📞

Đại sứ Nguyễn Vũ Tú: Để diễn ngắn được tốt, cần khổ luyện rất dài

Văn Anh 07:38 | 11/05/2021
Đó là lời khuyên của Đại sứ Nguyễn Vũ Tú, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, với tư cách là diễn giả chính, dành cho các đồng nghiệp trẻ trong buổi nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm với các cán bộ của Trung tâm Biên-phiên dịch quốc gia, Bộ Ngoại giao chiều ngày 10/5.
Đại sứ Nguyễn Vũ Tú trao đổi với các đồng nghiệp trẻ trong buổi nói chuyện tại Trung tâm Biên-phiên dịch quốc gia, Bộ Ngoại giao chiều ngày 10/5. (Ảnh: Anh Sơn)

Từ kinh nghiệm của bản thân, Đại sứ Nguyễn Vũ Tú cho rằng điều kiện cần của nghề phiên dịch là năng lực ngôn ngữ và điều kiện đủ là kiến thức. Năng lực ngôn ngữ ở đây là cần phải giỏi cả tiếng mẹ đẻ và cả ngoại ngữ. Để có được hai yếu tố này, ý thức tự học và sự khổ luyện đóng vai trò quyết định.

Trước yêu cầu của nhiều bạn trẻ muốn được ông chia sẻ kinh nghiệm rèn luyện các kỹ năng biên-phiên dịch, Đại sứ lý giải một cách hài hước rằng, học các kỹ năng phiên dịch như tập đi xe đạp và lần tập đi thứ 11 sẽ rất khác lần tập đầu tiên.

Những ngày đầu chắc chắn chưa biết giữ thăng bằng, chưa biết điều chỉnh tay lái và không ít lần té xe, xây xước người, nhưng nếu kiên trì luyện tập, không nản chí và tự rút kinh nghiệm từ mỗi lần vấp ngã, các kỹ năng này sẽ đến một cách rất tự nhiên lúc nào mình không hay.

Theo Đại sứ, để có được một buổi dịch “mượt”, nhất là đối với chủ đề mới, người phiên dịch cần có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng, phải đọc để làm quen, bổ sung kiến thức về lĩnh vực đó.

Đối với phiên dịch trẻ, cần cho họ một khoảng thời gian dự thính cần thiết để làm quen dần với môi trường, hoàn cảnh và áp lực khi tác nghiệp, nhất là khi dịch cabin, nhờ đó giúp họ có thêm tự tin, vượt qua được rào cản tâm lý.

Đại sứ nói: “Cần làm cho họ hiểu dịch cabin thực chất là dịch nối tiếp với tốc độ nhanh hơn để giúp họ có tâm lý thoải mái, tự tin hơn trong quá trình rèn luyện cũng như thực hành trong tương lai”.

Đại sứ Nguyễn Vũ Tú cũng dành nhiều thời gian chia sẻ về những tình huống khó mà bản thân ông đã gặp phải trong nhiều năm làm phiên dịch và kinh nghiệm để có thể vượt qua những thử thách này.

Đại sứ cũng nhắn nhủ đại diện của một số Vụ khu vực trong Bộ tham dự buổi nói chuyện, cần nhớ và tâm niệm một điều là thế giới biết đến và hiểu Việt Nam chủ yếu là qua những tài liệu, bài phát biểu… đã được chuyển ngữ sang tiếng nước ngoài.

Do đó, cần đặc biệt lưu ý sự khác biệt giữa văn viết và văn nói khi chuẩn bị nội dung trao đổi hoặc dự thảo các bài phát biểu cho lãnh đạo. Nên dùng nhiều câu ngắn, dễ hiểu và ở thể chủ động để tạo thông điệp mạnh với người nghe.

Buổi nói chuyện cởi mở, thân tình đã tạo được ấn tượng mạnh đối với cán bộ làm công tác biên-phiên dịch và các khách mời, gợi mở cho Trung tâm Biên-phiên dịch Quốc gia nhiều ý tưởng mới về định hướng thực hiện mục tiêu chuẩn hóa các văn bản sử dụng tiếng nước ngoài, xây dựng chương trình, giáo án đào tạo phù hợp, hiệu quả cho đội ngũ biên-phiên dịch trẻ của Trung tâm cũng như các bộ, ban, ngành và địa phương trong thời gian tới.