📞

Đằng sau chiến lược ngoại giao của Trung Quốc ở Trung Đông

Sơn Trà 11:12 | 08/02/2022
Sau châu Phi, chiến lược ngoại giao của Trung Quốc đối với Trung Đông tiếp tục gây sự chú ý đối với giới quan sát và truyền thông quốc tế.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) hội đàm với người đồng cấp Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud tại Vô Tích, tỉnh Giang Tô, ngày 10/1. (Nguồn: THX)

Khi Mỹ thúc đẩy “Khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” thì Trung Quốc có động thái ngược lại, mời đại điện các nước Vùng Vịnh và Iran đến thăm Vô Tích (Giang Tô), cùng hội đàm với Ngoại trưởng Vương Nghị, thiết lập mạng lưới thương mại, phát huy sức ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông.

Kể từ khi lên cầm quyền đến nay, thành công lớn nhất của Tổng thống Mỹ Joe Biden về mặt ngoại giao chính là bắt tay với đồng minh thành lập “Liên minh chống Trung Quốc”, khiến cho chính sách ngoại giao của Bắc Kinh ở thế giới phương Tây rơi vào hoàn cảnh khó khăn, đình trệ và đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm cả việc hợp tác lâu dài với Australia và Canada về vấn đề năng lượng.

Ở mức độ nhất định, sự phong tỏa của phương Tây cũng buộc Trung Quốc thay đổi thứ tự ưu tiên trong chiến lược toàn cầu, đặt ngoại giao khu vực ở vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự, trong đó chiến lược ngoại giao mới về Trung Đông trở thành điểm sáng truyền thông ngay đầu năm 2022, tiếp sau chính sách ngoại giao châu Phi.

Ba mục đích của các nước Trung Đông

Từ 10-14/1, Ngoại trưởng các nước Saudi Arabia, Kuwait, Oman, Bahrain và Tổng thư ký Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) Nayef bin Falah al-Hajrah lần lượt đến thăm Vô Tích (Giang Tô), cùng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hội đàm, thảo luận cách thức đẩy sâu quan hệ đối tác chiến lược và kinh tế thương mại giữa các nước Vùng Vịnh với Trung Quốc.

Những trọng tâm của các nước Trung Đông trong mối quan hệ với Trung Quốc được xác định như sau:

Thứ nhất, tiếp tục tham gia kế hoạch “Con đường tơ lụa mới” (BRI) của Trung Quốc, chia sẻ lợi ích lan tỏa về địa chính trị và kinh tế-thương mại của Trung Quốc, đồng thời dựa vào sự hỗ trợ thị trường của Bắc Kinh để chuyển đổi từ hình thái kinh tế lấy dầu mỏ làm chủ đạo sang mô hình kinh tế đa dạng hóa.

Thứ hai, xác định rõ “Chương trình hành động 2022-2025” giữa Bắc Kinh và các nước chủ chốt của Vùng Vịnh nhằm hoàn thành quá trình đàm phán đã kéo dài 17 năm, nhanh chóng ký Hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc và các nước Vùng Vịnh, từ đó “thiết lập khu thương mại tự do Trung Quốc-GCC”.

Điều đáng quan tâm là Trung Quốc đang thay thế Liên minh châu Âu (EU) trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của các nước thuộc GCC trong bối cảnh dịch bệnh năm 2020, đồng thời nhập khẩu khoảng 70% dầu mỏ từ khu vực này.

Thứ ba, hai bên trao đổi ý kiến về đàm phán hạt nhân giữa cộng đồng quốc tế với Iran.

Dựa trên lịch sử nội bộ và mâu thuẫn giữa các tôn giáo ở Trung Đông, các nước Vùng Vịnh rất lo ngại việc Tehran phát triển vũ khí hạt nhân sẽ gây ra sự mất ổn định của khu vực, do đó hy vọng Trung Quốc có tiếng nói trọng lượng với Iran, có thể ngăn chặn hiệu quả việc Tehran thúc đẩy phổ biến vũ khí hạt nhân.

Ẩn ý của Trung Quốc

Đối với Trung Quốc, ý nghĩa chiến lược của tăng cường hợp tác với Trung Đông rất lớn. Hơn nữa, mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông cũng có thể mang lại hiệu ứng liên quan trong đọ sức Mỹ-Trung, bởi vì “thùng thuốc súng chiến tranh” và dầu mỏ trong lịch sử Trung Đông đều có tác dụng kiềm chế quan trọng đối với Mỹ, EU và thậm chí thế giới.

Mục tiêu chủ yếu của động thái ngoại giao lớn lần này đối với Trung Đông rất rõ ràng, ngoài tăng cường hỗ trợ đa dạng hóa nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc, tìm cách thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ trong các giao dịch dầu mỏ, mở rộng chiến lược “Vành đai và Con đường”, thì một điểm rất quan trọng chính là tranh thủ các nước Trung Đông ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về vấn đề Tân Cương để phá vỡ vòng vây mà Mỹ và đồng minh phương Tây đang gây áp lực với Trung Quốc.

Hợp tác kiềm chế đàm phán hạt nhân

Ngày 14/1, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hội kiến Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian tại Vô Tích. Hai bên tuyên bố khởi động thỏa thuận hợp tác toàn diện kéo dài 25 năm.

Thỏa thuận này được ký vào tháng 3/2021 sau nhiều năm đàm phán sẽ bao gồm nhiều lĩnh vực như năng lượng, an ninh, cơ sở hạ tầng và thông tin...

Với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất của Iran, đồng thời cũng là một trong những bên mua dầu mỏ lớn nhất trước khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt các lệnh trừng phạt Iran, trọng điểm của việc Bắc Kinh thông qua thỏa thuận hợp tác toàn diện Trung Quốc-Iran kéo dài 25 năm này chính là đảm bảo nền kinh tế thứ hai thế giới có được nguồn cung dầu mỏ ổn định.

Thỏa thuận trên không chỉ tập trung vào Trung Quốc và Iran, mà còn kiềm chế và dẫn dắt tương đối tinh tế việc tái khởi động đàm phán hạt nhân mà Mỹ và các đồng minh đang tiến hành với Iran ở Vienna (Áo).

Thỏa thuận đồng nghĩa tuyên bố với Washington rằng ngay cả khi đàm phán đổ vỡ, Trung Quốc cũng không thể một lần nữa tham gia các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran.

Thêm vào đó, Bắc Kinh đã cùng Tehran ký chương trình hợp tác kinh tế trị giá 400 tỷ USD, giúp Iran có được quyền chủ động lớn hơn trong đàm phán.

Tuy nhiên, điều Bắc Kinh đạt được lại nhiều hơn: Nguồn cung dầu mỏ ổn định của Iran giúp Trung Quốc có được sự đa dạng hóa về nguồn cung năng lượng (Mỹ, Canada, Nga, Trung Á, châu Phi…), đồng thời giảm thiểu sự lệ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ như Canada.

Trên thực tế, cùng với việc Trung Quốc và Mỹ triển khai đọ sức toàn diện, Trung Quốc không còn e ngại thái độ của Mỹ ở khu vực Trung Đông và cũng không tự trói chân mình, không còn trao cho Mỹ tiếng nói trừng phạt kinh tếđối với các nước ở khu vực này.

Ngoài Iran, ngày 12/1, chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad của Syria tuyên bố chính thức tham gia kế hoạch đầu tư “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc.

Đây là phản ứng của Damascus đối với các lệnh trừng phạt kinh tế của Washington, đồng thời cũng giúp Trung Quốc gia tăng sức ảnh hưởng đối với Syria tiếp sau Nga. Theo giới phân tích, kết quả này khiến Mỹ một lần nữa cảm thấy "mất mặt" ở Trung Đông.

Tránh thách thức Mỹ

Rõ ràng, trong chiến lược ngoại giao Trung Đông lần này, Bắc Kinh đã thu được thành công tương đối lớn, giành được làn sóng hỗ trợ ngoại giao đối với Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh, giảm bớt hậu quả gây nên từ việc Liên minh Ngũ nhãn bao gồm Mỹ và Canada tẩy chay ngoại giao sự kiện thể thao.

Tuy nhiên, trong tuyên bố công khai về chính sách ngoại giao Trung Đông, Bắc Kinh vẫn tránh trực tiếp thách thức Mỹ, mà nhấn mạnh xuất phát từ lợi ích cơ bản của nhân dân Trung Đông, phản đối trừng phạt phiến diện. Trung Quốc không tìm kiếm người ủy quyền mà thuyết phục và thúc đẩy đàm phán; thúc đẩy vòng tròn bạn bè BRI; không tìm cách “điền vào chỗ trống”, mà xây dựng mạng lưới đối tác hợp tác cùng thắng.

Có thể thấy, khi chiến lược mới về Trung Đông tiến triển, Bắc Kinh đang phát huy sức mạnh mềm để giành lòng tin của một trong những khu vực then chốt trên thế giới.

(theo Tạp chí Tuần san châu Á)