📞

Điều chỉnh mới của Nga tại Syria

14:24 | 15/07/2020
TGVN. Liệu những thay đổi mới này sẽ đánh dấu một bước chuyển mình về mặt chính sách của Nga trong vấn đề Syria, hay chỉ là sự tiếp nối những gì đã có? Bình luận của Thế giới & Việt Nam.
Hiện trường vụ đánh bom vào lực lượng tuần tra chung Nga - Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria ngày 14/7. (Nguồn: AFP)

Cụ thể, sau khi Nghị quyết nhân đạo xuyên biên giới Syria hết hạn ngày 10/7, Nga đã nhiều lần phủ quyết dự thảo Nghị quyết do Đức và Bỉ đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhằm kéo dài hoạt động cứu trợ nhân đạo và mở điểm đưa hàng cứu trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria, vì ba lý do chính:

Thứ nhất, dự thảo nghị quyết Nga liên quan tới việc giảm số cửa khẩu đưa hàng vào Syria và giảm thời gian thực hiện cứu trợ như đề xuất của nhiều nước phương Tây đã bị các nước phủ quyết.

Thứ hai, Nga lo rằng việc mở các điểm viện trợ sẽ trở nên khó kiểm soát khi các cửa khẩu này do lực lượng đối lập quản lý.

Thứ ba, Nga cho rằng đây là một chiêu bài của phương Tây, đó là áp đặt lệnh cấm bay và cho phép “sử dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ thường dân”, dọn đường cho can thiệp quân sự như đã làm ở Libya.

Từ lâu, cả Nga và Trung Quốc cho rằng việc LHQ triển khai phái bộ cứu trợ tới Syria là vi phạm chủ quyền quốc gia, song việc Moscow phủ quyết nhiều lần trong thời gian ngắn, ngay khi Nghị quyết cần gia hạn, thể hiện thái độ rõ nét. Cuối cùng, ngày 11/7, HĐBA LHQ buộc phải nhượng bộ, sửa đổi dự thảo để chỉ tiến hành vận chuyển hàng cứu trợ qua một cửa khẩu theo ý Nga.

Trước đó, ngày 23/6, Nga đã thông báo sẽ ngừng tham gia hệ thống cảnh báo nhân đạo tại Syria, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya đã nhiều lần chỉ trích cơ chế này, cho rằng trên thực tế, những kẻ khủng bố đã lợi dụng danh sách các điểm nhân đạo.

Ngày 13/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, trong đó tình hình chiến sự và hợp tác tại Syria nằm trong trọng tâm thảo luận.

Ngay sau đó, sáng ngày 14/7, khi tuần tra chung lần thứ 20 ở cao tốc M4 phía Nam khu vực giảm leo thang căng thẳng Idlib, lực lượng quân sự hỗn hợp Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công bằng thiết bị nổ tự chế (IED), khiến 3 binh lính Nga và một số binh lính Thổ Nhĩ Kỳ bị thương nhẹ. Ngay sau đó, Nga đã tiến hành không kích tỉnh Latakia, Tây Bắc Syria.

Theo dõi các diễn biến trên, có hai điểm “cũ”, một điểm mới trong câu chuyện của Nga tại Syria.

Thứ nhất, mục tiêu của Nga trong vấn đề Syria vẫn là duy trì tầm ảnh hưởng lớn nhất có thể tại Syria, hỗ trợ thiết lập và củng cố một chính quyền Damascus thân Moscow ở Trung Đông.

Thứ hai, phương châm của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin trong thực hiện mục tiêu trên không đổi: Đầu tiên, Nga sử dụng ưu thế về mặt quân sự để thiết lập vị thế, tạo đà mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua các chiến dịch quân sự và kiểm soát chung cùng Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với lá phiếu phủ quyết ở HĐBA LHQ, Nga dần trở thành người chơi chủ chốt, có khả năng chi phối tình hình thực địa tại Idlib và chính trường LHQ trong vấn đề Syria.

Thứ ba, cách thức đạt được mục tiêu, tuân thủ phương châm của Nga đã có sự chuyển biến trong tình hình mới. Hiến pháp mới của nước Nga vừa được thông qua, cho thấy sự tín nhiệm của người dân đối với Tổng thống Vladimir Putin và định hướng thay đổi, phát triển nước Nga của ông, trong đó có mở rộng tầm ảnh hưởng, khẳng định vị thế quốc tế tại Syria. Điều này ít nhiều lý giải tại sao Nga lại không ngại thể hiện rõ thái độ với phương Tây thông qua lá phiếu tại HĐBA LHQ, đồng thời triển khai chiến dịch đáp trả lực lượng đối lập.

Thời gian tới, không loại trừ khả năng Moscow sẽ thể hiện lập trường cứng rắn hơn trong vấn đề Syria và có bước đi táo bạo hơn nhằm khẳng định vững chắc vị thế và tầm ảnh hưởng tại quốc gia Trung Đông.