Là tác giả của cuốn sách “Các siêu cường về Trí tuệ nhân tạo: Trung Quốc, Thung lũng Silicon và Trật tự thế giới mới”, cựu Chủ tịch Google China Kai-Fu Lee cho rằng, lần đầu tiên kể từ cách mạng công nghiệp, Trung Quốc sẽ đi đầu trong cuộc chuyển đổi kinh tế to lớn - cuộc cách mạng về trí tuệ nhân tạo.
Đề cập đến những lợi thế của Trung Quốc trong cuộc chạy đua về trí tuệ nhân tạo với Mỹ, cựu Chủ tịch Lee nhận định, mặc dù Bắc Kinh không dẫn đầu trong những phát minh cơ bản về đổi mới sáng tạo, cường quốc thứ hai thế giới này lại có nhiều điểm mạnh trong việc triển khai thực hiện.
Thứ nhất, công trình nghiên cứu của các chuyên gia hàng đầu về AI đều có sẵn trên mạng Internet. Internet là công cụ siêu hạng để lan tỏa những đột phá về trí tuệ, kể cả những phát minh về Trí tuệ nhân tạo.
Cựu Chủ tịch Google China Kai-Fu Lee là tác giả của cuốn sách “Các siêu cường về Trí tuệ nhân tạo: Trung Quốc, Thung lũng Silicon và Trật tự thế giới mới”. (Nguồn: Google China) |
Thứ hai, nền kinh tế siêu cạnh tranh và đậm chất kinh doanh của Trung Quốc đang được vận hành theo phương châm của nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg: “chuyển động nhanh và phá vỡ mọi thứ”. Cựu Chủ tịch đứng đầu Google China mô tả về một thế giới của những hoạt động kinh doanh “cắt cổ” và sự bắt chước tàn nhẫn, nhờ đó các doanh nghiệp Trung Quốc đã đánh bại các đối thủ hàng đầu của phương Tây trên thị trường nội địa của mình. Ông Lee cho rằng phương pháp “thử và sai” liên tục của mô hình kinh doanh kiểu Trung Quốc rất phù hợp để thu được những thành quả của Trí tuệ nhân tạo trong toàn bộ nền kinh tế.
Thứ ba, ở các khu dân cư đô thị đông đúc của Trung Quốc, nhu cầu về chuyển nhận hàng hóa và các dịch vụ khác rất lớn. Ông Lee cho rằng “các công ty khởi nghiệp của Mỹ thích bám sát những gì họ biết như xây dựng các nền tảng kỹ thuật số ‘sạch’ nhằm thúc đẩy thuận lợi việc trao đổi thông tin”. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc lại “làm cho đôi tay mình bị vấy bẩn” bằng cách tích hợp thế giới ảo với thế giới thực.
Thứ tư, sự lạc hậu của Trung Quốc cho phép các doanh nghiệp có bước nhảy vọt trong các dịch vụ hiện tại. Vì thế, Trung Quốc đã có thể xâm nhập vào luôn các hệ thống thanh toán kỹ thuật số phổ quát, trong khi các doanh nghiệp phương Tây vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu.
Trí tuệ nhân tạo và blockchain được dự đoán sẽ phát triển mạnh mẽ từ năm 2019. (Nguồn: VOV.VN) |
Thứ năm, Trung Quốc có quy mô kinh tế lớn với số người sử dụng Internet nhiều hơn cả Mỹ và châu Âu cộng lại. Nếu dữ liệu thực sự là nhiên liệu của cuộc cách mạng Trí tuệ nhân tạo thì Trung Quốc là nước sở hữu nhiều dữ liệu hơn bất cứ nước nào khác.
Thứ sáu, Trung Quốc có một Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ. Cựu Chủ tịch 54 tuổi trích dẫn lời Thủ tướng Lý Khắc Cường năm 2014 kêu gọi “tinh thần kinh doanh và đổi mới sáng tạo đồng loạt”. Báo cáo nghiên cứu “Giải mã Giấc mơ Trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc” của chuyên gia Jeffrey Ding thuộc Đại học Oxford đã dẫn chiếu Chiến lược quốc gia về phát triển Trí tuệ nhân tạo của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc có những mục tiêu đầy tham vọng và sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đạt được những mục tiêu đó. Một trong những điều Trung Quốc có thể làm dễ dàng hơn bất kỳ nơi nào khác là xây dựng cơ sở hạ tầng bổ sung.
Cuối cùng, nhà sáng lập Google China viết rằng so với phương Tây, người dân Trung Quốc thoải mái hơn rất nhiều về các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không cần phải biện minh cho quyền riêng tư cá nhân (ngoại trừ cho chính bản thân họ).