Ông Daniel Russel cho rằng, hành vi của Trung Quốc trở nên đáng lo ngại hơn nhiều sau khi Bắc Kinh bắt đầu tin Mỹ đang yếu đi. (Nguồn: Viện Hoà bình Mỹ) |
Góc nhìn của ông Daniel Russel
So sánh cách nhìn nhận Trung Quốc bây giờ và 50 năm trước, cựu Trợ lý Daniel Russel đã đưa ra một số đánh giá.
Thứ nhất, Mỹ không nhằm mục tiêu và không nên tìm cách thay đổi chế độ tại Trung Quốc như đã từng làm với đối thủ thời Chiến tranh Lạnh.
Điều này vừa “không thực tế, không khôn ngoan”, vừa tiềm ẩn nhiều hệ lụy mang tính “thảm họa”.
Thứ hai, Mỹ cần giữ khoảng cách sức mạnh với Trung Quốc để đảm bảo quan hệ ổn định – điều đã được minh chứng trong lịch sử.
Tuy nhiên, ông Russel nhấn mạnh, Mỹ không duy trì khoảng cách với Trung Quốc không phải bằng cách làm suy yếu, cô lập hay kiềm chế nước này giống như cách tiếp cận của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh với Liên Xô.
Thay vào đó, Washington nên tăng cường sức mạnh nội lực và thắt chặt quan hệ với hệ thống đồng minh - đối tác.
Ngoài ra, Mỹ phải củng cố vai trò lãnh đạo trong việc định hình quan hệ quốc tế, đặt ra luật lệ và không được từ bỏ chuẩn mực cao về giá trị vì giá trị giúp Mỹ phát huy sức mạnh mềm.
Mỹ vẫn nên “can dự” vào Trung Quốc, nhưng không nên tránh đối đầu hay ủng hộ Trung Quốc phát triển như xưa.
Vì hiện nay, Trung Quốc đã có sức mạnh đáng kể và hành xử ngày một mạnh mẽ, thách thức vị trí lãnh đạo của Mỹ, cũng như hệ thống chuẩn mực toàn cầu.
Thứ ba, tam giác quan hệ Mỹ-Nga-Trung hiện nay khác với tam giác Mỹ-Xô-Trung thời Chiến tranh Lạnh do nhiều yếu tố: sự phụ thuộc kinh tế Mỹ-Trung quá lớn, không tách biệt như Mỹ-Xô ngày trước; Nga và Trung Quốc hợp tác chặt chẽ hơn, chứ không ở thế đối đầu như thập niên 70; và Nga hiện nay tương đối yếu, trong khi Trung Quốc đã quá hội nhập với hệ thống phương Tây.
Do đó, Mỹ sẽ không có cách nào thay đổi “căn bản” được tam giác quan hệ Mỹ-Nga-Trung hiện nay như bộ đôi Tổng thống Richard Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger đã làm 50 năm trước.
Thứ tư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không giống các lãnh đạo trước, không theo đuổi kế “giấu mình chờ thời”, mà mang tính dân tộc hơn, tính ý thức hệ nhiều hơn.
Ông Russel cho rằng, ông Tập đại diện cho tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc có niềm tin rằng, càng nhiều quyền kiểm soát càng có lợi và tự do hóa chính trị sẽ là thảm họa cho Trung Quốc.
Một số nhận xét
Từ những chia sẻ trên có thể thấy, dù tham gia vào chính sách “lôi kéo” Trung Quốc dưới thời Tổng thống Barack Obama, cựu Trợ lý Daniel Russel có vẻ như ngả về cách tiếp cận mang tính cạnh tranh chiến lược nhiều hơn.
Đây cũng là thay đổi rõ nét trong chính sách với Trung Quốc của Mỹ kể từ năm 2016.
Nếu như Mỹ giai đoạn đầu thời Obama tìm cách giúp Trung Quốc hội nhập với hy vọng Trung Quốc sẽ mở cửa cho tự do hóa chính trị, chính quyền của Tổng thống Donald Trump từ rất sớm đã coi Trung Quốc là “đối thủ” ngang bằng với Nga – điều được khẳng định trong bản Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ năm 2017.
Trong khi đó, từ những tháng đầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden, Mỹ tiếp tục xu hướng này khi khẳng định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất”.
Nhận định của ông Russel cũng mang màu sắc chủ nghĩa hiện thực nhiều hơn trước.
Niềm tin Trung Quốc sẽ phải tự do hóa do phụ thuộc kinh tế lẫn nhau thời ông Russel còn làm Trợ lý Ngoại trưởng cho ông Obama được cho là thiên về chủ nghĩa tự do trong quan hệ quốc tế hơn.
Kiến nghị Mỹ giữ khoảng cách về sức mạnh đủ lớn để Trung Quốc phải tự điều chỉnh mình của ông Russel dựa trên lập luận về “cân bằng quyền lực” và “ổn định bá quyền” của chủ nghĩa hiện thực.
Có lẽ, chính nhà nghiên cứ 67 tuổi cũng nhận thấy rõ những điểm yếu của cách tiếp cận trước đây.
Ngoài ra, quan điểm rằng Mỹ không nên cạnh tranh bằng cách cô lập hay làm suy yếu Trung Quốc phần nào có nét tương tự chính sách “vừa hợp tác vừa cạnh tranh” của chính quyền Tổng thống Biden.
Chính Mỹ cũng nhận thấy vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, chống dịch bệnh, chống phổ biến hạt nhân… nên phương án cô lập Trung Quốc không hề khả thi.
Tuy nhiên, ông Russel không nhắc đến thực tế rằng: Trung Quốc hiện đã vượt Mỹ trong một vài chỉ số kinh tế và quân sự, khiến việc cô lập hay làm suy yếu Bắc Kinh khó khăn hơn trước.
Cụ thể, về kinh tế, nếu so sánh GDP bằng sức mua tương đương (PPP), Mỹ đã mất vị trí số một từ năm 2013. Các dự báo uy tín đều cho rằng, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về GDP vào giai đoạn 2028-2030.
Về quân sự, Trung Quốc năm 2020 đã có lực lượng bộ binh lớn nhất thế giới với 915.000 quân sĩ chưa tính dự bị và lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với khoảng 350 tàu chiến và tàu ngầm. Dữ liệu này lớn hơn rất nhiều so với con số 293 của Mỹ…
Về quan hệ Mỹ-Trung-Nga, ông Russel có lý khi nhận định Mỹ khó lòng tác động vào “tam giác” này như thời Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, cựu Trợ lý không nhắc đến khả năng Trung và Nga vẫn có thể gây sức ép lên Mỹ cùng một lúc dù Nga có suy yếu, tại hai địa bàn khác nhau là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu.
Quan hệ Trung-Nga, dù không phải đối tác “tự nhiên” như nhiều ý kiến, vẫn ngày một khăng khít. Trong chuyến thăm Nga của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì hồi tháng 5/2021, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh quan hệ song phương đang đạt mức “tốt nhất trong lịch sử”.
*Daniel Russel hiện là Chủ tịch Viện nghiên cứu Asia Society. Ông là một nhà ngoại giao người Mỹ, từng là Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương từ năm 2013 đến năm 2017.