📞

Cuba, khởi đầu và nòng cốt trong quan hệ Việt Nam - Mỹ Latinh

15:09 | 03/07/2012
Trong hai ngày 05 và 06/7/2012, Việt Nam tổ chức Diễn đàn Việt Nam - Mỹ Latinh về thương mại và đầu tư, một cột mốc đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ về quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ Latinh trên tất cả các lĩnh vực.

Sự kiện này có điểm xuất phát từ 52 năm trước đây, cũng tại Hà Nội, ngày 02/12/1960, với sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Nguyễn Khang và Thứ trưởng Ngoại giao Cuba Hector Rodriguez Llompart đã ký Thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao và Hiệp định thương mại, hợp tác văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa hai nước. Cuba trở thành quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và đây là văn bản pháp lý đầu tiên về thương mại mà Việt Nam ký với một nước Mỹ Latinh.

52 năm qua, mối quan hệ Việt Nam - Cuba ngày càng phát triển và củng cố, trở thành mẫu mực về mối quan hệ giữa hai nước trên cơ sở đoàn kết, tin cậy lẫn nhau và hợp tác toàn diện. Những biểu hiện cao đẹp của mối quan hệ này là phát biểu bất hủ của Lãnh tụ Fidel Castro "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình" và hình ảnh nhân dân Việt Nam sẵn sàng chia sẻ hạt gạo của mình với nhân dân Cuba anh em vào những năm 90 của thế kỷ trước.

Bất chấp xa xôi về địa lý và bao vây cấm vận, hai nước vẫn duy trì trao đổi thương mại khoảng 300 triệu USD. Việt Nam xuất sang Cuba chủ yếu là gạo, than đá, máy tính, thiết bị điện tử và điện gia dụng và nhập từ Cuba chủ yếu là dược phẩm, sản phẩm công nghệ sinh học, dịch vụ tư vấn xây dựng. Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã hoàn thành 3 giai đoạn hợp tác với Cuba về kỹ thuật trồng lúa hộ gia đình và hợp tác xã và đang triển khai giai đoạn 4 tới năm 2015 nhằm nâng cao năng suất lúa ở Cuba, đi đến tự túc được lúa gạo. Tuy nhiên, hai bên đều nhận thức là mức độ quan hệ thương mại kinh tế Việt Nam - Cuba còn khiêm tốn và còn tiềm năng và lợi thế cần được chủ động xác định và khai thác.

Tháng 4 năm 2011, Đại hội VI Đảng Cộng sản Cuba đã thông qua Đường lối chính sách kinh tế - xã hội gồm 313 điểm theo hướng giải phóng lực lượng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế của tất cả các thành phần kinh tế Cuba. Tháng 1/2011, Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định đẩy mạnh đổi mới và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh". Đây là những tiền đề chính trị hết sức thuận lợi, tạo đà và định hướng cho việc phát triển quan hệ giữa Việt Nam với Cuba nói riêng và giữa Việt Nam với Mỹ Latinh nói chung. Đúng như Tuyên bố chung Việt Nam - Cuba ra ngày 13/4/2012 sau chuyến thăm hữu nghị chính thức Cuba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: "Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng trước sự phát triển của quan hệ song phương; nhất trí tiếp tục củng cố quan hệ chính trị; tăng cường trao đổi kinh nghiệm thực tiễn và lý luận về các vấn đề cùng quan tâm; phát huy tiềm năng của mỗi nước để mở rộng và đa dạng hoá hợp tác song phương trên các lĩnh vực khác nhau; tìm kiếm các cơ chế để thúc đẩy hợp tác."

Để phát triển quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Cuba, cũng như giữa Việt Nam với các nước Mỹ Latinh khác, không thể có nhân tố "địa lợi", vậy để có thể thành công cần phải triệt để khai thác yếu tố "thiên thời" trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, và yếu tố "nhân hòa" vốn có trong lòng nhân dân. Chúc Diễn đàn Việt Nam - Mỹ Latinh lần đầu tiên này trở thành đột phá trong cơ chế tranh thủ và phát huy tiềm năng song phương và đa phương, vì sự phát triển bền vững và phồn vinh của tất cả các nước tham dự.

Với bề dày của 52 năm quan hệ đoàn kết, trong sáng, thủy chung, Việt Nam và Cuba chắc chắn sẽ tăng cường quan hệ song phương trong thời kỳ mới, đồng thời phát huy được vai trò tích cực, chủ động trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Cộng đồng các Nhà nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), cũng như tại Diễn đàn hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh (FEALAC).

Ông Vũ Chí CôngĐại sứ Việt Nam tại Cuba