TIN LIÊN QUAN | |
Thông điệp từ phục trang của ông Kim Jong-un tại cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều | |
Ông Trump tự hào là người dũng cảm kiến tạo hòa bình Mỹ - Triều |
Sự kiện lịch sử này đã khép lại, sau cái bắt tay cuối cùng giữa hai nguyên thủ và buổi họp báo mang tính chất “đại công cáo thành” của ông chủ Nhà Trắng. Không hoan hỉ sao được, khi ông Trump là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên gặp trực tiếp một nhà lãnh đạo Triều Tiên kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên năm 1953. Lãnh đạo các nước, từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều dành những lời “có cánh” cho sự kiện này.
Tuy nhiên, gạt sang một bên nhiều câu từ hoa mỹ, có thể nhận thấy rằng bên cạnh thành công đạt được, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo cũng phơi bày không ít bất đồng và khó khăn còn tồn tại trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trang sử mới
Nửa năm trước, ít ai có thể tưởng tượng rằng sẽ có một ngày ông Trump và ông Kim Jong-un cùng nhau tản bộ, thưởng thức cơm chiên Dương Châu hay bông đùa bên chiếc xe “Quái Thú” của ông chủ Nhà Trắng. Chắc chắn rằng, mối quan hệ cá nhân được bồi đắp trong thượng đỉnh lần này sẽ là tiền đề tốt cho các cuộc gặp song phương sắp tới, tạo động lực thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay trong cuộc gặp lịch sử ngày 12/6 tại Singapore. (Nguồn: Time) |
Tuy nhiên, phải nói rằng cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều may mắn khi đã “gặp thời”. Chỉ có một nhà lãnh đạo với tính cách khác thường như ông Trump mới “liều lĩnh” chấp nhận lời mời tham dự thượng đỉnh song phương với Triều Tiên, điều mà những người tiền nhiệm của ông, đặc biệt là cựu Tổng thống Bill Clinton, không làm được.
Tương tự, việc được du học ở Thụy Sỹ, tiếp thu nền văn hóa phương Tây, dường như đã ảnh hưởng không nhỏ tới quan điểm của ông Kim Jong-un rằng tiềm lực kinh tế, thay vì quân sự, mới làm nên một quốc gia lớn mạnh. Song, khó có thể biết rằng thỏa thuận sơ bộ được đánh giá là “yếu”, thiếu tính ràng buộc giữa ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể mang lại điều mà ông Kim, cũng như cộng đồng quốc tế hằng mong muốn hay không.
Và những lo âu cũ
Theo đó, bốn điểm chính trong văn bản được ký kết bao gồm: Mỹ và Triều Tiên cam kết thiết lập quan hệ Mỹ - Triều mới phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng; Hai nước sẽ cùng nỗ lực xây dựng một chế độ ổn định và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên; Tái khẳng định Tuyên bố Panmunjom (Bàn Môn điếm) ngày 27/4/2018, Triều Tiên cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa toàn diện bán đảo Triều Tiên; Mỹ và Triều Tiên cam kết truy tìm hài cốt, tù nhân chiến tranh, bao gồm việc đưa những người đã được nhận dạng về nước ngay lập tức.
Không ít chuyên gia cho rằng thỏa thuận giữa ông Trump và ông Kim mang tính biểu trưng hơn là đem lại những giá trị thực chất cho quá trình phi hạt nhân hóa. Theo họ, Mỹ đã nhân nhượng và từ bỏ quá nhiều, để đổi lại một vài hứa hẹn không chắc chắn từ phía Triều Tiên. Ông Anthony Ruggiero thuộc Viện Nghiên cứu Quỹ Bảo vệ Dân chủ nhận định: “Chúng ta chưa biết liệu ông Kim đã có quyết định mang tính chiến lược nhằm phi hạt nhân hóa hay chưa, cũng như liệu các cuộc gặp tiếp theo có thể thúc đẩy tiến trình này hay không”.
Ngôn ngữ của bản thỏa thuận vẫn mang tính chung chung, thiếu sự ràng buộc liên quan đến gỡ bở chương trình hạt nhân của Triều Tiên dù đã được cải biên ít nhiều từ tuyên bố chung thượng đỉnh liên Triều hồi tháng Tư. Các vấn đề “nóng” như nhân quyền, thả tù nhân, tìm hài cốt chiến tranh cũng không đi vào chi tiết cụ thể. Khẳng định của ông Trump về việc ông Kim cam kết đóng cửa bãi thử tên lửa, gỡ bỏ lượng vũ khí hạt nhân “đáng kể” không xuất hiện trong văn bản.
Một quan ngại khác có thể kể đến là việc ông Trump khẳng định sẽ cân nhắc rút quân khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc tại thời điểm thích hợp, sớm đưa hơn 70,000 binh lính Mỹ “về nhà”. Nếu thành hiện thực, động thái này có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc tiếp tục duy trì ảnh hưởng kinh tế và chính trì lên Triều Tiên, tăng cường vị thế trong khu vực Đông Bắc Á. Hàn Quốc, với ưu tiên giải quyết vấn đề Triều Tiên, cho biết sẽ cân nhắc ngưng tập trận chung với Mỹ để ủng hộ thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa qua. Tuy nhiên, Nhật Bản, dù đã tuyên bố sẽ hỗ trợ kinh phí Triều Tiên phi hạt nhân hóa giai đoạn đầu, tiếp tục khẳng định sẽ duy trì tập trận trung với Mỹ và tăng cường phòng thủ tên lửa đạn đạo, nhằm đảm bảo an ninh tại khu vực Đông Bắc Á, ít nhất là cho đến khi Bình Nhưỡng có bước đi mang tính thực chất và xây dựng.
Có thể nói rằng thành công của thượng đỉnh Mỹ - Triều đã đóng góp không nhỏ vào việc hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, trước những bất đồng và thách thức còn tồn tại, Washington, Bình Nhưỡng, cũng như Seoul và Tokyo sẽ phải tích cực “vào cuộc”, biến những cam kết thành hiện thực, mang lại hòa bình ổn định cho khu vực Đông Bắc Á và thế giới.
Mỹ - Triều đồng thuận về tiến trình phi hạt nhân hóa "theo giai đoạn" và "đồng thời" Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 13/6 đưa tin, nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chia sẻ ... |
Họp báo Thượng đỉnh Mỹ - Triều: "Hòa bình trong tầm tay!" Đây là khẳng định của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi họp báo về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12/6 trước ... |
Ông Kim Jong-un không dùng bút có chữ ký Trump để ký thỏa thuận quan trọng Một chi tiết bất thường đã được phóng viên phát hiện khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un chuẩn bị đặt bút ký văn kiện quan ... |