũng thông báo thêm 324 ca tử vong. Theo đó, Pháp đã có hơn 5,1 triệu ca mắc với 99.480 ca tử vong.
Cùng ngày, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết, nước này sẽ đình chỉ tất cả các chuyến bay đến và đi từ Brazil để hạn chế sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở quốc gia Nam Mỹ.
Các chuyên gia cho biết, biến thể xuất hiện tại Brazil, được gọi là P1, đặc biệt độc hại và là một trong những nguyên nhân khiến số người tử vong do Covid-19 ở nước này tăng mạnh trong tháng 3.
Sau Pháp, Italy và Ba Lan lần lượt có thêm 13.447 và 13.222 ca mắc. Đức cũng xác nhận có thêm 10.772 ca lây nhiễm mới.
* Tại châu Á, chính quyền bang Maharashtra, địa phương giàu có nhất Ấn Độ, đã thắt chặt các biện pháp phòng dịch, trong đó có áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn bao gồm cả thủ phủ Mumbai trong bối cảnh số ca mắc mới tăng nhanh và nguồn cung khí oxy thiếu hụt.
Theo quy định mới, tất cả cửa hàng không thiết yếu, trung tâm thương mại, cửa hàng và dịch vụ giao hàng thương mại điện tử sẽ phải dừng từ ngày 14/4 đến ngày 1/5. Các hoạt động quay phim, chương trình truyền hình cũng phải tạm dừng. Các cuộc tụ họp hơn 5 người sẽ bị cấm.
Ấn Độ đang ghi nhận số ca nhiễm mới tăng chóng mặt trong 2 tuần gần đây, với trung bình hơn 100.000 ca mỗi ngày.
Ngày 13/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp các nỗ lực toàn cầu để đối phó với cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, khẳng định nước này đã cố gắng bảo vệ 1,3 tỷ dân trước đại dịch.
Bộ Y tế Ấn Độ cùng ngày cũng đã phê chuẩn cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Sputnik V của Nga, trở thành nước thứ 60 cấp phép sử dụng vaccine này của Nga.
Tại Israel, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát nhờ các nỗ lực tiêm vaccine và những quy định hạn chế trong thời gian qua, chính phủ đã quyết định mở cửa cho du khách nước ngoài kể từ ngày 23/5 tới.
Du khách cần phải xét nghiệm PCR trước khi khởi hành tới Israel. Khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Ben Gurion, du khách sẽ phải thực hiện 2 xét nghiệm gồm PCR và huyết thanh, nhằm xác nhận có kháng thể với SARS-CoV-2.
Israel hiện chưa công nhận giấy chứng nhận tiêm vaccine hay bình phục sau khi mắc Covid-19 của bất kỳ quốc gia nào.
Chính phủ Israel dự kiến tiếp tục đàm phán với các nước liên quan đến việc công nhận chứng nhận đã tiêm vaccine của nhau để có thể bỏ qua khâu xét nghiệm huyết thanh.
* Về vaccine ngừa Covid-19, ngày 13/4, nhà khoa học cấp cao thuộc Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) Peter Marks cho biết, một bệnh nhân đã tử vong vì biến chứng đông máu sau khi được tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược Johnson & Johnson (J&J), trong khi một người khác đang trong tình trạng nguy kịch.
Hiện có 6 trường hợp trong độ tuổi từ 18-48 xuất hiện một dạng biến chứng đông máu não hiếm gặp với lượng tiểu cầu trong máu thấp trong khoảng thời gian từ 6 đến 13 ngày sau khi tiêm vaccine của J&J.
Ngay sau vụ việc trên, FDA và các trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) cho biết đang tiến hành đánh giá, "những dấu hiệu đáng lưu ý tiềm tàng" trong 6 ca tiêm phòng có xuất hiện huyết khối.
Theo FDA, "trong khi chờ tiến trình này hoàn tất, chúng tôi khuyến cáo tạm ngừng" tiêm vaccine của J&J.
Chính quyền 3 bang bờ Đông nước Mỹ gồm New York, New Jersey và Connecticut lập tức đã ra lệnh hủy hàng nghìn ca đặt hẹn tiêm chủng vaccine J&J.
Hiện cả 3 bang đã yêu cầu người dân đặt lại hẹn trong lúc chính quyền bố trí thay vaccine J&J bằng vaccine Moderna và Pfizer.
Trong một diễn biến liên quan, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, đang theo dõi các dữ liệu toàn cầu của các báo cáo khác nhau để xem liệu có xảy ra những ca tương tự ở các nơi khác hay không và cần có thời gian để đánh giá các dữ liệu.
Sau khuyến cáo trên, J&J ra tuyên bố cho biết: "Chúng tôi đã quyết định chủ động hoãn kế hoạch giao vaccine tại châu Âu" và đang đánh giá các trường hợp này với cơ quan y tế châu Âu.
Hãng nêu rõ: "Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia và giới chức y tế, và chúng tôi ủng hộ việc mở cuộc trao đổi rộng rãi về thông tin này với các y bác sĩ cũng như công chúng".
Liên quan đến việc tạm ngừng sử dụng vaccine của J&J, Nhà Trắng cùng ngày cho biết, quyết định này không ảnh hưởng lớn đến chiến dịch tiêm chủng đại trà ở Mỹ bởi vaccine này chỉ chiếm gần 5% số liều tiêm ở Mỹ đến nay.
Phản ứng về sự cố của J&J, Nam Phi thông báo đã đình chỉ việc sử dụng vaccine của hãng này trong chương trình tiêm chủng.
Nam Phi đã cấp phép sử dụng vacicne J&J tại nước này 2 tuần trước và đến nay mới chỉ tiêm loại vaccine này cho các nhân viên y tế trong khuôn khổ một nghiên cứu.
Trong khi đó, cơ quan y tế Hà Lan khẳng định, đến thời điểm này, lợi ích từ việc tiêm vaccine của hãng J&J lớn hơn so với những nguy cơ có thể xảy ra.
Tương tự, Bỉ cho biết sẽ không dừng việc tiêm vaccine J&J vào giai đoạn này trong khi giới chức Tây Ban Nha cho biết chưa nhận được thông báo về việc dừng tiêm vaccine J&J.
Một quan chức của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, Ủy ban châu Âu đang liên hệ với hãng J&J nhằm có được lời giải thích rõ ràng về kế hoạch trên.