ố |
Lực lương cảnh sát Bỉ phong tỏa một số tuyến đường ở thủ đô Brussels sau khi vụ nổ xảy ra. (Nguồn: AP) |
Chưa đầy 5 tháng kể từ sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu làm chấn động thủ đô Paris của nước Pháp hồi tháng 11/2015, Brussels - thủ đô của Liên minh châu Âu (EU) - cũng vừa phải hứng chịu các vụ đánh bom liên tiếp gây thương vong lớn vào sáng 22/3 vừa qua, làm ít nhất 34 người thiệt mạng và hơn 170 người khác bị thương.
Ngay lập tức, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuyên bố chịu trách nhiệm vụ tấn công khủng bố ở Brussels, đồng thời lên tiếng đe dọa những nước đang tham gia liên minh chống IS.
Mất bò mới lo làm chuồng
Đánh giá về chính sách an ninh chung của EU sau những vụ tấn công khủng bố diễn ra tại thủ đô Brussels của Bỉ ngày 22/3 vừa qua, giới chuyên gia nhận định rằng cứ sau mỗi vụ tấn công khủng bố vào một quốc gia thành viên EU, các nhà lãnh đạo đều lên tiếng kêu gọi thiết lập một chính sách an ninh chung để chống chủ nghĩa khủng bố. Thế nhưng trên thực tế, EU vẫn luôn bế tắc trong việc thống nhất để thành lập cơ quan công tố của liên minh chuyên trách vấn đề khủng bố. Châu Âu cũng chưa thể thống nhất về việc xây dựng các biện pháp hữu hiệu nhằm chống lại những kẻ khủng bố đã xâm nhập hoặc sinh ra trên chính lãnh thổ những quốc gia thành viên. Trong bối cảnh hiểm họa khủng bố leo thang ở châu Âu, giới chuyên gia tin rằng sự lan tràn của chủ nghĩa khủng bố tại khu vực từng rất hòa bình này không chỉ bắt nguồn từ môi trường láng giềng bất ổn, mà còn từ những vấn đề xã hội ở ngay trong lòng châu Âu.
Dù thế giới hết sức đau buồn trước sự ra đi của những người vô tội và phẫn nộ trước sự tàn ác của những kẻ khủng bố, song cần phải tỉnh táo để nhận ra rằng đã đến lúc phải có một biện pháp tổng hợp nhằm giải quyết căn nguyên phức tạp của chủ nghĩa khủng bố. Châu Âu cần tìm kiếm giải pháp từ cả trong và ngoài biên giới.
Sau khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố ở Brussels, tại một cuộc họp khẩn, Thủ tướng Pháp Manuel Valls nhấn mạnh: “Châu Âu đang trong tình trạng chiến tranh. Mối đe dọa khủng bố đang ở mức cao nhất”. Phát biểu của ông gợi cho người ta nhớ đến những tuyên bố của Tổng thống Pháp Francois Hollande sau loạt tấn công khủng bố ở Paris: “Chúng ta đang trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố thánh chiến đe dọa đến toàn thế giới”.
Cần một cách tiếp cận đa chiều
Mặc dù sau khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố ở Paris, châu Âu đã đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố, tuy nhiên vụ đánh bom tại Brussels cho thấy chủ nghĩa khủng bố vẫn tồn tại và phát triển ở lục địa già.
Trước đó, Giám đốc Cơ quan cảnh sát của EU Europol Rob Wainwright cũng từng đưa ra cảnh báo rằng có tới 5.000 tên khủng bố thuộc IS đã tiến vào châu Âu sau khi được huấn luyện tại Syria và những chiến trường khác. Không nghi ngờ gì nữa, châu Âu đang đối mặt với hiểm họa khủng bố lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua. Giới chuyên gia cho rằng căn nguyên của chủ nghĩa khủng bố tại châu Âu rất phức tạp: Thứ nhất, biến động ở Trung Đông là điều kiện cần để chủ nghĩa khủng bố phát triển. Chẳng hạn, lý do khiến IS lan khắp Syria, Iraq, Libya, Yemen là bởi những xã hội bất ổn này tạo điều kiện cho IS phát triển. Thứ hai, sự gia tăng về lượng của chủ nghĩa khủng bố không đến từ bên ngoài mà là sản phẩm của chính châu Âu. Việc tổ chức và tiến hành các cuộc tấn công ở Paris được thực hiện ngay tại chính châu Âu.
Theo Giáo sư của trường Đại học An ninh Nhân dân của Trung Quốc Wu Shaozhong, để tiêu diệt tận gốc hiểm họa khủng bố sinh ra từ trong lòng châu Âu, cần phải ngăn không cho hệ tư tưởng khủng bố được truyền bá vào châu Âu và làm ảnh hưởng đến giới trẻ ở đây. Đồng quan điểm này, Phó Giáo sư về các vấn đề quốc tế của trường Đại học Quan hệ Quốc tế ở Bắc Kinh Chu Yi, cũng nhận định rằng: “Hiểm họa khủng bố tại châu Âu phần lớn bắt nguồn từ việc IS mang chủ nghĩa khủng bố đến châu lục này thông qua những người châu Âu cực đoan trở về nhà sau khi gia nhập IS ở Trung Đông”.
Hơn thế nữa, ngoài sự gia tăng chủ nghĩa khủng bố từ bên trong, tình trạng kinh tế xấu đi và tỉ lệ thất nghiệp cao ở các nước châu Âu đã tạo điều kiện cho chủ nghĩa cực đoan phát triển. Giới chuyên gia cho rằng cần phải có một cách tiếp cận đa chiều để chống lại chủ nghĩa khủng bố ở châu Âu. Các nước châu Âu cần đẩy mạnh việc thu thập thông tin tình báo chống khủng bố, qua đó phá vỡ các âm mưu khủng bố trước khi chúng được thực hiện.
Ngoài ra, hoạt động kiểm soát nhập cảnh cũng phải được siết chặt để ngăn chặn việc những kẻ khủng bố đội lốt dân tị nạn. Đồng thời, phải tăng cường việc kiểm tra an ninh tại các cơ quan công vụ quan trọng như các cơ quan chính phủ, tàu điện ngầm và sân bay... Thêm vào đó, trong bối cảnh khu vực Trung Đông đầy hỗn loạn như hiện nay, châu Âu cần gác lại những tranh chấp của mình ở khu vực này và đẩy mạnh việc phối hợp nỗ lực toàn cầu chống IS. Và quan trọng hơn cả, có lẽ châu Âu cần phải xem xét lại những rắc rối nội tại, ví dụ như nền kinh tế yếu kém và sự bất hòa giữa văn hóa và tôn giáo, đồng thời phá hủy môi trường thuận lợi cho việc truyền bá hệ tư tưởng khủng bố.