Bạo loạn bùng nổ ở thành phố Almaty, Kazakhstan. (Nguồn: AP) |
Theo con số thống kê sơ bộ, tổng thiệt hại tài sản do cuộc bạo loạn vừa qua tại Kazakhstan gây ra lên tới 213 triệu USD, với hàng nghìn nạn nhân, hàng chục người thiệt mạng.
Tổng thống Kassym Zhomart Tokayev gọi đây là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trong lịch sử 30 năm độc lập của Kazakhstan. Vậy, ai là người châm ngòi cho thảm họa trên? Tương quan lực lượng trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) sẽ thay đổi như thế nào sau bạo loạn?
Ngọn lửa âm ỉ
Phóng viên báo AIF đặt ra câu hỏi rằng: "Kazakhstan là một trong mười nước có giá xăng rẻ nhất thế giới, giá khí hóa lỏng sau khi tăng mạnh cũng vẫn rẻ hơn giá khí đốt ở Nga và nhiều nước khác. Vậy đâu là lí do đích thực của những cuộc biểu tình phản đối?".
Trả lời cho câu hỏi trên, ông Stanislav Pritchin, chuyên gia Viện kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế mang tên Primakov (IMEMO) cho biết, Tổng thống đầu tiên của Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đã gặt hái nhiều thành công trong công cuộc cải cách kinh tế. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tới Kazakhstan, nhiều doanh nghiệp của Mỹ và châu Âu đã tới khai thác dầu khí ở phía Tây Kazakhstan. Hiện hãng LUKOIL của Nga chỉ hoạt động ở hai mỏ dầu Tengiz và Karachaganak.
Về lĩnh vực khai thác dầu khí, trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Kazakhstan giữ vị trí thứ 2 sau Nga. Về lĩnh vực khai thác uranium, Kazakhstan giữ vị trí số 1 thế giới.
Tuy nhiên, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo đầu người giữa các khu vực ở Kazakhstan rất khác nhau, thậm chí ngay trong một vùng, giá trị này cũng có sự khác biệt rõ rệt, điều này dẫn đến những xung đột xã hội.
Địa phương điển hình của sự khác biệt trong thu nhập của người dân là tỉnh Mangistau nằm bên bờ biển Caspi, thủ phủ của Mangistau là thành phố Aktau, (dưới thời Liên Xô thành phố này có tên là Shevchenko). Đây cũng chính là nơi khởi nguồn cho những cuộc biểu tình bạo động.
Người dân thành phố Aktau chủ yếu là công nhân khai thác dầu mỏ, lượng dầu mỏ mà tỉnh Mangistau khai thác được chiếm 25% tổng sản lượng dầu mỏ của Kazakhstan. Các mỏ dầu ở đây đã lâu năm, trữ lượng không còn nhiều, cho nên thu nhập của công nhân trở nên hạn hẹp dần. Các loại hình kinh doanh khác không thể phát triển được vì khí hậu khô và nước ngọt rất khan hiếm.
Trước năm 2021, công ty dầu khí quốc doanh Kazakhstan KazMunayGas thực hiện trợ cấp giá gas cho người dân. Tuy nhiên, sau 2021, chế độ trợ cấp này không được duy trì nữa, giá gas tăng lên đánh vào túi tiền vốn đã rất ít ỏi của người dân.
Cuộc sống vùng quê ở miền Nam Kazakhstan rất khó khăn, đã vậy các gia đình lại đông con, dẫn tới hiện tượng bùng nổ dân số. Thanh thiếu niên trong những gia đình đông con đó không được học hành đến nơi đến chốn, không có công ăn việc làm ổn định. Từ đó, hình thành làn sóng ly hương, di cư về đô thị. Trong những chuyến đi đó không phải ai cũng thành công. Những người thất bại đã ôm ấp trong lòng tư tưởng hận thù và tham gia vào các băng đảng chống đối nhà nước.
Giá gas tăng lên giống như một tia lửa châm ngòi cho lòng hận thù đang âm ỉ cháy. Thế lực chống đối nhà nước đã lợi dụng triệt để hiện tượng này.
Cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev và đương kim Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev. (Nguồn: Reuters) |
Rất khó để tìm người đứng đằng sau bạo loạn
Tại cuộc họp trực tuyến cấp cao của liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), Tổng thống Kazakhstan Tokaev khẳng định: “Đây là một âm mưu đảo chính. Phiến quân được chỉ đạo từ một trung tâm. Hành động khủng bố đã được thực hiện bằng rất nhiều hình thức khác nhau”.
Bàn về vấn đề này, nhà khoa học chính trị Dmitry Zhuravlev, Giám đốc Viện Các vấn đề khu vực (Nga), cho rằng: “Xác định ai là người đứng đằng sau vụ chính biến vừa qua ở Kazakhstan là điều không thể. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là bất mãn xã hội không thể tạo ra hiệu ứng lớn như vậy được".
Theo vị chuyên gia này, cuộc tấn công được phối hợp trên phạm vi toàn quốc khiến lực lượng chức năng bị vô hiệu hóa cho thấy đây là xung đột nội bộ của tầng lớp tinh hoa. Ông Dmitry Zhuravlev cho rằng, bạo loạn bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa một bên là cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev, người còn rất nhiều ảnh hưởng trong xã hội Kazakhstan và một bên là đương kim Tổng thống Tokaev.
Bằng chứng là ngay sau cuộc bạo loạn, cựu Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia (KNB) Karim Masimov, đồng minh thân cận của cựu Tổng thống Nazarbayev, đã bị bắt. Hai cấp phó của ông Karim Masimov phải về hưu, và nhiều quan chức khác đã tự tử.
Ngay trước đó, ông Yermukhamet Yertusbayev, cựu cố vấn của cựu Tổng thống Nazarbayev tuyên bố: “Ủy ban An ninh Quốc gia biết việc thời gian qua, có nhiều trung tâm huấn luyện phiến quân đã tồn tại và hoạt động, nhưng không hề có động thái gì”.
Rất phức tạp để khẳng định cựu Tổng thống Nazarbayev có liên quan đến vụ bạo loạn, vì người biểu tình còn hô vang khẩu hiệu “Phản đối Nazarbayev” và lật đổ tượng đài của ông.
Tuy nhiên, theo ông Dmitry Zhuravlev, cũng không có cơ sở để nói rằng chính Tổng thống Tokaev đã tiếp tay cho những hành động biểu tình, bạo loạn, nhằm sử dụng hiện tượng này để chấm dứt sự ảnh hưởng của người tiền nhiệm. Bởi việc lực lượng chức năng Kazakhstan bị động "chỉ biết đứng nhìn" có thể lý giải rằng đây là lần đầu tiên họ đối mặt với một cuộc bạo loạn lớn, việc bối rối và thiếu kỹ năng xử lý vấn đề là điều khó tránh khỏi.
Mặt khác, vị chuyên gia cũng tin rằng, trường hợp có sự can thiệp từ các thế lực bên ngoài có thể hoàn toàn bị loại trừ.
Ông Dmitry Zhuravlev chỉ ra rằng, trong trường hợp lực lượng nổi dậy chiến thắng và lên nắm quyền, thì Nga và Trung Quốc gặp nhiều rủi ro nhất.
Nga và Kazakhstan có chung đường biên giới rất dài, không chỉ là đồng minh trong CSTO, Nga còn có sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan. Trong khi đó, giữa Trung Quốc và Kazakhstan còn có có dự án Vành đai và Con đường. Nếu tình hình ở Kazakhstan không ổn định, Nga và Trung Quốc là hai nước "đứng ngồi không yên" trước tiên.
Về phía Mỹ và phương Tây, các nước này tỏ ra không hài lòng khi Tổng thống Tokaev mạnh tay với những người chống đối và đề nghị lực lượng gìn giữ hòa binh CSTO tới hỗ trợ. Thậm chí, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken còn trách móc Tổng thống Kazakhstan Tokaev rằng tại sao nhờ CSTO, mà không phải là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy nhiên, Kazakhstan ở một vị trí khác so với Belarus. Đây là một quốc gia quan trọng xét về góc độ địa chính trị và chính Tổng thống Tokaev cũng có quan điểm cân bằng quan hệ giữa Nga-Trung Quốc-phương Tây.
| Khám phá sức mạnh của tàu ngầm hạt nhân chiến lược Nga vừa hạ thủy Ngày 11/1, tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga mang tên lửa Generalissimus Suvorov được hạ thủy. Con tàu sẽ tiếp tục được hoàn ... |
| Xong nhiệm vụ, lực lượng không quân Nga thuộc CSTO rời khỏi Kazakhstan Máy bay của không vận quân sự thuộc Không quân Nga, đang tiến hành hoạt động chở binh sĩ gìn giữ hòa bình Nga thuộc ... |