TIN LIÊN QUAN | |
Làm sao để Brexit bớt “đau đớn”? | |
Giới tài chính Anh lo ngại về tác động tiêu cực liên quan Brexit |
Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: EPA) |
Ngay trong ngày khai mạc đại hội thường niên của đảng Bảo thủ, Thủ tướng Anh Theresa May đã tuyên bố rằng London sẽ kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon và chính thức khởi động đàm phán về vấn đề Anh rời khỏi EU (Brexit) vào cuối tháng 3/2017. Điều này có nghĩa nước Anh sẽ chính thức ra khỏi EU vào tháng 3/2019.
Không còn trì hoãn
Quyết định này sẽ đưa nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu vào một giai đoạn căng thẳng với các đối tác EU, những người đã thể hiện rõ sự thất vọng khi Anh liên tục trì hoãn việc khởi động các thủ tục chuẩn bị cho cuộc “ly hôn” này.
Đây là tuyên bố cụ thể và chắc chắn nhất của Thủ tướng May về việc nước Anh rời EU kể từ khi bà trở thành Chủ tịch đảng Bảo thủ và người đứng đầu Nội các, sau hàng loạt thay đổi trong bộ máy chính trị tại quốc gia này do kết quả các cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 6/2016.
Tại Birmingham, phát biểu trong ngày đầu tiên khai mạc hội nghị của đảng Bảo thủ, Thủ tướng Theresa May nói: “Nước Anh sẽ chuẩn bị rời EU. Sẽ không có bất cứ sự trì hoãn không cần thiết nào đối với việc triển khai Điều 50. Chúng ta sẽ bắt đầu ngay khi chúng ta sẵn sàng. Và điều này sẽ sớm diễn ra… Chúng ta sẽ thực hiện Điều 50 (Hiệp ước Lisbon) trước cuối tháng 3 năm tới”. Thủ tướng Anh từng nói bà sẽ tìm kiếm thỏa thuận hợp lý nhất với 27 thành viên còn lại của EU, song tại hội nghị, bà khẳng định sẽ không tiết lộ quá nhiều chi tiết về chiến lược đàm phán của mình để tránh làm suy yếu vị thế và sức ảnh hưởng của Anh.
Thông điệp rõ ràng nhất mà bà Theresa May muốn truyền tải tới người dân Anh là London đặt vấn đề kiểm soát đường biên giới và vấn đề người nhập cư lên hàng đầu, trên cả vấn đề làm thế nào để nước Anh có thể tiếp tục tiếp cận vào thị trường chung của EU.
Vấn đề nan giải ở chỗ EU luôn đặt điều kiện chỉ khi nào London chấp nhận để công dân châu Âu tự do đi lại làm việc ở nước Anh, chấp nhận các quy định của thị trường chung châu Âu và đóng góp vào ngân sách của EU thì lúc đó mới nói đến chuyện nước Anh được quyền hưởng những ưu đãi quy chế đặc biệt trong hoạt động kinh doanh thương mại ở thị trường chung EU.
Theo bà Theresa May, các cuộc đàm phán này phải dựa trên "quyền tự quyết" của người dân Anh từ vấn đề nguồn gốc thực phẩm đến cách thức London lựa chọn để kiểm soát vấn đề nhập cư. Nước Anh sẽ không đàm phán để đi theo mô hình hợp tác với EU của Na Uy hay Thụy Sĩ, mà sẽ đàm phán với tư cách một nước Anh độc lập, có chủ quyền với EU. Bà May nhấn mạnh: "Tất cả những gì mà chúng ta làm khi rời khỏi EU đều sẽ phải tuân theo luật pháp và những nghĩa vụ của hiệp ước, và chúng ta phải đảm bảo tối đa có thể cho quyền lợi của người lao động và các nhà đầu tư".
Nhiều lãnh đạo châu Âu và cả những thành viên đảng Bảo thủ có tư tưởng hoài nghi châu Âu đã nhanh chóng hoan nghênh quyết định này của Thủ tướng May - một trong những người ủng hộ việc giữ Anh ở lại trong khối. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk viết trên trang cá nhân Twitter rằng, ông rất “hoan nghênh sự rõ ràng” của Chính phủ Anh, và khẳng định rằng ngay khi Điều 50 chính thức được triển khai, EU sẽ xúc tiến các hoạt động nhằm “đảm bảo các lợi ích của mình”.
Thủ lĩnh nhóm có tư tưởng hoài nghi châu Âu trong đảng Bảo thủ, ông Bernard Jenkin, gọi tuyên bố của Thủ tướng May là một điều “hoàn hảo”. Nhiều thành viên đảng Bảo thủ tại Birmingham cũng rất ủng hộ những gì mà Thủ tướng May công bố. Rachel Joyce, một thành viên đảng Bảo thủ nói: “Bà ấy đã tỏ rõ sự tôn trọng đối với những người bỏ phiếu ra đi và cả những người muốn ở lại… Bà ấy cần vạch rõ những kế hoạch cụ thể trước khi thực hiện Điều 50”.
Tuy nhiên, nhà lập pháp Anna Soubry của đảng Bảo thủ, người vận động để Anh ở lại trong EU, cảnh báo rằng Chính phủ của bà May có thể đã quá vội vã khi quyết định triển khai tiến trình ra khỏi liên minh trước thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử tại Anh và Đức. Bà nói: “Chính phủ sẽ phải chịu nhiều áp lực khi xúc tiến một thỏa thuận nhằm giữ lại cho nước Anh sự cởi mở và những mối liên kết với EU, trong đó có cả việc giữ cho chúng ta tiếp tục ở lại thị trường đơn nhất”. Bà cho rằng, điều này có thể dẫn tới một thỏa thuận thiếu thỏa đáng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: home.bt.com). |
Vạch ra lộ trình cụ thể
Tờ The Guardian ngày 2/10 cho biết, Cơ quan cấp Bộ phụ trách vấn đề Brexit sắp tới sẽ phải đưa ra được những nội dung mà London ưu tiên trong đàm phán với EU, đó là: Nước Anh muốn gì? Điều gì nước Anh sẽ không thể thực hiện được nếu không có nó? Và nước Anh phải chuẩn bị xem có thể phải hy sinh quyền lợi gì của mình hay không?... Hiện Bộ Tư pháp Anh cũng bắt đầu tiến hành các bước chuẩn bị đối với Dự luật hủy bỏ lớn (Great Repeal Bill) chấm dứt quyền hạn của luật EU đối với nước Anh sau Brexit. Theo đó, dự luật này xóa bỏ những đạo luật quy định các điều lệ của EU có hiệu lực tối cao, theo đó đưa tất cả các luật lệ của EU vào luật của nước Anh và xác nhận rằng Nghị viện Anh có thể sửa đổi các luật đó nếu muốn.
Tất cả các phần việc này phải được hoàn thành trước khi Điều 50 của Hiệp ước Lisbon được kích hoạt. Trong khi đó, Bộ Thương mại Quốc tế sẽ phải tập trung vào việc tìm kiếm các thỏa thuận thương mại mới với các quốc gia ngoài EU mặc dù những thỏa thuận này đều không thể được ký kết khi Brexit chưa diễn ra.
Tiến trình khởi động Điều 50 của Hiệp ước Lisbon sẽ gồm các bước chính sau: Đầu tiên là nước Anh phải gửi thư chính thức đến Hội đồng châu Âu. Cuộc họp đầy đủ đầu tiên của Hội đồng châu Âu sẽ diễn ra vào ngày 9-10/3/2017. Sau đó Hội đồng châu Âu, gồm người đứng đầu đàm phán về Brexit, ông Didier Seeuws, và đại diện các quốc gia thành viên EU (trừ nước Anh) - sẽ phải đồng ý với nhau về những nguyên tắc chung cho các cuộc đàm phán giữa EU với London.
Tuy nhiên, vấn đề này cũng phải mất vài tháng bởi một số quốc gia thành viên EU vướng bầu cử (như Hà Lan, Pháp và Đức). Tiếp theo, nhóm đàm phán thuộc Ủy ban châu Âu (EC) đứng đầu là cựu Ngoại trưởng Pháp, Cao ủy viên EU Michel Barnier sẽ tiến hành thảo luận về vấn đề Brexit với đại diện của nước Anh. Charles Grant thuộc Trung tâm Cải cách châu Âu ví các cuộc đàm phán này như việc giải quyết các tranh chấp trong một vụ ly hôn, đó là: phân chia tài sản, các thể chế, giải quyết các vấn đề đóng góp đối với ngân sách, các quyền của công dân Anh và công dân EU.
Theo cựu Đại sứ Anh tại châu Âu David Hannay, việc đầu tiên hai bên cần làm là phải thống nhất được về các vấn đề sẽ thương thuyết. Ông David Hannay nhận định: “Vấn đề phức tạp nhất sẽ là các quyền có được của công dân Anh và công dân EU, nghĩa vụ quốc tế của London theo những thỏa thuận khi nước Anh là thành viên của EU (ví dụ như những cam kết mà nước Anh đã thay mặt EU đưa ra tại hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ở Paris)”.
Những tranh luận gay cấn được cho là sẽ liên quan đến các trách nhiệm về mặt tài chính của nước Anh đối với một số chương trình của EU như: nghiên cứu khoa học, phát triển khu vực thường bao gồm các cam kết còn có hiệu lực đến sau ngày nước Anh chính thức rời khỏi EU.
Giai đoạn thứ 3 của tiến trình khởi động Điều 50 (Hiệp ước Lisbon) là các thỏa thuận cần phải được nước Anh và đại đa số (20/27) quốc gia thành viên EU cũng như Nghị viện châu Âu thông qua. Sau giai đoạn 3, hai bên sẽ bàn đến khuôn khổ hợp tác trong tương lai giữa EU và nước Anh.
Theo đó, London sẽ phải hoàn tất 2 hiệp định riêng rẽ: cơ sở pháp lý riêng biệt với EU và mối quan hệ thương mại với EU trong tương lai. Theo EC và Chủ tịch Tusk, hiệp định thương mại với nước Anh không thể bắt đầu cho đến khi nước này chính thức rời khỏi EU. Tuy nhiên, một số nước khác (như Đức) lại hàm ý rằng trên thực tế hiệp định thương mại giữa EU và nước Anh có thể tiến hành song song đồng thời với vấn đề Brexit. Cũng có khả năng trong khi chờ đợi thông qua hiệp định thương mại thì giữa EU và Anh sẽ có một hiệp định tạm thời nào đó để hợp tác thương mại với nhau.
Theo các chuyên gia thương mại, tiến trình đàm phán hiệp định thương mại giữa nước Anh và EU có thể mất vài năm và phải có được sự nhất trí thông qua của cả 27 quốc gia thành viên EU. Điều này có thể dẫn đến khả năng diễn ra sự mặc cả giữa London và một vài thành viên nào đó trong EU, chẳng hạn như "vấn đề Gibraltar" giữa Anh và Tây Ban Nha.
Kinh tế Anh đối mặt với một giai đoạn thách thức Đó là nhận định của Ủy ban Chính sách tài chính (FPC) thuộc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đưa ra ngày 22/9 - 3 ... |
Các định chế tài chính Anh có thể mất thị trường chung châu Âu Quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu của các Ngân hàng Anh sẽ tự động kết thúc khi nước này ra khỏi Khu vực ... |
Vì sao nền kinh tế của các nước phát triển tiếp tục suy thoái? Khi đã thực hiện những biện pháp nới lỏng tiền tệ trong thời gian dài mà không có hiệu quả, các nền kinh tế phát ... |