Học ngôn ngữ Tây Ban Nha ở Cuba từ những năm đầu thập kỷ 1970, phần lớn thời gian công tác ở Vụ châu Mỹ - Bộ Ngoại giao với hai nhiệm kỳ Đại sứ ở Chile (2003-2007) và Argentina (2010-2013), nhà ngoại giao Nguyễn Văn Đào luôn trăn trở làm thế nào để đưa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè châu Mỹ.
“Nghề ngoại giao là nghề quảng bá. Mỗi khi bắt đầu một nhiệm kỳ công tác ở nước ngoài, tôi luôn xác định nhiệm vụ quan trọng bậc nhất là xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước”, theo lời Đại sứ Nguyễn Văn Đào.
Với ông, hoạt động quảng bá đất nước ở những nơi ông công tác không chỉ nhằm củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống được vun đắp trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn mở ra các cơ hội để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, góp phần vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Đại sứ Nguyễn Văn Đào trình Quốc thư lên Tổng thống Chile Ricardo Lagos, tháng 11/2003 (Ảnh: NVCC) |
Đối thoại… đừng độc thoại
Có nhiều cách để giới thiệu hình ảnh đất nước, nhưng với Đại sứ Nguyễn Văn Đào, người làm công tác ngoại giao phải luôn chủ động và sáng tạo trong cách quảng bá. Quốc gia nào trên thế giới cũng có những vẻ đẹp riêng và người dân nước nào cũng có niềm tự hào về quê hương, đất nước họ. Bởi vậy, để người ta thấy được vẻ đẹp, tiềm năng của đất nước mình thì cần có nghệ thuật quảng bá.
“Để người ta yêu mình thì mình phải chủ động đến với người ta, không ngại tiếp xúc, tích cực gặp gỡ, trao đổi”, ông Đào nói. Nhưng điều quan trọng nữa là phải hiểu được “đặc tính, con người vùng đất đó”.
Đại sứ chia sẻ, "trong khi người châu Á có xu hướng khiêm nhường, kín đáo thì người Mỹ Latinh thường sôi nổi, hùng biện tốt và không ngại phản biện. Do đó, đi nói chuyện, giảng bài mà rút giấy ra đọc coi như… hỏng”.
Bản thân ông không ít lần gặp tình huống như thế. Có những cuộc gặp gỡ, trong khi chủ tọa say sưa trình bày thì cử tọa ở dưới nói chuyện, cười đùa. Đến khi chủ tọa nói xong thì những người tham dự mới bắt đầu giao lưu và… phản biện.
Không có cách nào khác, theo Đại sứ Đào thì đừng để người nghe cảm giác mình đang đọc bài phát biểu mà biến đó thành một cuộc đối thoại. Tương tác ngay từ đầu, kéo người nghe vào chủ đề mình muốn trao đổi một cách vừa nghiêm túc, vừa hài hước sẽ là khởi đầu cho một buổi nói chuyện hiệu quả cao.
Thực tế có lần, sau một sự kiện, Đại sứ Đào phát biểu vo và giao lưu với công chúng. Khi trở về, một tháng sau, có người bạn gửi đến một ấn phẩm trong đó in nguyên văn bài phát biểu vo của Đại sứ, kể cả những đoạn hài hước với mọi người.
“Đọc lại ấn phẩm, may quá, không có sai sót gì, lại thấy vui vui. Tuy nhiên, từ đó càng thấm thía một điều: muốn ra trận, đánh như chơi, thì ở nhà phải chuẩn bị hơn cả thật. Có vậy mới thành công được”, Đại sứ Nguyễn Văn Đào nói.
“Tôi chỉ nói sự thật”
"Để thuyết phục người nghe, không thể đơn thuần kêu gọi người nghe ủng hộ vấn đề mình đưa ra mà để họ thực sự hiểu được bản chất câu chuyện". (Đại sứ Nguyễn Văn Đào) |
Luôn đặt mình vào vị thế của người nghe để tìm cách chuyển tải thông điệp một cách tốt nhất là một trong những bí quyết của Đại sứ Nguyễn Văn Đào. Có những vấn đề khi trình bày, người nói cũng phải tìm hiểu qua nhiều nguồn thông tin, tư liệu trong một thời gian dài. Có những vấn đề chuyên sâu, cả cử tọa đông người có khi chỉ 1-2 chuyên gia nắm rõ. Để thuyết phục người nghe, không thể đơn thuần kêu gọi người nghe ủng hộ vấn đề mình đưa ra mà để họ thực sự hiểu được bản chất câu chuyện.
Đại sứ Nguyễn Văn Đào đơn cử ví dụ, trong một lần trình bày trước các quan chức, học giả, sinh viên người Argentina và ngoại giao đoàn về yêu sách đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, Đại sứ quán đã chủ động gửi trước cho khách mời các tài liệu liên quan.
Trong buổi trao đổi thông tin, Đại sứ trình bày bằng powerpoint, nêu lịch sử vấn đề, yêu sách phi pháp của Trung Quốc, phân tích các vấn đề luật pháp quốc tế về biển quy định như thế nào. Lúc đầu, bản đồ minh họa có hình vẽ đường lưỡi bò để trắng nhưng sau đó bôi đen. Khi bôi đen, hình minh họa thực sự gây ấn tượng cho cử tọa. Có người còn thốt lên: Không thể tin nổi!
Ông Đào ví von đường yêu sách đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc kiểu như hàng rào nhà hàng xóm lấn sang sân nhà mình, khi bạn về nhà mình thì bước luôn lên thềm nhà, không còn chỗ để đỗ xe. Tất cả khán giả ồ lên, à ra thế, Việt Nam đang là nạn nhân trong câu chuyện như thế.
Lúc này, một nhà ngoại giao thuộc một nước Đông Nam Á ghé tai ông nói nhỏ về việc có một nhà ngoại giao Trung Quốc ngồi ở phía dưới. Đại sứ Nguyễn Văn Đào bình thản đáp: “Ồ, thế à. Tôi chỉ nói sự thật mà thôi”.
Đại sứ Nguyễn Văn Đào làm việc với Hội Hữu nghị Chile - Việt Nam tại thủ đô Santiago, Chile trong nhiệm kỳ Đại sứ tại Chile (2003-2007). (Ảnh: NVCC). |
“Nhúng” trong văn hóa Việt
Không giống như các quốc gia gần với Việt Nam hay quốc gia có đông người Việt Nam sinh sống, những nơi thường hay có các đoàn văn hóa nghệ thuật sang biểu diễn thì đặc thù địa bàn các nước châu Mỹ Latinh lại khác. Do các nước như Chile và Argentina - nơi ông công tác xa cách Việt Nam về mặt địa lý và số lượng Việt kiều không nhiều, việc mời các đoàn nghệ thuật sang biểu diễn giới thiệu văn hóa không hề dễ dàng.
Không có cách nào khác, Đại sứ quán phải bắt tay tự làm, vừa viết kịch bản, kiêm đạo diễn và diễn viên.
Đại sứ Nguyễn Văn Đào nhớ lại, mỗi lần tổ chức Tết Nguyên đán là mỗi dịp Đại sứ quán chộn rộn chuẩn bị từ áo dài đến áo tứ thân biểu diễn thời trang. Đặt nón lá từ Việt Nam và các phụ kiện để trình diễn múa Chăm, múa nón. Lên kịch bản để biểu diễn kịch. Luyện tập hát chèo, quan họ.
Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, các cán bộ, nhân viên trong sứ quán tích cực tập luyện một cách hứng khởi, nghiêm túc.
Biểu diễn là một chuyện nhưng điều quan trọng là phải có sự tương tác với khách, “nhúng” khách trong môi trường văn hóa Việt Nam. Khách được tham gia gói bánh chưng, được tự tay điều khiển các ống tre trong điệu múa sạp, được đội nón lá Việt Nam chụp ảnh, được tự tay têm trầu, gói nem.
Dù chiếc bánh chưng có xiên xẹo, dù chiếc nem có phèo chỗ này, phồng chỗ kia nhưng nhìn sự hứng khởi và say mê của khách, ông hiểu họ đang thực sự được sống trong văn hóa và không khí Tết cổ truyền Việt Nam.
Và trên hết, với ông Đào, tất cả các hoạt động trên đều được tổ chức với mong muốn bạn bè hiểu được con người Việt Nam trong thời bình, trong cuộc sống thường nhật như thế nào. Khách có thể hiểu Việt Nam phần nào qua các bức tranh, ảnh, qua đọc sách, qua xem phim. Nhưng với các cán bộ ngoại giao phải làm được nhiều hơn thế.
Qua các hoạt động tiếp xúc, các nhà ngoại giao giới thiệu được hình ảnh đất nước, khát vọng vươn lên của con người Việt Nam. Sự chỉn chu, đúng mực trong trang phục, cách ứng xử của các nhà ngoại giao cũng là một cách gây ấn tượng với quan chức và người dân sở tại.
Đại sứ Nguyễn Văn Đào tại lễ khai trương tượng Bác Hồ trong Công viên Hồ Chí Minh tại Thủ đô Buenos Ares, Argentina ngày 31/8/2012. (Ảnh: NVCC) |
Không ngại phản biện
Nói về cái đẹp, về thành công nhưng cũng không không tránh né cái chưa được, chưa hoàn hảo sẽ tăng thêm sức thuyết phục đối với người nghe.
Vấn đề nằm ở cách nói. Đại sứ Đào chiêm nghiệm, dân gian Việt Nam cũng có cách nói về những cái chưa hoàn thiện qua các câu chuyện tiếu lâm, trào phúng. Vận dụng những cách truyền tải đa dạng sẽ giúp người nghe hiểu vấn đề dễ dàng hơn, giúp thấy được những người dân Việt Nam, dù trải qua thời kỳ chiến tranh giành độc lập với nhiều khổ đau mất mát nhưng không ngừng khát vọng, không ngừng nỗ lực vươn lên.
Với ông Đào, "dù là nhà ngoại giao thì đôi lúc phải nói theo kiểu 'ngoại giao', phải nhẹ nhàng, khéo léo, nhưng khi cần bảo vệ lập trường, quan điểm thì đừng ngại phản biện một cách thẳng thắn".
Ông nhớ, có lần, trong một cuộc nói chuyện tại một trường đại học, đến phần phản biện, một người đứng dậy hỏi: “Tại sao Việt Nam không áp dụng chế độ đa đảng như nhiều nước khác?”
Tôi hỏi lại: “Ông làm nghề gì”.
Người kia trả lời, giọng tự hào: “Tôi là bác sĩ”.
Tôi nói ngay “Vậy, là bác sĩ, ông có bao giờ kê đơn thuốc cho người khỏe mạnh không? Chẳng nhẽ người khỏe mạnh lại phải uống thuốc theo người ốm ư? Không, chúng tôi hài lòng với chế độ của chúng tôi và mọi thứ vẫn đang vận hành rất tốt”.
Một tràng vỗ tay vang lên khắp hội trường, tôi hiểu mình đã đụng đến tâm can của các khán giả vốn đã yêu quý Việt Nam giờ lại càng yêu quý hơn.
"Dù là nhà ngoại giao thì đôi lúc phải nói theo kiểu 'ngoại giao', phải nhẹ nhàng, khéo léo, nhưng khi cần bảo vệ lập trường, quan điểm thì đừng ngại phản biện một cách thẳng thắn". (Đại sứ Nguyễn Văn Đào) |
Để làm được những điều đó, theo ông, ngoài bản lĩnh chính trị, người làm ngoại giao cần thông thạo hoặc luôn phải rèn luyện để nâng cao trình độ ngoại ngữ, bí quyết quan trọng để chuyển tải được chính xác và hiệu quả thông điệp tới người nghe.
“Với nghề ngoại giao nếu không nói được ngôn ngữ phổ biến của người dân sở tại sẽ rất khó khăn trong hoạt động. Làm chủ ngôn ngữ có thể giúp biến những việc căng thẳng trở nên nhẹ nhàng hơn, người chưa quen thành người quen, biến bất đồng thành hòa đồng. Ngôn ngữ là chìa khóa của sự thấu hiểu và chia sẻ”.
Ngoài tiếng Anh, việc sử dụng tiếng Tây Ban Nha như tiếng mẹ đẻ chính là chìa khóa để Đại sứ Đào xây dựng được mối quan hệ mật thiết với người dân sở tại, từ quan chức cấp cao cho đến những người dân bình thường, là công cụ để ông đưa hình ảnh đất nước hình chữ S đến gần hơn với các quốc gia cách xa nửa quả địa cầu.
Giờ đây, ngẫm lại chặng đường mấy mấy chục năm làm ngoại giao, ông Đào tâm sự: Nói cho cùng, dù chúng ta, những nhà ngoại giao có tài giỏi đến đâu cũng sẽ chẳng làm được gì nếu sau lưng chúng ta không có một đất nước tuyệt vời, một dân tộc tuyệt vời, một nền văn hóa tuyệt vời.
“Bởi mang chuông đi đánh xứ người, chuông không chỉ phải vang xa mà còn phải sáng thì mới thu hút, lôi cuốn được bạn bè, nếu không, dù có đánh giỏi đến đâu thì cũng chỉ là ta đánh, ta nghe. Đây mới chính là nền tảng vững chắc cho mọi thành công của chúng ta trên đấu trường quốc tế và trên thực tế, chúng ta đã thành công, đang thành công và nhất định sẽ tiếp tục thành công”, Đại sứ Nguyễn Văn Đào nói.