Tuần trăng mật của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Trung Quốc sắp kết thúc? (Nguồn: AP) |
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang làm tốt trong việc khẳng định với các đồng minh châu Á rằng, ông sẽ không nhượng bộ trước Trung Quốc.
Trên nhiều phương diện, 100 ngày đầu nhiệm kỳ Tổng thống của nhà lãnh đạo 78 tuổi được cho là sự tiếp nối các chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump.
Tuy vậy, khi ông Biden xem xét lại các lựa chọn chính sách, điều này có thể thay đổi.
Nước Mỹ đang cố gắng cân bằng giữa cạnh tranh và hợp tác với Trung Quốc. Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Biden còn phải đối mặt với bài toán khác: cân bằng giữa tái cam kết về vai trò của Mỹ tại châu Á và quyết đoán hơn với Trung Quốc.
Tuần trăng mật đã qua
Cách tiếp cận với Trung Quốc của ông Biden từ trước đến nay được coi là không hoàn toàn suôn sẻ. Đầu tháng 3 vừa qua, các quan chức Mỹ và Trung Quốc tranh cãi nảy lửa trong cuộc gặp ở Alaska. Tuy vậy, đây chỉ là những trường hợp cá biệt.
Ở nhiều mặt khác, nước Mỹ đã có những bước tiến đáng kể trong quan hệ với Trung Quốc.
Hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Các biện pháp trừng phạt dưới thời chính quyền tiền nhiệm Donald Trump không được bổ sung. Nước Mỹ có những tuyên bố mạnh mẽ về vấn đề Tân Cương, tuy nhiên bức tranh tổng thể của quan hệ Washington-Bắc Kinh tương đối yên bình.
Ông Biden từng khẳng định: “Chúng ta không mong muốn đối đầu, nhưng chúng ta biết rằng đây sẽ là cuộc cạnh tranh gay gắt”.
Hiện tại, Mỹ đã bước vào giai đoạn mới. Tổng thống Biden sẽ đề ra nhiều chính sách mới trong các tháng tới, trong khi phải tính đến phản ứng của các đồng minh và đối tác. Do đó, ông chủ Nhà Trắng phải tìm được điểm cân bằng.
Một số nước châu Á như Nhật Bản hay Ấn Độ mong muốn cách tiếp cận cứng rắn hơn của Mỹ với Trung Quốc. Tuy vậy, nhiều nước lo ngại rằng, cường quốc hàng đầu thế giới sẽ đưa căng thẳng vượt quá giới hạn.
Cách tiếp cận mềm mỏng
Điều này dẫn đến sự nổi lên của 2 trường phái tư duy khác nhau tại Washington về chính sách Trung Quốc của Mỹ sau khi 2 nước rời khỏi “tuần trăng mật ngoại giao” này.
Hướng tư duy đầu tiên hướng đến việc tái khẳng định các cam kết của Mỹ trong khu vực bằng cách tạo dựng hình ảnh Washington như một đối tác có khả năng giải quyết các vấn đề trong khu vực.
Đại diện tiêu biểu của lối tư duy này là nhà ngoại giao Kurt Campbell, người đứng sau thỏa thuận sản xuất vaccine Covid-19 cho các nước đang phát triển ở châu Á của nhóm Bộ tứ.
Ông Campbell bày tỏ hy vọng vào các biện pháp ngoại giao hiệu quả hơn với Trung Quốc trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu hay Iran.
Ông nói với Financial Times: “Nếu chúng ta có thể thiết lập khuôn khổ cạnh tranh ổn định và có thể đoán định, tôi coi đây là một thắng lợi khiêm tốn”.
Cách tiếp cận hướng tới xây dựng các liên minh nhằm giải quyết các vấn đề trong khu vực của chuyên gia chính sách đối ngoại này có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực, như công nghệ và chuỗi cung ứng.
Điều này cho phép nước Mỹ củng cố quan hệ với châu Á mà không cần đối đầu trực tiếp với Trung Quốc.
Hay hướng đi “diều hâu”?
Tuy vậy, một chiến lược khác cũng đang nổi lên ở Washington. Chiến lược này cứng rắn hơn cả về ngôn từ lẫn chính sách.
Đại diện của chiến lược này là Ely Ratner, quan chức cấp cao với quan điểm “diều hâu” điển hình.
Sự cứng rắn này ảnh hưởng tới chính sách công nghệ của chính quyền Tổng thống Biden, khi Mỹ đã ra dấu hiệu cho thấy Washington sẽ không cho Bắc Kinh tiếp cận với công nghệ chất bán dẫn, và nhiều công nghệ khác.
Mọi nỗ lực cứng rắn hơn với Trung Quốc sẽ được nhìn nhận tích cực tại Washington. Điều này được thúc đẩy bởi sự tự tin của Mỹ rằng, đại dịch Covid-19 sắp chấm dứt.
Một cựu nghị sĩ Mỹ từng nói: “Không khí chính trị ở Washington rất sôi động. Mọi người đều muốn tỏ ra cứng rắn”.
Tuy vậy, cách tiếp cận này có thể sẽ khiến nhiều nước châu Á không hài lòng.
Họ có thể cho rằng việc đẩy căng thẳng gia tăng giữa các cường quốc là hành động làm xao lãng khỏi việc đối phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden ít có khả năng sử dụng từ ngữ mạnh mẽ với Trung Quốc – như cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo từng gọi nước này là “bạo chúa mới” – cũng như các chính sách cứng rắn và khó đoán định đi kèm với đó.
Tuy vậy, thời kỳ trăng mật của Tổng thống Biden với Trung Quốc sắp chấm dứt.
Ông Biden phải quyết định xem chính sách với Trung Quốc cứng rắn đến mức độ nào, cũng như cách thuyết phục người Mỹ về tính đúng đắn của cách tiếp cận này.