Covid-19: Mỹ chiếm 1/5 tổng ca nhiễm thế giới; 5 điểm nóng Châu Âu; Trung Quốc sẵn sàng hợp tác phát triển vaccine |
Mỹ là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất với tổng số ca nhiễm chiếm 1/5 tổng số ca nhiễm toàn thế giới (hơn 12 triệu ca) và 261.760 ca tử vong. Sau Mỹ là Ấn Độ với 9.095.908 ca nhiễm và 133.263 ca tử vong. Brazil đứng thứ 3 với 6.052.786 ca nhiễm và 169.016 ca tử vong.
Đáng chú ý là điểm nóng châu Âu, nơi có tới 5 quốc gia đứng ở vị trí từ 4-8 thế giới, lần lượt gồm Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Anh và Italy. Trong đó, tổng số ca nhiễm tại Pháp đã vượt 2 triệu (2.127.051 ca), tuy nhiên số ca tử vong cao nhất châu Âu là ở Anh, nơi Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 54.626 người.
Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới cao nhất được ghi nhận ở Italy với 34.767 ca, tiếp đó là Nga với 24.822 ca, Ba Lan với 24.213 ca. Tổng số ca nhiễm trên toàn châu lục này hiện là 15.450.449 ca.
Tuy nhiên, nếu xét tổng số ca nhiễm thì châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất, với 15.679.996 ca. Riêng Ấn Độ đã ghi nhận 9.095.908 ca, sau khi có tới 45.295 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Sau Ấn Độ là Iran, với 841.308 ca nhiễm và 44.327 ca tử vong.
Trong khu vực này, các nước Iraq, Indonesia, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ và Philippines đã ghi nhận trên 410.000 ca nhiễm, trong đó Indonesia có nhiều ca tử vong nhất, với 15.774 ca, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq đã có trên 11.000 ca. Oman, Brunei, Timor Leste và Lào trong 24 giờ qua không ghi nhận ca nhiễm mới.
Tại Bắc Mỹ, ngoài Mỹ, Mexico cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch, khi số ca nhiễm đã vượt 1 triệu người, sau khi ghi nhận 6.426 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Số ca tử vong tại Mexico đã lên tới 100.823 ca.
Canada đã ghi nhận 325.711 ca nhiễm, trong khi các nước khác trong khu vực như Panama, CH Dominica, Costa Rica, Guatemala và Honduras đều ghi nhận trên 100.000 ca nhiễm.
Tại Nam Mỹ, sau Brazil, các nước Argentina, Colombia đã ghi nhận hơn 1,2 triệu ca nhiễm và hơn 35.000 ca tử vong. Tại Peru, dù số ca nhiễm ít hơn nhưng tỷ lệ tử vong cao hơn. Hiện dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 35.500 người tại Peru. Toàn khu vực đã ghi nhận 10.676.271 ca nhiễm và 316.556 ca tử vong.
Châu Phi đã ghi nhận tổng cộng 2.069.852 ca nhiễm. Trong đó, Nam Phi đã ghi nhận 756.409 ca; Maroc ghi nhận 320.962 ca. Các nước Ai Cập và Ethiopia đều trên 100.000 ca nhiễm.
Số ca tử vong tại Nam Phi là 20.845 ca, cũng vượt xa các nước còn lại trong khu vực. Trong 24 giờ qua, Maroc ghi nhận nhiều ca nhiễm mới nhất, với 4.702 ca.
* Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) từ Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi thế giới nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hơn trong cuộc chiến chống Covid-19, trong đó có việc phân bổ vaccine phòng ngừa Covid-19.
Bà Merkel nhấn mạnh chỉ với nỗ lực toàn cầu, thế giới mới có thể vượt qua được những thách thức lớn như đại dịch COVID-19. Để có thể kiểm soát đại dịch, cần tạo điều kiện để mọi quốc gia đều có thể tiếp cận vaccine với mức giá phải chăng. Bà kêu gọi củng cố Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và hỗ trợ thêm cho sáng kiến tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) của Liên hợp quốc.
* Bồ Đào Nha cấm tự do đi lại giữa các thành phố trong 2 ngày lễ, Anh chuẩn bị dỡ bỏ phong tỏa vùng England
Ngày 21/11, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa đã công bố lệnh cấm tự do đi lại giữa các thành phố trong 2 ngày lễ sắp tới ở nước này là Ngày Khôi phục độc lập (1/12) và Ngày của Mẹ (8/12).
Lệnh cấm tự do đi lại có hiệu lực từ ngày 28/11 đến ngày 2/12 và từ ngày 4/12 đến ngày 9/12, nằm trong số một loạt biện pháp mới trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp mà Chính phủ Bồ Đào Nha dự kiến khôi phục và có hiệu lực từ ngày 2411 tới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Trong số các biện pháp mới có quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi làm việc, đình chỉ mọi hoạt động giảng dạy vào ngày 30/11 và 7/12, trước thềm 2 ngày lễ trên.
Cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Anh thông báo Thủ tướng Boris Johnson sẽ xác nhận lệnh phong tỏa trên khắp vùng England chấm dứt vào ngày 2/12.
Theo tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Anh, sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, Chính phủ sẽ áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế gồm 3 cấp tại England trong khuôn khổ "Kế hoạch phòng Covid-19 mùa Đông". Thông báo chính thức sẽ được công bố vào ngày 23/11.
Đầu tháng này, Anh đã áp đặt lệnh phong tỏa trong 4 tuần tại vùng England nhằm đối phó với làn sóng dịch bệnh thứ hai. Theo đó, người dân phải ở trong nhà, các cơ sở kinh doanh đều phải đóng cửa. Lệnh phong tỏa này theo kế hoạch có hiệu lực đến hết ngày 2/12./.
* Iran phát tiền mặt hỗ trợ người dân
Chính phủ Iran ngày 21/11 đã khởi động một kế hoạch phân phát tiền mặt trên quy mô lớn cho gần 30 triệu người dân nước này trong 4 tháng tới.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết 29,7 triệu người dân sẽ nhận được khoản tiền mặt trực tiếp hàng tháng trị giá 1 triệu Rial (tương đương 24 USD theo tỷ giá hối đoái chính thức) cho đến cuối niên lịch hiện tại của nước này vào cuối tháng 3 tới. Hình thức này được áp dụng theo kiểu trợ cấp không hoàn lại và sẽ đi kèm với khoản vay trị giá 10 triệu rial sẽ được giải ngân cho 10 triệu hộ gia đình không có thu nhập cố định hàng tháng.
Kế hoạch giải cứu này, được công bố vào ngày đầu tiên của giai đoạn đóng cửa và hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp cũng như hoạt động đi lại trong thời gian 2 tuần, được triển khai giữa lúc chính phủ Iran cũng đang phải vật lộn nhằm kiềm chế tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 trên khắp cả nước. Các cửa hàng và nhà máy sẽ đóng cửa trong thời gian này trong khi việc di chuyển giữa hơn 150 thành phố sẽ bị hạn chế chặt chẽ.
* Trung Quốc sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác phát triển vaccine
Ngày 21/11, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước khác trong việc nghiên cứu và phát triển, sản xuất và phân phối vaccine. Trung Quốc sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết, giúp đỡ và hỗ trợ các nước đang phát triển, đồng thời nỗ lực để biến các loại vaccine trở thành hàng hóa mà người dân ở mọi quốc gia đều có thể sử dụng và có thể chi trả.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng kêu gọi phối hợp các chính sách quốc tế chặt chẽ hơn để thiết lập các "tuyến đường ưu tiên" tạo thuận lợi cho hoạt động đi lại có trật tự toàn cầu. Với ý tưởng đó, ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ đề xuất tạo ra một cơ chế để các kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của hành khách được công nhận ở cấp quốc tế thông qua các mã số y tế.
Hiện các công ty dược phẩm và trung tâm nghiên cứu trên khắp thế giới đang nỗ lực phát triển các vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng với các cuộc thử nghiệm một số loại vaccine có sự tham gia của hàng vạn người. Trung Quốc có 5 vaccine tiềm năng, do nước này tự bào chế và đang trong quá trình thử nghiệm Giai đoạn 3.
| Vaccine Covid-19: Làm sao để thay đổi suy nghĩ những người anti-vaccine? TGVN. Phần lớn mọi người đang mong chờ được tiêm vaccine Covid-19 nhưng không phải ai cũng sẵn sàng cho điều này, nhất là những ... |
| Thủ tướng Đức kêu gọi thế giới nỗ lực chống Covid-19 TGVN. Ngày 21/11 tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) từ Berlin, Thủ tướng Đức Angela ... |
| TGVN. Giá vàng trong nước và thế giới kết thúc tuần bằng phiên giao dịch tương đối tích cực. Dù vừa phải trải qua một ... |