Toàn thế giới ghi nhận 181.532.688 ca nhiễm Covid-19, trong đó, 3.932.442 ca tử vong. |
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 363.841 ca nhiễm mới, tập trung nhiều nhất tại Brazil (64.851 ca), tiếp sau là Ấn Độ (49.851 ca), Colombia (33.594 ca), Nga (21.665 ca), Indonesia (21.095 ca), Argentina (18.555 ca), Anh (18.270 ca), Nam Phi (17.956 ca),...
Đáng chú ý, dịch bệnh Covid-19 đang gia tăng tại một số nước trên thế giới, điển hình là Anh và Isael.
* Ngày 26/6, Anh ghi nhận 18.270 ca nhiễm mới - cao nhất kể từ đầu tháng 2 vừa qua. Anh cũng là quốc gia châu Âu đầu tiên ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 vượt 100.000 ca (128.089 ca).
Theo số liệu chính thức của Chính phủ Anh, số ca mắc Covid-19 trên toàn nước Anh đã tăng gần 30% trong vòng một tuần. Cụ thể, Văn phòng thống kê Anh (ONS) cho biết, trong tuần tính đến ngày 19/6, ước tính có 153.200 ca mắc mới Covid-19, tăng 29% so với tuần trước đó. Số ca nhập viện cũng tăng 13% lên 1.556 trong tuần tính đến ngày 21/6.
Dù số ca mắc mới tăng tại Anh, vaccine tiếp tục chứng tỏ có tác dụng phòng ngừa biến thể Delta, theo đó ngăn ngừa các ca bệnh nặng. Trong số những người dưới 50 tuổi, chiếm khoảng 90% tổng số 92.000 ca nhiễm biến thể Delta tại Anh, không có trường hợp tử vong ở người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Theo Cơ quan Y tế công cộng Anh, trong tổng số 1.320 người nhập viện do nhiễm biến thể Delta tính đến ngày 21/6, có tới 1.108 người (hơn 80%) chưa tiêm vaccine hoặc mới tiêm một mũi.
Tỷ lệ lây nhiễm R ở Anh hiện ở mức từ 1,2-1,4, theo đó cứ 10 người mắc Covid-19 thì có khả năng lây thêm cho 12-14 người.
Giám đốc khu vực London của Cơ quan Y tế Công cộng Anh, Kevin Fenton, cho biết, lo ngại về sự lây lan của biến thể Delta đã khiến gia tăng số người trẻ tuổi tiêm chủng ở London .
* Israel ngày 26/6 ghi nhận 175 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc ghi nhận kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát năm ngoái lên 840.813 ca. Hiện nước này có 1.147 ca vẫn dương tính với virus SARS-CoV-2. Không có thêm ca tử vong nào do Covid-19 tại Israel, theo đó tổng số vẫn là 6.429 ca.
Về tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, đến nay, Israel đã tiêm chủng cho 5,54 triệu người, tương ứng 59,4% dân số nước này. Ngày 25/6, Israel đã áp đặt trở lại quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng có không gian kín, sau 10 ngày gỡ bỏ biện pháp này, để tăng cường phòng dịch.
* Tại Mỹ, theo báo cáo hằng tuần của Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh, số liều vaccine ngừa Covid-19 tiêm chủng trung bình mỗi ngày trong 7 ngày qua tại nước này giảm 55,3% so với tuần trước đó.
Đến nay, có khoảng 45,8% dân số Mỹ đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 và tính đến ngày 26/6 có ít nhất 53,9% dân số đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine.
Với kết quả trên, hiện khoảng 152,2 triệu người dân Mỹ đã tiêm chủng đủ liều vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, tỷ lệ người tiêm chủng tại một số bang của Mỹ vẫn thấp, mặc dù chính quyền kêu gọi người dân đi tiêm chủng để phòng ngừa nguy cơ tiềm ẩn từ các biến thể mới của SARS-CoV-2. Tuần trước, Nhà Trắng nhận định khó có thể đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số Mỹ vào ngày kỷ niệm Quốc Khánh 4/7.
* Ngày 27/6, hãng thông tấn Bernama dẫn lời Thủ tướng Muhyiddin Yassin thông báo Malaysia sẽ kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc tới sau ngày 28/6 nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Theo nguồn tin trên, các biện pháp phong tỏa đã được thiết lập tới ngày 28/6 nhưng Thủ tướng Muhyiddin cho biết, những biện pháp đó sẽ không được nới lỏng cho tới khi số ca mắc Covid-19 tính theo ngày giảm xuống dưới 4.000 ca.
* Trong khi đó, trong cuộc thăm dò dư luận, đa số người dân Thái Lan không đồng tình với việc mở cửa đất nước trong 120 ngày tới
Kết quả thăm dò dư luận do Viện Quản lý Phát triển Quốc gia Thái Lan (NIDA) công bố ngày 27/6 cho thấy, đa số người dân lên tiếng không đồng tình với tuyên bố mở cửa trở lại đất nước trong 120 ngày của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha.
Cuộc thăm dò được thực hiện bằng phỏng vấn qua điện thoại từ ngày 22-25/6 đối với 1.311 người từ 15 tuổi trở lên có trình độ học vấn và nghề nghiệp khác nhau trong cả nước.
Khi được hỏi có đồng ý với thông báo của Thủ tướng hay không, phần lớn số người trả lời (73,46%) không đồng ý. Trong số đó, 53,55% hoàn toàn không đồng ý, cho rằng, đất nước không nên mạo hiểm tiếp nhận người nước ngoài trong khi đại dịch vẫn chưa được kiểm soát, đồng thời nói thêm rằng, việc mở cửa trở lại nên được trì hoãn cho đến khi hầu hết người dân trong nước được tiêm chủng và 19,91% không đồng tình ở mức độ vừa phải, nói rằng họ không tin tưởng vào các biện pháp ngăn chặn của chính phủ. Ở chiều ngược lại, 26,01% số người được hỏi đồng ý, trong đó 12,43% đồng ý hoàn toàn, nói rằng việc đó sẽ thúc đẩy nền kinh tế và vực dậy các doanh nghiệp liên quan đến du lịch; 13,58% đồng ý ở mức vừa phải. Số còn lại (0,53%) không trả lời hoặc không quan tâm.
Đối với câu hỏi liệu họ có tin, chính phủ sẽ có thể mở cửa trở lại đất nước sau 120 ngày hay không, đa số (71,62%) nói "không"; 27,16% nói "có"; và 1,22% không trả lời hoặc không quan tâm.
Khi được hỏi họ coi trọng điều gì hơn giữa sự sống còn của nền kinh tế và an toàn sức khỏe, 69,19% cho biết họ quan tâm đến an toàn sức khỏe; 18,99% cho biết sự sống còn của nền kinh tế; và 11,82% cho rằng cả hai quan trọng như nhau.
* Kết quả một nghiên cứu mới được công bố trên The New York Times ngày 26/6 cho thấy, virus Corona đã từng xuất hiện từ cách đây 20.000 năm, gây ra đại dịch nghiêm trọng tại khu vực hiện nay là Đông Á. Theo nghiên cứu, dịch bệnh này đã hoành hành nghiêm trọng và để lại dấu tích trên ADN của các thế hệ ngày nay.
Qua nhiều thế hệ, virus có thể gây ra những thay đổi lớn trong bộ gene người, do đó các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu nói trên đã tìm kiếm các biến thể gene trong bộ gene người để tái hiện lịch sử chuyển biến của các chủng virus.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, có những dấu vết cho thấy, người dân sống tại khu vực Đông Á đã thích nghi với một chủng virus corona từ thời cổ đại và các gene của họ phát triển đột biến kháng virus từ khoảng 20.000 đến 25.000 năm trước đây.
Theo các nhà khoa học, bộ gene người thay đổi thì virus cũng có thể tiến hóa theo, do các protein của chúng phát triển để vượt qua hệ thống phòng vệ của vật chủ.
Báo The New York Times cho biết: "Trong 20 năm qua, có 3 chủng virus corona đã thích nghi để lây nhiễm ở người và gây ra những bệnh hô hấp nghiêm trọng, đó là: dịch bệnh Covid-19, Hội chứng hô hấp cấp (SARS) và Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS). Các nghiên cứu về từng chủng virus corona này chỉ ra rằng, chúng đã lây nhiễm sang cơ thể người từ dơi hoặc loài động vật có vú khác."