Nhỏ Bình thường Lớn

Chông gai dưới thảm đỏ

Trên thực tế, trong chuyến công du châu Âu 8 ngày từ đầu tuần này, Tổng thống Pervez Musharraf sẽ phải đối mặt với những câu hỏi gai góc về cam kết chống các phần tử cực đoan sau vụ ám sát nhà lãnh đạo đối lập Benazir Bhutto cũng như về tiến triển chậm chạp của cuộc bầu cử dân chủ dự kiến tổ chức vào ngày 18/2 tới.

Mục đích của chuyến đi, theo Tổng thống Musharraf là nhằm cải thiện hình ảnh của đất nước Hồi giáo này. Theo lịch trình, sau khi dừng chân ở Brussels và Paris, ngày 24/1, ông sẽ đến Anh và Thụy Sĩ. Người đứng đầu Nhà nước Pakistan nói, trong cuộc hội đàm song phương với các nhà lãnh đạo bốn nước trên cũng như trong bài diễn văn về một loạt các vấn đề tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, ông tập trung làm sáng tỏ những nhận thức lệch lạc và nêu ra cách nhìn nhận đúng đắn về những diễn tiến ở Pakistan cũng như trong khu vực. Nhà phân tích quân sự Talat Masood đánh giá: “Ông Musharraf đang cố gắng tạo ra ấn tượng với các lãnh đạo ở châu Âu là mọi việc đều tốt đẹp ở Pakistan và tình hình không xấu như họ nghĩ. Ông Musharraf cũng muốn cho người Pakistan biết rằng về mặt quốc tế ông tiếp tục là người không thể thiếu được”.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, sự hiện diện của ông Musharraf ở châu Âu trong bối cảnh bạo lực gia tăng tại Pakistan vào dịp lễ hội linh thiêng Ashura của người Hồi giáo dòng Shiite đã được chào đón với một thái độ ủng hộ “dè dặt”. Mặc dù là đồng minh chủ chốt của Mỹ trong “cuộc chiến chống khủng bố”, song binh lính do NATO cầm đầu ở Afghanistan thường xuyên kêu ca rằng Tổng thống Musharraf đã không kiên quyết truy quét các chiến binh của Taliban đang ẩn náu ở Pakistan. Trong các cuộc gặp, Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt, đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Javier Solana và Tổng thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer đều đánh giá cao vai trò của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, sự ổn định của Afgahnistan song họ đòi hỏi cuộc bầu cử tới phải công bằng, hướng tới Chính phủ dân sự hợp pháp; bảo đảm thực thi luật pháp như thiết lập lại tự do pháp lý và khôi phục các luật sư, chấm dứt trói buộc các đảng chính trị và tự do báo chí.

Tại Paris, Tổng thống Nicolas Sarkozy, người mà Tổng thống Musharraf gọi là “người bạn lớn”, cũng nhấn mạnh đến mức độ cấp thiết của cuộc bầu cử được tiến hành trong những điều kiện tốt nhất, đặc biệt về phương diện tự do, đa đảng, minh bạch và an toàn. Tuy nhiên, theo ông chủ Điện Elyseé, việc tổ chức bầu cử là “câu trả lời duy nhất đối với chủ nghĩa khủng bố” và đảm bảo rằng “Pháp sẽ tiếp tục ủng hộ Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố”.

Tổng thống Musharraf cam kết bầu cử tháng tới sẽ diễn ra tự do, công bằng, đảm bảo các giám sát viên của các nước liên minh EU sẽ được vào để theo dõi tiến trình bầu cử, nhưng ông cũng thúc ép châu Âu hãy hiểu cho môi trường chính trị khó khăn của Pakistan và kiên nhẫn hơn về tiến trình dân chủ tại Pakistan. “Chúng tôi vì dân chủ, nhưng bản chất dân chủ hướng tới không giống như các bạn, và hãy cho chúng tôi thời gian”, ông nói.

Theo tờ Le Figaro, trên thực tế, chẳng ai có thể bị đánh lừa bởi những lời nói mập mờ của Tổng thống Musharraf. Tuy nhiên, do không còn lựa chọn nào khác nên ông Musharraf vẫn được xem là một đối tác không thể thay thế của Mỹ và các nước phương Tây trong cuộc chiến chống khủng bố, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Vinh Hà