Như vậy, vùng đáy biển Bắc Cực mà Đan Mạch tuyên bố chủ quyền mở rộng có diện tích gấp 20 lần lãnh thổ của chính Đan Mạch hiện nay, bao gồm khu vực cực Bắc và gần 895.000km2 đáy biển ở Bắc Băng Dương về phía Bắc của Greenland, liền với dãy núi ngầm dài 2.000km dưới đáy biển.
Trong đơn đệ trình, Đan Mạch và vùng lãnh thổ Greenland cũng đã đưa ra những bằng chứng chứng tỏ rằng gần 900.000km2 nói trên nối liền với thềm lục địa Greenland.
Động thái mới nhất nêu trên của Đan Mạch nhiều khả năng sẽ làm căng thẳng thêm xung đột giữa nước này với hai quốc gia Canada và Nga liên quan tới chủ quyền ở Bắc Cực, khi vùng đáy biển mà Đan Mạch vừa tuyên bố chủ quyền mở rộng chồng lấn với khu vực mà Nga và Canada cũng tuyên bố chủ quyền mở rộng. Bên cạnh ba quốc gia này, Na Uy và Mỹ cũng đã tìm cách xác định tính pháp lý đối với các khu vực ở Bắc Cực và khẳng định quyền đối với tài sản nằm ở đáy đại dương cũng như bảo vệ biên giới của mình. Năm quốc gia trên còn thể hiện nhiều tham vọng khác trong khi mỗi nước đều có quyền đối với 200 hải lý tính từ bờ biển phía Bắc của mình.
Bắc Cực đang trở thành nơi tranh giành không chỉ giữa các nước có lãnh thổ ở Bắc Cực mà cả các nước ở ngoài khu vực. Gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học chính sách quốc phòng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học quân sự Trung Quốc đã công bố bản báo cáo khẳng định nguồn dự trữ dầu khí ở Bắc Cực là yếu tố quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Trung Quốc. Các chuyên gia nước này còn khẳng định Trung Quốc có quyền đối với một phần tài nguyên ở Bắc Cực. Được biết, Trung Quốc đang xây dựng hạm đội Bắc Cực và cạnh tranh với Nga trong việc chinh phục khu vực này.
Mối quan tâm chủ yếu tập trung vào nguồn năng lượng trong khu vực. Đó là lý do vì sao các công ty Shell của Hà Lan, Arctic Oil & Gas của Mỹ và Gazprom của Nga đều bày tỏ tham vọng giành quyền khảo sát các khu vực khai thác ở Bắc Cực. Vùng biển Bắc Cực lạnh giá, hoang sơ và khắc nghiệt được đánh giá là giàu tài nguyên, với khoảng 13% trữ lượng dầu và 30% trữ lượng khí đốt chưa khai thác của thế giới. Bên cạnh đó, tốc độ băng tan gần đây cũng mở ra tiềm năng về vận tải đường biển và khai khoáng. Tàu thuyền các nước có thể lợi dụng vùng biển này để có một lộ trình tắt giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Theo Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc, các quốc gia ven biển có quyền kiểm soát kinh tế trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường bờ biển. Một quốc gia có thể giành được quyền kiểm sát khu vực đáy biển ngoài giới hạn được quốc tế công nhận nếu họ có thể đưa ra bằng chứng chứng minh được rằng khu vực đáy biển đó là phần mở rộng thềm lục địa của họ.
Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc gồm 21 chuyên gia địa chất, địa vật lý, địa lý thủy văn. Dự kiến, trước tiên, Ủy ban này sẽ xem xét tuyên bố chủ quyền của Nga, còn đơn của Đan Mạch sẽ được xem xét trước năm 2027.
M.N (tổng hợp)