Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 502.339 ca nhiễm mới Covid-19, tập trung nhiều nhất tại Ấn Độ (171.726 ), tiếp đến Brazil (50.495 ca), Argentina (39.207 ca), Colombia (23.374 ca), Mỹ (22.498 ca), Pháp (11.268 ca)...
Trong một ngày qua, thế giới có thêm 11.885 ca tử vong vì dịch Covid-19.
Quốc gia có số ca tử vong và nhiễm bệnh lớn nhất thế giới vẫn là Mỹ, cụ thể là 608.950 ca tử vong trong tổng số 34.022.342 bệnh nhân. Tiếp đó là Ấn Độ với 27.719.431 ca nhiễm và 322.384 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 16.349.657 ca nhiễm và 459.171 bệnh nhân không qua khỏi.
Bộ Y tế Pakistan ngày 28/5 cho biết đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Ấn Độ. Đó là ca nhiễm ở thủ đô Islamabad. Đơn vị Giám sát dịch của Bộ đang truy vết tiếp xúc với bệnh nhân.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Pakistan đang dần thoát khỏi làn sóng lây nhiễm thứ 3, cũng là nghiêm trọng nhất ở nước này kể từ khi bùng phát dịch. Số ca nhiễm và tử vong mới hằng ngày đã giảm đáng kể.
Hiện nước này ghi nhận tổng cộng 913.784 ca nhiễm và 20.607 ca tử vong.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ hiện đã lây lan sang 53 quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Trong diễn biến mới nhất, vùng thủ đô Delhi của Ấn Độ thông báo sẽ nới lỏng phong tỏa từ ngày 31/5 vì số ca nhiễm mới đang giảm dần trong làn sóng thứ hai.
Thống đốc vùng Delhi Arvind Kejriwal cho biết, các công trình xây dựng và nhà máy, nơi nhiều người có thu nhập thấp làm việc, sẽ được phép nối lại hoạt động đầu tiên.
Ông Kejriwal khẳng định tình hình dịch "đã phần nào được kiểm soát", song cảnh báo nếu số ca nhiễm tăng, có thể tái áp đặt phong tỏa.
Thống đốc Kejriwal cho biết: "Trong quá trình dỡ bỏ phong tỏa, chúng ta phải quan tâm đến những người thuộc nhóm thấp trong xã hội, đó là người lao động công nhật, người lao động chân tay, và lao động nhập cư".
Vùng thủ đô Delhi đã áp đặt phong tỏa đầu tiên từ ngày 19/4 và đã được gia hạn. Ấn Độ đã ghi nhận hơn 400.000 ca nhiễm mới hằng ngày từ đầu tháng 5, khiến các bệnh viện quá tải về giường bệnh và thiếu bình ô xy cho các bệnh nhân nặng.
Tuy nhiên, đến ngày 28/5, số ca nhiễm mới đã giảm xuống còn 186.000 ca trong 24 giờ qua, trong đó có 1.141 ca tại Delhi. Số ca tử vong mới trong ngày 28/5 là 3.660 ca.
Tại nước Nepal láng giềng, dịch Covid-19 đã đến vùng núi Everest khi một hướng dẫn viên leo núi Buddhi Bahadur Lama có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và phải cách ly trong lều cắm trại. Lama là một trong 4 người của đội leo núi nhiễm bệnh khi đang cắm trại dưới chân núi.
Hàng chục ca nghi nhiễm đã rời khỏi khu vực này và ít nhất 2 công ty đã phải dừng dịch vụ leo núi sau khi có thành viên nhiễm virus. Lama chỉ có triệu chứng nhẹ, nhưng anh cho biết một số người leo núi khác đang bị nặng hơn.
Tuy nhiên, chính quyền Nepal vẫn chưa chính thức ghi nhận ca nhiễm nào tại núi Everest. Trước đó, ngành du lịch nước này đã thất thu hàng triệu USD khi phải phong tỏa trong đợt bùng phát dịch năm ngoái.
Tại Nhật Bản, chính phủ đã xác định quyết tâm mở rộng tiêm chủng vaccine Covid-19 cho tất cả các đối tượng từ cuối tháng 6, sớm hơn 1 tháng so với dự kiến.
Trong buổi họp báo sau khi tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn cấp đối với 9 tỉnh ngày 28/5, Thủ tướng Suga Yoshihide nhấn mạnh quyết tâm triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dưới 65 tuổi, bao gồm cả những người có bệnh nền, bắt đầu từ cuối tháng sau.
Về nguồn cung vaccine, Thủ tướng Suga khẳng định chính phủ sẽ đảm bảo đủ lượng vaccine cần thiết cho chiến dịch tiêm chủng với 100 triệu liều dự kiến sẽ đến Nhật Bản vào cuối tháng 6 và thêm 100 triệu liều nữa sẽ được bổ sung vào tháng 9.
Thời điểm tiêm chủng cụ thể của từng địa phương sẽ được quyết định trên cơ sở kết quả khả quan của việc tiêm chủng cho đối tượng trên 65 tuổi, đồng thời địa điểm cũng có thể được mở rộng thực hiện tại nơi làm việc hoặc các trường đại học.
Hiện nay tốc độ tiêm chủng đang ở khoảng 400.000-500.000 lượt/ngày nhưng từ tháng 6 sẽ được nâng lên 1 triệu lượt/ngày.
Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng sẽ có thể tiêm chủng đại trà cho toàn bộ người dân từ cuối tháng 6, sớm hơn 1 tháng so với dự kiến ban đầu. .
Tại Czech, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến tích cực và số lượng người dân được tiêm vaccine ngừa Covid-19 tăng, chính phủ tiếp tục nới lỏng các biện pháp chống dịch.
Bộ trưởng Y tế Adam Vojtech cho biết, kể từ ngày 31/5 dịch vụ phục vụ ăn uống khu vực bên trong nhà được phép hoạt động trở lại với điều kiện dịch tễ nghiêm ngặt.
Trước đó, Czech đã nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch, trong đó cho phép các nhà hàng phục vụ khách ở khu vực bên ngoài, các cửa hàng bán lẻ và kinh doanh dịch vụ trên cả nước mở cửa trở lại.
Điểm đáng chú ý là Czech đã đạt được thỏa thuận với 7 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) gồm Đức, Áo, Slovakia, Ba Lan, Hungary, Slovenia, Croatia mở cửa biên giới từ ngày 31/5 cho người dân của các nước đi lại, sau khi đã được tiêm 1 liều vaccine ngừa Covid-19 trước đó 3 tuần.
Ngoài ra, nước này cũng cho phép những người đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 từ 6 quốc gia ngoài EU gồm Israel, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan nhập cảnh mà không bị hạn chế.
Trong tuần qua, tình hình dịch Covid-19 tại Czech đã giảm xuống mức 35 ca nhiễm mới/100.000 dân. Hệ số tái nhiễm hiện ở mức 0,7. Ngày 27/5, nước này ghi nhận hơn 500 ca mắc Covid-19.
Đến nay, tại quốc gia Trung Âu với 10,7 triệu dân này, đã có hơn 5 triệu người được tiêm vaccine ngừa Covid-19, trong đó gần 1,4 triệu trường hợp đã được tiêm 2 liều. Từ ngày 1/6, người dân trên 16 tuổi có thể bắt đầu đăng ký tiêm vaccine.
Tại Mexico, chính phủ cho biết sẽ bắt đầu tiến hành tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho hơn 11 triệu người ở độ tuổi từ 40-49 tuổi vào tháng 6 tới.
Thứ trưởng Y tế, Hugo Lopez-Gatell cho biết Mexico sẽ hoàn tất tiêm chủng cho người từ 50 tuổi trở lên, đội ngũ y, bác sỹ, giáo viên và phụ nữ mang thai vào tuần đầu tiên của tháng 6 tới.
Tính tới thời điểm hiện tại, Mexico đã tiêm gần 29 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 và hơn 12 triệu người đã hoàn thành tiêm chủng. Bên cạnh đó, khoảng 2 triệu người Mexico đã du lịch sang Mỹ để tiêm chủng.
Mexico cũng vừa phê duyệt sử dụng vaccine của hãng Johnson & Johnson. Trước đó, cơ quan chức năng Mexico đã phê duyệt nhiều loại vaccine ngừa Covid-19, gồm Pfizer, AstraZeneca, Sputnik, CanSino và Sinovac. Tới nay, Mexico đã thanh toán khoảng 930 triệu USD trên tổng số 1,8 tỷ USD ngân sách để mua 250 triệu liều vaccine tiêm miễn phí cho người dân.
Chính phủ cam kết đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và yêu cầu cơ quan y tế hoàn thành chương trình tiêm chủng cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi vào tháng 10 tới, trước khi mùa Đông tới nhằm tránh nguy cơ bùng phát dịch.
Hiện Mexico ghi nhận trên 2,4 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 223 nghìn ca tử vong.
Trong khi đó, một quan chức của hãng AstraZeneca ngày 28/5 nói với hãng tin Reuters rằng Bộ Y tế Nga đã từ chối phê duyệt các thử nghiệm lâm sàng ở Nga về một loại vaccine ngừa Covid-19 kết hợp giữa Sputnik V của Nga và vaccine của hãng này.
Bà Irina Panarina, Tổng giám đốc của AstraZeneca phụ trách Nga và khu vực Âu-Á, cho biết việc thử nghiệm trên người đối với loại vaccine ngừa Covid-19 kết hợp giữa một mũi tiêm vaccine của hãng AstraZeneca với vaccine Sputnik V của Nga đã được phê duyệt ở Azerbaijan, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Belarus, đồng thời lưu ý thêm rằng AstraZeneca đang chuẩn bị trả lời các thắc mắc từ Bộ Y tế Nga.
Cũng liên quan vaccine ngừa Covid-19, Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) ngày 28/5 đã phê chuẩn sử dụng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 12-15 tuổi. Đây là vaccine đầu tiên được "bật đèn xanh" cho độ tuổi này.
EMA cho biết vaccine của Pfizer "được dung nạp tốt" với thanh thiếu niên và không có "lo ngại lớn" nào về các tác dụng phụ.
Quyết định trên được cho là sẽ đẩy nhanh chương trình tiêm chủng đại trà tại châu Âu, khi Đức cho biết sẽ bắt đầu tiêm phòng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên ngay từ tháng 6 tới. Trước đó, Mỹ và Canada đã cho phép tiêm vaccine của Pfỉzer cho thanh thiếu niên.
Người đứng đầu EMA Emer Cooke cho biết các cuộc thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine của Pfizer "có khả năng bảo vệ cao" đối với trẻ em. Không em nào trong số hơn 1.000 em được tiêm vaccine trong thử nghiệm có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
EMA cũng xác nhận đang xem xét những trường hợp "rất hiếm" báo cáo có biểu hiện viêm cơ tim ở người dưới 30 tuổi đã được tiêm vaccine của Pfizer. Tuyên bố của EMA cho biết: "EMA đang theo dõi sát vấn đề này".
Trước đó, Mỹ cũng đã thông báo một số lượng rất ít các trường hợp viêm cơ tim ở người trẻ tuổi được tiêm vaccine của Pfizer và Moderna, hai loại vaccine đều sử dụng công nghệ mRMA. EMA cho biết đang "phối hợp chặt chẽ" với các đối tác tại Mỹ.