📞

Đồ ngọt "tàn phá" cơ thể bạn như thế nào?

17:06 | 01/04/2017
Có lẽ chúng ta ai cũng biết là nên hạn chế ăn các loại đồ ngọt. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra với cơ thể nếu chúng ta ăn quá nhiều chất đường và đồ ngọt?

Não bị ảnh hưởng

Fructose là một loại đường có trong các loại trái cây. Fructose, cùng với glucose, là thành phần của si-rô bắp cao phân tử (HFCS) và trong loại đường kính trắng mà chúng ta dùng hàng ngày. Theo bác sĩ Robert Lustig, chuyên khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhi UCSF Benioff (San Francisco, Mỹ), hai loại đường này sẽ kích thích trung khu tưởng thưởng của não. Tuy nhiên, nếu cơ thể hấp thu quá nhiều fructose (đặc biệt là từ si rô bắp cao phân tử) sẽ làm giảm trí nhớ.

Kích thích ăn nhiều

Với việc kích thích trung khu tưởng thưởng cũng như trung khu vị giác của não, fructose có thể can thiệp và ngăn cản việc hình thành cảm giác no (ngấy). Chẳng hạn, ăn bánh quy sẽ không bạn no bụng mà ngược lại còn khiến bạn cảm thấy đói hơn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: CL)

Da lão hóa nhanh hơn

Lượng đường dư thừa trong thực phẩm có thể cản trở quá trình hồi phục của collagen – loại protein giúp cho làn da chúng ta căng bóng. Do đó, khi ăn quá nhiều chất ngọt, da chúng ta sẽ dần mất đi tính co giãn cũng như sớm hình thành nếp nhăn. Thay vì các loại bánh kẹo, chúng ta nên ăn các loại trái cây hoặc rau củ.

Lượng đường dư thừa sẽ được tích tụ thành chất béo

Lá gan của chúng ta có khả năng hấp thụ và biến đổi các loại đường thành năng lượng. Tuy nhiên, nếu lượng đường vượt quá khả năng xử lí của gan, chúng sẽ bị biến đổi thành chất béo và tích trữ trong gan. Do đó, chúng ta sẽ có nguy cơ mắc các bệnh béo phì, tiểu đường type 2, cũng như bệnh tim mạch.

Phá hủy tế bào

Theo Tiến sĩ Lustig, đường fructose thúc đẩy quá trình oxy hóa trong tế bào. Vì thế, khi cơ thể hấp thụ quá nhiều loại đường này, các loại protein, mô và các bộ phận khác có nguy cơ bị tổn thương khiến bạn dễ mắc các bệnh gan, thận, đục thủy tinh thể,...

Chất ngọt cũng gây nghiện

Đường và các chất ngọt sẽ khiến cơ thể sản sinh ra dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh khiến chúng ta thèm ngọt hơn nữa.

Bánh quy chỉ khiến bạn đói hơn. (Nguồn: YouTube)

Ăn đồ ngọt gây stress

Theo một số nghiên cứu, các loại đồ ngọt có thể làm giảm mức độ hormone cortisol (một loại hormone gây stress) trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều đường, chất ngọt sẽ kích thích hội chứng kháng insulin – một tác nhân khiến cơ thể bị stress từ bên trong. Theo Tiến sĩ Lustig, cách tốt nhất để thư giãn đầu óc là nên đổ mồ hôi: “Tập thể dục là cách trị stress tốt nhất. Các bài tập thể dục giúp tinh thần chúng ta hưng phấn cũng như giúp giảm nồng độ hormone cortisol trong cơ thể”.

Làm giảm năng lượng

Carbonhydrate tinh luyện (dạng carbohydrate đơn giản, không tốt) trong bánh mì hoặc mì pasta làm gia tăng lượng glucose trong máu một cách nhanh chóng, do đó chúng ta sẽ cảm thấy khỏe khoắn (tuy nhiên, chỉ trong một lúc). Sau đó, cơ thể chúng ta sẽ trở nên uể oải, lờ đờ. Thay vì tiêu thụ các món ăn chứa nhiều đường, chúng ta nên chọn những món ăn giàu protein cho các bữa ăn nhẹ, ví dụ như rau củ quả, sữa chua,... Những món ăn này sẽ giúp chúng ta ổn định lượng đường trong máu cũng giúp chúng ta duy trì năng lượng lâu dài.

(theo Time)