📞

Đại dịch nCoV có thể gây tổn hại cho Trung Quốc đến mức nào?

17:25 | 07/02/2020
TGVN. Trước tình hình dịch bệnh do chủng virus corona mới (nCoV) đang ngày càng lây lan nhanh chóng và có thể đạt đỉnh vào tháng này, tờ The Diplomat nhận định, hậu quả về địa chính trị cũng như kinh tế của đại dịch sẽ vô cùng lớn.    
Ngành du lịch Trung Quốc sẽ là "nạn nhân" đầu tiên, chịu thiệt hại nặng nề nhất. (Nguồn: The Guardian)

GDP Trung Quốc giảm từ 0,5-1%

Theo tờ The Diplomat, Vũ Hán được ví như trái tim của kỹ nghệ Trung Quốc hay còn gọi là Thung lũng Silicon của Trung Quốc. Vì vậy, tác động đối với kinh tế quốc gia và thế giới được dự báo sẽ không nhỏ nếu thành phố này bị đóng cửa trong nhiều tuần lễ.

Nếu Bắc Kinh sớm đẩy lùi được dịch bệnh, thiệt hại có thể giảm đi. Tuy nhiên, theo ông Andrew Milligan, phụ trách chiến lược toàn cầu của Công ty Aberdeen Standard Investments, ngay cả khi chính quyền ngăn chặn được nạn dịch, vẫn sẽ có cú sốc kinh tế trong ngắn hạn. Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng các nhà đầu tư ngắn hạn có thể bị tác động tiêu cực về chính trị và kinh tế từ virus corona mới (nCoV).

Trường hợp Tập đoàn Alibaba là một ví dụ điển hình. Alibaba là biểu tượng cho một Trung Quốc siêu cường, đồng nghĩa với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Đáng buồn cho Alibaba, dường như virus corona đang tấn công vào chính bản sắc của tập đoàn này. Tại nhiều quốc gia, người mua chia sẻ sự băn khoăn khi nhận các kiện hàng từ Trung Quốc, trong đó có Alibaba. Cổ phiếu của Alibaba bỗng trượt dốc không phanh.

Economist Intelligence Unit (EIU) – cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc tạp chí The Economist ước tính, virus corona mới có thể làm GDP Trung Quốc giảm từ 0,5 đến 1%.

Các “nạn nhân” đầu tiên và chịu thiệt hại nặng nề nhất là các công ty hàng không và du lịch. Tuy nhiên một số lĩnh vực như dược phẩm, thương mại điện tử và tự động hóa có thể hưởng lợi. Theo EIU, nếu dịch corona tương đương với SARS, tốc độ tăng trưởng GDP Trung Quốc có thể sẽ chỉ còn 4,9%.

Sức mạnh mềm suy yếu

Tuy nhiên, tờ The Diplomat nhận định, sẽ có những hậu quả còn lớn hơn cả doanh thu bị mất.

Từ năm 2010, Trung Quốc bắt đầu chú trọng việc tạo uy tín quốc tế với quyền lực mềm, nhất là trong giáo dục, tìm cách thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Bắc Kinh đã nỗ lực thay đổi hình ảnh, mời nhiều sinh viên và chuyên gia nước ngoài tài năng về học và làm việc.

Năm 2017-2018, chưa đến 12.000 sinh viên Mỹ tại Trung Quốc (kể cả 1.000 tại Vũ Hán), trong khi hơn 360.000 sinh viên Trung Quốc du học tại Mỹ. Năm 2019, có 21.000 sinh viên Mỹ, 20.000 từ Nga, 10.600 từ Pháp và 14.200 sinh viên từ Nhật đến Trung Quốc du học. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, riêng tại Hồ Bắc đã có 21.371 sinh viên nước ngoài.

Giờ đây, việc Trung Quốc thu hút nhân tài từ nước ngoài trong suốt một thập kỷ qua có thể “tan thành mây khói” khi một loạt nước châu Âu và Bắc Mỹ tiến hành đưa công dân rời khỏi Vũ Hán, nơi “tâm bão” của dịch bệnh. Nếu virus corona lan rộng, sẽ có thêm nhiều chuyến bay di tản với quy mô chưa từng thấy, đặc biệt từ các nước phương Tây.

Thuyết âm mưu gia tăng

Dịch bệnh do virus corona đang lan nhanh trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và nền kinh tế Trung Quốc đi xuống. Để đối phó với những thách thức bủa vây, Trung Quốc cần huy động nguồn lực của toàn quốc và nhân lực của 1,4 tỉ người.

Việc tập trung nguồn lực chống dịch bệnh có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng “ngủ đông”, thậm chí phải tạm thời rút khỏi chính trị thế giới nếu cần thiết. Hậu quả về địa chính trị và kinh tế là rất lớn trong tương lai gần

Mỹ được cho sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất khi kinh tế Trung Quốc tiếp tục đi xuống. Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tạm thời cán cân sức mạnh đang nghiêng về phía Mỹ.

Đã xuất hiện những ý kiến cho rằng nCoV do con người tạo ra nhằm gây tổn hại cho Trung Quốc, và các thuyết âm mưu như vậy sẽ tiếp tục gia tăng.

Để đối phó với những thách thức bủa vây, Trung Quốc cần huy động nguồn lực của toàn quốc và nhân lực của 1,4 tỉ người. (Nguồn: Reuters)

Các thuyết âm mưu tương tự như vậy không có gì là mới khi một đại tá không quân Trung Quốc từng cáo buộc Chính phủ Mỹ phát tán virus cúm gia cầm H7N9 vào Trung Quốc để tiến hành chiến tranh sinh học.

Một phiên bản đối lập của thuyết âm mưu này đang được lan truyền trên mạng xã hội – nCoV do một “chương trình vũ khí sinh học bí mật” của Trung Quốc hay Viện virus học Vũ Hán tạo ra.

Những thuyết âm mưu như vậy nghe có vẻ lố bịch nhưng nếu nCoV gây hại chủ yếu cho Trung Quốc, Bắc Kinh có lẽ sẽ không chấp nhận rằng đó là một sự kiện ngẫu nhiên. Và nếu Trung Quốc vượt qua thách thức lần này, nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ phát triển mạnh hơn và vững chắc hơn trước đây.

Trong khi đó, phần còn lại của thế giới đang đối phó với làn sóng tẩy chay Trung Quốc cũng như các nước Đông Á khác đang gia tăng. Các phương tiện truyền thông đưa rất nhiều thông tin về phản ứng quyết liệt của người dân các nước đối với người Trung Quốc và người nước ngoài gốc Trung Quốc (người Canada, Pháp, Mỹ…).

Rõ ràng là giờ đây, nếu nCoV không được ngăn chặn, thế giới có thể sẽ chứng kiến một làn sóng tẩy chay Trung Quốc lớn hơn.

Thậm chí, ngay cả khi nCoV được ngăn chặn ở phần còn lại của thế giới thì nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ “hắt hơi” và “sổ mũi” cùng với Trung Quốc.

(theo The Diplomat)