TIN LIÊN QUAN | |
EU và Canada chính thức ký thỏa thuận thương mại tự do | |
Bỉ đạt được thỏa thuận về CETA |
Thủ tướng Slovakia Robert Fico, người đang giữ chức Chủ tịch EU, nhấn mạnh việc liên minh và Canada ký kết CETA đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chính sách thương mại của hai bên. Theo ông Fico, đây là một hiệp định hiện đại, tiên tiến, tạo ra các cơ hội mới cũng như bảo vệ các lợi ích quan trọng của EU.
Hành trình gian nan
CETA được kỳ vọng sẽ kết nối EU - “đầu tàu” kinh tế - thương mại lớn gồm nửa tỷ dân - với Canada, nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới. Khi chính thức có hiệu lực (dự kiến năm 2017), CETA sẽ dỡ bỏ tới 99% hàng rào thuế quan giữa hai bên, qua đó có thể nâng kim ngạch thương mại song phương thêm 20%, tương đương 12 tỷ Euro/năm, đồng thời kích thích tăng trưởng và việc làm ở hai bờ Đại Tây Dương.
Đối với chính quyền Thủ tướng Canada Justin Trudeau, hoàn tất ký kết CETA với EU được xem là một thắng lợi quan trọng, không những bởi đây là nền tảng pháp lý cơ bản cho phép Canada tiếp cận thị trường châu Âu đầy tiềm năng, mà còn giúp Ottawa giảm sự lệ thuộc thương mại vào Mỹ.
Từ trái qua phải: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại lễ ký kết CETA ở Brussels (Bỉ), ngày 30/10. (Nguồn: AFP) |
Trong lúc Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) bộc lộ nhiều hạn chế, đồng thời Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang bị đình trệ trong quá trình phê chuẩn, CETA đã mở ra một hướng đi mới cho nền kinh tế năng động của Canada.
Trong khi đó, CETA là thỏa thuận thương mại tự do đầu tiên của EU với một quốc gia G7, được ký kết vào thời điểm “quý hơn vàng” khi uy tín của liên minh đang sụt giảm nghiêm trọng bởi nhiều khó khăn về chính trị lẫn kinh tế. Hoàn tất thỏa thuận với Canada giúp những nhà lãnh đạo ở Brussels thở phào nhẹ nhõm, như Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hân hoan viết trên Twitter: “Sứ mệnh đã hoàn thành!”.
Theo kế hoạch, CETA lẽ ra phải được ký kết trong chuyến công du tới Bỉ của Thủ tướng Canada hôm 27/10, chứ không phải đợi tới ngày 30/10. Khó khăn bất ngờ xảy ra khi ngày 14/10, Nghị viện vùng nói tiếng Pháp Wallonia của Bỉ, có dân số ít hơn 1% tổng số dân EU, bỏ phiếu phủ quyết việc ký kết thỏa thuận.
Sau nhiều ngày giữ vững quan điểm “cự tuyệt” CETA, đến 27/10, vùng Wallonia đã bất ngờ tuyên bố ủng hộ CETA, sau khi các vùng của Bỉ đạt được đồng thuận nhằm xua tan những quan ngại về cạnh tranh sản phẩm và hệ thống giải quyết tranh chấp. Trong đêm 28/10, tất cả 28 nước thành viên EU đã nhất trí thông qua toàn bộ văn bản liên quan đến CETA, mở đường cho việc ký kết chính thức ngày 30/10.
Khó khăn phía trước
Chính vì quá trình ký kết khó khăn kể trên nên dễ dàng hiểu được sự vui mừng của các nhà lãnh đạo EU khi CETA thoát hiểm ở phút chót. Tuy nhiên, theo nhận định nhiều nhà phân tích, châu Âu chưa thể lạc quan vào lúc này, bởi nhiều khó khăn vẫn đang chờ phía trước.
Trong thời gian qua, CETA vốn là một vấn đề gây chia rẽ các nước thành viên EU. Bất chấp những viễn cảnh xán lạn mà thỏa thuận thương mại với Canada mang lại, nhiều nước châu Âu như Bỉ, Ba Lan, Hungary lo ngại CETA sẽ tạo nên tiền lệ xấu thông qua việc hạ thấp các tiêu chuẩn hàng hóa, môi trường, y tế...
Đặc biệt, trong bối cảnh EU đang loay hoay tìm cách giải quyết nhiều thách thức như Brexit, tăng trưởng kém, khủng hoảng nhập cư… việc khu vực Wallonia ban đầu phản đối thỏa thuận đã giáng đòn nặng vào quy trình hoạch định chính sách của liên minh. Cơ chế cho phép từng vùng, từng quốc gia có tiếng nói ngang nhau trong việc quyết định số phận các thỏa thuận thương mại của liên minh đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là khi xu hướng chống khu vực hóa, toàn cầu hóa đi kèm chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng phát triển mạnh ở “cựu lục địa”.
Ngay cả sau khi CETA hoàn tất việc ký kết ngày 30/10, đây vẫn chưa phải là kết quả cuối cùng. Nếu Nghị viện châu Âu (EP) đồng ý, thỏa thuận này sẽ có hiệu lực một phần vào năm sau. CETA chỉ được thực hiện đầy đủ sau khi 38 nghị viện cấp quốc gia và khu vực ở châu Âu phê chuẩn.
Nhìn lại quá trình đàm phán 7 năm mà CETA đã đi qua, có thể thấy những khó khăn mà CETA gặp phải cũng chính là những thách thức đặt ra với Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa EU - Mỹ, và có thể sau này là thỏa thuận giữa EU - Anh. Ngày 29/10, ông Paul Magnette - người đứng đầu vùng Wallonia, đã lên tiếng phản đối TTIP khi nói rằng Hiệp định này “đã chết và được chôn cất”. Vì vậy, khi quá trình Brexit mới bắt đầu, có ý kiến cho rằng London nên sớm đàm phán với các nước thành viên EU để tránh những rắc rối về sau.
Rõ ràng, việc các nước thành viên quyết tâm bảo vệ những lợi ích cho riêng mình đã khiến EU gặp nhiều khó khăn trong việc ra quyết sách chung, đồng thời làm giảm uy tín của liên minh trên trường quốc tế. Vì vậy, trong thời gian tới, EU cần có những cải cách dài hơi và sâu rộng để củng cố vai trò lãnh đạo của liên minh, nhất là trong bối cảnh châu lục này đang bước vào giai đoạn nhiều biến động.
EU và Canada chính thức ký thỏa thuận thương mại tự do Ngày 30/10, Liên minh châu Âu (EU) và Canada đã chính thức ký Hiệp định Kinh tế và Thương mại toàn diện giữa (CETA) với ... |
Bỉ đạt được thỏa thuận về CETA Ngày 27/10, Brussel đã giải quyết được sự bế tắc nội bộ liên quan đến Hiệp định Thương mại và Kinh tế Toàn diện (CETA) ... |
EU và Canada nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận CETA Ngày mai (27/10), Hội nghị thượng đỉnh EU - Canada nhằm hoàn tất thỏa thuận Thương mại và kinh tế toàn diện (CETA) sẽ được ... |