Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla dự kiến thăm Nga từ ngày 17-18/2. (Nguồn: PTI) |
Nằm trong chương trình nghị sự của chuyến thăm kéo dài 2 ngày là việc hồi sinh Hành lang Hàng hải Chennai-Vladivostok, thúc đẩy các cuộc tiếp xúc cấp cao và tìm cách tăng thương mại song phương vốn đang ở mức 10-11 tỷ USD.
Ấn Độ và Nga đã ký bản ghi nhớ về việc mở tuyến hàng hải mới giữa thành phố Vladivostok của Nga ở vùng Viễn Đông và thành phố Chennai ở Ấn Độ vào tháng 9/2019. Tuyến hàng hải mới này sẽ đi qua Biển Đông, nơi New Delhi ủng hộ tự do hàng hải và phản đối mọi hành động đe dọa dùng vũ lực để giải quyết bất đồng.
Bí thư Đối ngoại Harsh Vardhan Shringla dự kiến thảo luận với những người đồng cấp Nga về khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên Ấn Độ-Nga tại Ấn Độ trong năm nay. Các quan chức hai bên cho biết cuộc gặp giữa Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Vladimir Putin không thể diễn ra vào năm 2020 do đại dịch covid-19.
Các vấn đề liên quan đến hội nghị thượng đỉnh BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) mà New Delhi đăng cai trong năm nay cũng dự kiến được nêu ra trong các cuộc gặp.
Chính vì thế, theo cựu Bí thư Đối ngoại Kanwal Sibal, chuyến thăm Nga của ông Shringla rất quan trọng vì tiếp tục “giữ lửa” cho “các cuộc tiếp xúc ở cấp cao của chính phủ đi đúng hướng”.
Nhà ngoại giao kỳ cựu Kanwal Sibal nhận định, các cuộc gặp của ông Shringla với những người đồng cấp Nga cũng gửi một tín hiệu rằng mối quan hệ của New Delhi với Moscow độc lập với mối quan hệ với Washington và vì lợi ích quốc gia của Ấn Độ.
Tin liên quan |
Ấn Độ-Nga: Khi sự đặc quyền vượt ngoài tầm tay của 'người chồng ghen tuông' |
Đầu tư song phương giữa Ấn Độ và Nga đã chạm ngưỡng 30 tỷ USD với các dự án trong lĩnh vực dầu khí, nhưng thương mại hai chiều đã giảm xuống chỉ ở mức 10-11 tỷ USD, theo số liệu của chính phủ Ấn Độ.
Các nhà phân tích như ông Sibal cho rằng lý do chính khiến thương mại đình trệ là sự không mặn mà của khu vực tư nhân Ấn Độ, cơ cấu nền kinh tế Nga và thiếu thông tin về tiềm năng của hai thị trường.
Những người trong ngành này cho hay, trở ngại còn nằm ở các tuyến đường thương mại quá dài. Chẳng hạn tuyến đường hiện nay từ Mumbai đến cảng St Petersburg của Nga trên bờ biển Baltic đi mất khoảng 40 ngày với rất nhiều vấn đề phức tạp.
Trong khi đó, một tuyến đường ngắn hơn qua cảng Chabahar vẫn còn dang dở do các lệnh trừng phạt của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đối với Iran.
Với việc Mỹ có chính quyền mới, Tập đoàn Container của Ấn Độ (Concor) và Đường sắt Nga đang tìm cách khởi động hoạt động thương mại vào cuối tháng 2 thông qua Hành lang vận tải Bắc Nam quốc tế (INSTC) - một mạng lưới các tuyến đường thủy, đường bộ và đường sắt dài 7.200 km trải qua 13 quốc gia, trong đó có Ấn Độ, Iran, Afghanistan, Armenia, Azerbaijan và Nga.