Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung chủ trì Tọa đàm “Đối ngoại Đa phương Việt Nam: Đóng góp 75 năm qua và định hướng trong thời kỳ chiến lược mới”. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Cơ hội quý báu hội tụ các nhà ngoại giao đa phương kỳ cựu
Cuộc tọa đàm diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung và có sự tham gia của các nhà ngoại giao đa phương kỳ cựu như Đại sứ Lê Lương Minh, nguyên Tổng Thư ký ASEAN; Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền, nguyên Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế Bộ Ngoại giao; Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp của Ban Thư ký quốc gia ASEAN 2020, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC), cùng các cán bộ làm công tác đối ngoại và nghiên cứu từ các đơn vị trong Bộ Ngoại giao.
Tọa đàm là cơ hội quý báu để trao đổi sâu, thực chất, cùng nhìn lại, đánh giá những đóng góp của đối ngoại đa phương (ĐNĐP) Việt Nam trong chặng đường 75 năm qua. Các diễn giả cũng nhân dịp này đưa ra các dự báo về cục diện tình hình thế giới, chỉ ra những khó khăn, thách thức chính với chủ nghĩa đa phương và một số cơ chế chủ chốt trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu.
Toạ đàm cũng là dịp để thảo luận, nêu đề xuất về một số ưu tiên, trọng tâm để Việt Nam có thể thúc đẩy, phát huy vai trò trong các định chế đa phương trong thời gian tới.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của chủ đề thảo luận đối với công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại đa phương nói riêng trong thời điểm hiện nay. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tại Tọa đàm, Thứ trưởng Lê Hoài Trung đã khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của chủ đề thảo luận đối với công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại đa phương nói riêng trong thời điểm hiện nay.
Theo Thứ trưởng, tọa đàm là cơ hội đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, dự báo, công tác phối hợp liên ngành, giữa các cơ quan trong và ngoài nước; và đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ – nhân tố then chốt trong triển khai các hoạt động đối ngoại đa phương.
Chặng đường phát triển ngày càng toàn diện và sâu rộng của đối ngoại đa phương Việt Nam. (Nguồn: Vụ Các TCQT) |
Đóng góp của đối ngoại đa phương trong 75 năm qua
Với bề dày kinh nghiệm làm ngoại giao đa phương, Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền khẳng định vai trò to lớn của ĐNĐP trong từng thời kỳ của đất nước. Đại sứ Minh Huyền ví NGĐP như “mũi xung kích” trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại, góp phần phá thế bao vây cấm vận, tạo điều kiện bình thường hóa và phát triển quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn.
Theo nữ Đại sứ, nhờ có ĐNĐP, ta đã kêu gọi được sự ủng hộ của các nước, sự viện trợ của các tổ chức quốc tế nhằm khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh.
Trong phần trình bày dẫn đề tại Tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nêu bật 6 vai trò lớn của ĐNĐP trong “chặng đường lịch sử” 75 năm phát triển và trưởng thành.
Một là, ĐNĐP là khâu đột phá quan trọng phá thế bao vây cấm vận, tạo điều kiện bình thường hóa và phát triển quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn. Việc Việt Nam trở thành thành viên của Liên hợp quốc (9/1977) có ý nghĩa chính trị - pháp lý quan trọng, khẳng định vị thế đầy đủ của một nước Việt Nam độc lập, thống nhất.
Hai là, ĐNĐP giúp triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại mở cửa, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, mở rộng và tăng cường các mối quan hệ song phương và hội nhập quốc tế. Môi trường quốc tế hậu chiến tranh lạnh và chủ trương đổi mới, mở cửa của Đảng và Nhà nước ta đã tạo điều kiện cho ĐNĐP Việt Nam phát triển mạnh, đồng bộ hơn và sâu rộng hơn. Cùng với quan hệ song phương, hợp tác đa phương, đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN, góp phần hình thành mạng lưới đan xen lợi ích dài hạn, rộng lớn chưa từng có giữa Việt Nam với các đối tác then chốt, các trung tâm kinh tế-chính trị toàn cầu.
Ba là, ĐNĐP góp phần quan trọng nâng cao vị thế đất nước ở khu vực và tầm toàn cầu. Điều này thể hiện rõ qua việc Việt Nam đảm nhận thành công nhiều trọng trách đa phương: Cấp cao Pháp ngữ 1997, ASEAN 2001, ASEM 2004, APEC 2006, HĐBA LHQ 2008-09, ASEAN 2010…
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Bốn là, ĐNĐP đóng góp quan trọng trong đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Qua đó, ta đấu tranh ngoại giao và công luận trong bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông tại ASEAN, ARF, EAS, Diễn đàn Shangri-la, LHQ, KLK, ASEM…, đề cao giải quyết hòa bình tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS, quy tắc ứng xử chung.
Năm là, ĐNĐP góp phần thúc đẩy đổi mới trong nước, huy động nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực hiện các cam kết quốc tế, luật lệ, chuẩn mực chung của LHQ (MDGs, SDGs, COP21), WTO, ASEAN, APEC, các FTA… là động lực quan trọng thúc đẩy quá trình thay đổi tư duy, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thể chế chính sách về kinh tế, thương mại, đầu tư, phương thức quản lý kinh tế theo quy luật thị trường ở nước ta.
Bên cạnh đó, việc tham gia mạng lưới liên kết đa phương đóng góp quan trọng thu hút nguồn lực quốc tế để phát triển kinh tế-xã hội, quảng bá và kết nối các địa phương, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tranh thủ hỗ trợ phát triển, kinh nghiệm, trình độ quản lý.
Cuối cùng, ĐNĐP là môi trường quan trọng để đội ngũ cán bộ ngoại giao rèn luyện phẩm chất, nâng cao trình độ và trưởng thành một cách toàn diện.
Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền khẳng định vai trò to lớn của ĐNĐP trong từng thời kỳ của đất nước. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Chính sách thiết yếu, hữu hiệu để thúc đẩy lợi ích quốc gia dân tộc
Nhìn lại chặng đường đã qua, những nhà ngoại giao làm đa phương không khỏi tự hào bởi những dấu mốc đáng nhớ khi Việt Nam tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, APEC, LHQ... Qua đó, Việt Nam đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu.
Theo các diễn giả, đối với các nước tầm trung và nhỏ có vị trí địa chiến lược như nước ta, ĐNĐP là một chính sách thiết yếu, hữu hiệu để thúc đẩy lợi ích quốc gia dân tộc, gia tăng sức mạnh mềm, phát triển hài hòa quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Lê Đình Tĩnh đánh giá sự thành công của Việt Nam cũng như các quốc gia châu Á trong việc tận dụng làn sóng chủ nghĩa khu vực trước đây để tạo dựng các thể chế đa phương có tính chất khu vực hơn (các thể chế do ASEAN dẫn dắt, APEC, các cơ chế hợp tác tiểu vùng…)
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhận định, để giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, quan hệ đối ngoại luôn là nền tảng quan trọng để hoạch định và triển khai ngoại giao đa phương.
Mặt khác, các diễn giả cũng nhất trí về sự “không thể tách rời”, bổ trợ cho nhau giữa ngoại giao đa phương và ngoại giao song phương.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Lê Đình Tĩnh. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Xu hướng chủ đạo trong trung hạn
ĐNĐP được dự báo vẫn sẽ là một trong những xu thế chủ đạo của thế giới trong trung hạn. Các diễn giả tin rằng, ĐNĐP sẽ tiếp tục là một trong những công cụ chính để các nước lớn tập hợp lực lượng trong cạnh tranh chiến lược.
Tiếp tục cụ thể hóa nội dung và tinh thần Chị thỉ 25 của Bộ Chính trị về nâng tầm ngoại giao đa phương, ĐNĐP như một phần thiết yếu, là định hướng lớn, trong đối ngoại, phục vụ cả lợi ích chiến lược và lợi ích cụ thể, thiết thực.
Tuy nhiên, ĐNĐP trong bối cảnh mới đòi hỏi cách tiếp cận, tư duy chiến lược dài hạn, kế hoạch tổng thể cho từng giai đoạn, nhằm bảo đảm mục tiêu, chủ động, linh hoạt ứng xử và thích ứng với tình hình quốc tế.
Đặc biệt, hoạt động ĐNĐP phải luôn theo phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, khéo léo điều hòa, xử lý khác biệt, nhất là giữa các nước lớn. Phương châm này chính là nhân tố quan trọng bảo đảm thành công hoạt động đa phương, nhất là khi ta đóng vai trò chủ trì, điều hành.
Bên cạnh đó, việc phát huy sức mạnh mềm, vị thế mới có ý nghĩa quan trọng tạo thêm thế cho hoạt động ĐNĐP, ngay cả khi nguồn lực vật chất hạn chế.
Việc triển khai đồng bộ ĐNĐP của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Nhân dân và phối hợp liên ngành chặt chẽ là nhân tố quan trọng củng cố đồng thuận trong nước, tạo sức mạnh tổng hợp, sự chủ động và hiệu quả của ĐNĐP.
Những bất cập trong triển khai ĐNĐP thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng cho thấy tầm mức thành công của việc nâng tầm, vai trò của đất nước tại các diễn đàn đa phương tùy thuộc nhiều vào năng lực của đội ngũ, nhất là đội ngũ chuyên gia.
Đại sứ Lê Lương Minh. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đại sứ Lê Lương Minh đã chia sẻ những trăn trở về thế hệ cán bộ làm ĐNĐP kế cận, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trẻ nối gót, đặc biệt để tham gia làm việc tại các cơ quan của LHQ.
Theo nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh, bối cảnh nhiều thách thức không biên giới như đại dịch Covid-19, cạnh tranh không gian mạng… là cơ hội để ta phát huy vai trò của ngoại giao đa phương, tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Kết thúc Tọa đàm, Thứ trưởng Lê Hoài Trung đánh giá cao những đóng góp của các diễn giả, đồng thời khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của chủ đề thảo luận đối với công tác đối ngoại nói chung và ĐNĐP nói riêng trong thời điểm hiện nay.
Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi Tọa đàm:
Tọa đàm có sự tham dự đông đảo đại diện các đơn vị trong Bộ. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Các đại biểu tham dự Tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức Quốc tế Đỗ Hùng Việt trao đổi bên lề tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
| Đối ngoại đa phương Việt Nam: Chặng đường đầy tự hào TGVN. Ngày 4/11, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Tọa đàm “Đối ngoại đa phương Việt Nam: Đóng góp 75 năm qua và định hướng ... |
| Phụ nữ, hòa bình và an ninh là một trọng tâm trong đối ngoại đa phương của Việt Nam TGVN. Sáng ngày 30/10, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao đã phối hợp với Quỹ Konrad Adenauer (KAS, Đức) tổ chức Hội thảo quốc ... |
| Tâm thế mới của ngoại giao đa phương Việt Nam TGVN. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, hoạt động ngoại giao đa ... |