📞

Đối thoại 2+2 Mỹ - Ấn Độ: Bắt tay chặt để gặt hái nhiều

Sinh Thành 16:33 | 21/12/2019
TGVN. Mở rộng, làm sâu sắc hợp tác toàn diện ngoại giao và quốc phòng là mục tiêu Mỹ và Án Độ hướng tới tại Đối thoại 2+2 ngày 18/12 vừa qua tại Washington.
Các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao của Mỹ và Ấn Độ tại Họp báo chung sau khi kết thúc Đối thoại 2+2 tại Washington ngày 18/12. (Nguồn: Reuters)

Trong đối thoại kéo dài 3 tiếng đồng hồ, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai bên đã kiểm điểm lại tiến bộ đạt được trong hợp tác chiến lược an ninh quốc phòng kể từ Đối thoại lần đầu tổ chức tháng 9/2018 tại New Delhi. Tuyên bố chung của cuộc gặp, phát biểu của các bộ trưởng cho thấy hai bên đã có bước tiến quan trọng trong hợp tác quốc phòng, hợp tác khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và một số lĩnh vực khác.

Tạo đột phá trong hợp tác quốc phòng

Về quốc phòng, hai bên đã ký Phụ lục An ninh Công nghiệp (ISA), đảm bảo an ninh trong chuyển giao công nghệ nhạy cảm, cùng 3 thỏa thuận thuộc Sáng kiến Công nghệ và Thương mại Quốc phòng (DTTI) nhằm tăng cường hợp tác chế tạo và sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng cùng với thỏa thuận Hiệp ước An ninh và Tương thích Liên lạc (COMCASA) trong Đối thoại lần trước, ISA sẽ là đột phá trong hợp tác quốc phòng song phương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, trong năm qua, hợp tác quốc phòng song phương được đẩy mạnh không chỉ trong hải quân mà được mở rộng sang lục quân, không quân và lực lượng đặc biệt. Tháng 11/2019, hai bên lần đầu tổ chức tập trận chung 3 binh chủng mang tên Tiger Triumph và sẽ duy trì hàng năm.

Trong khi đó, người đồng cấp Ấn Độ Rajnat Singh xác nhận quan hệ quốc phòng Ấn – Mỹ mấy năm qua phát triển lên một tầm cao mới; việc ký COMCASA cùng Thỏa thuận Trao đổi Hậu cần (LEMOA) đẩy mạnh khả năng hợp đồng tác chiến giữa hai quân đội. Lần này, hai bên nhất trí mở rộng và nâng cấp quy mô tập trận chung và khai thác khả năng hợp tác trong phòng thủ vũ trụ, không gian mạng và lực lượng đặc biệt.

Hai bên cũng nhất trí lập được đường dây nóng cấp Bộ trưởng Quốc phòng; kết nối giữa Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Ấn Độ với Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ và cử sĩ quan liên lạc của Ấn Độ tới Căn cứ Hải quân của Mỹ ở Bahrain, đồng thời mời phía Mỹ cử sĩ quan liên lạc tới Trung tâm Phối hợp thông tin của Ấn Độ nhằm tăng cường khả năng giám sát hàng hải.

Ồng Esper đánh giá thương mại quốc phòng song phương cũng tăng đáng kể; kim ngach buôn bán vũ khí hàng năm đã lên tới 18 tỷ USD. Thông tin cho biết Mỹ mới đây đã đồng ý bán cho Ấn Độ nhiều vũ khí, trang thiết bị hải quân hiện đại trị giá hơn 1 tỷ USD. Một lô vũ khí khác bao gồm 24 trực thăng đa năng hải quân MH-60 Romeo Seahawk trị giá 2,6 tỷ USD đã được Lầu Năm góc thông qua tháng 4/2019, giúp Hải quân Ấn Độ tăng khả năng chống tàu chiến và tàu ngầm.

Mới đây, Hội đồng Mua sắm Quốc phòng Ấn Độ (DAC) cũng thông qua việc mua 6 máy bay do thám và chống ngầm P-8I của Boeing. New Delhi cũng đang xúc tiến mua một lô thiết bị quân sự nữa từ Mỹ nhằm trang bị cho hạm đội tại quần đảo Adaman Nicobars và Goa.

Máy bay do thám Boeing P-8I trong biên chế Không quân Ấn Độ. (Nguồn: DefPost)

Phía Ấn nhắc lại ưu tiên nâng cấp từ mua bán vũ khí lên chuyển giao công nghệ quốc phòng, tăng cường đầu tư của các công ty quốc phòng Mỹ vào Ấn Độ theo chương trình “Sản xuất tại Ấn Độ”. Hợp tác sản xuất công nghiệp quốc phòng cũng giúp Ấn Độ phát triển 2 hành lang công nghiệp quốc phòng ở Tamil Nadu và Uttar Pradesh. Tâp đoàn Tata của Ấn Độ và Lockheed Martin, Boeing của Mỹ đã thiết lập liên doanh chế tạo các thiết bị cho máy bay và trực thăng. Boeing hiện có chuỗi 160 nhà cung cấp thiết bị tại Ấn Độ.

Tìm điểm tương đồng, mở rộng hợp tác

Về các vấn đề quốc tế và khu vực, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnat Singh khẳng định 2 bên có nhiều điểm tương đồng trong hầu hết các vấn đề. Bộ trưởng Quốc phòng Esper khẳng định Mỹ và Ấn Độ có lợi ích ràng buộc đối với tự do, rộng mở và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; song phương cam kết hợp tác, cùng với các đồng minh và đối tác đạt được tầm nhìn chung đối với khu vực. Hai bên cũng đánh giá cao Cuộc gặp 4 bên cấp Bộ trưởng tổ chức lần đầu tại New York, tăng cường hợp tác an ninh ba bên Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ; Ấn Độ tham gia tuần tra chung (Group Sail) lần đầu tiên vì tự do hàng hải đầu năm nay. Ông Singh cũng đề nghị Mỹ tham gia Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do Thủ tướng Narendra Modi đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 14 tại Bangkok ngày 4/11, nhằm xây dựng khu vực rộng mở và bao trùm.

Bộ trưởng Ngoại giao Subrahmanyam Jaishankar nhấn mạnh thêm rằng mục đích hợp tác giữa Ấn Độ và Mỹ là xây dựng một Ấn Độ dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm, hòa bình và thịnh vượng, trên cơ sở vai trò trung tâm của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); thúc đẩy kết nối, hợp tác phát triển và sự đồng điệu giữa các nước khu vực.

Trong Đối thoại lần này, hai bên nhất trí tăng cường năng lực gìn giữ hòa bình cho đối tác tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chương trình ba bên giữa Mỹ - Ấn Độ với các nước châu Phi, mở rộng tìm kiếm đối tác khác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để hợp tác trong lĩnh vực này. Hai bên cũng trao đổi về thách thức khu vực hiện nay, trong đó có hệ thống mạng 5G của Trung Quốc và hoạt động kinh tế có tác động tiêu cực và không công bằng của nước này ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Về phần mình, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Mỹ đồng ý tham gia vào Liên minh Cơ sở hạ tầng chống thiên tai do Ấn Độ thành lập; hai bên đang phối hợp chặt chẽ về tình báo và ngoại giao nhằm đối phó với mối đe dọa khủng bố. Hai bên cũng trao đổi về tình hình Afghanistan, Pakistan, Nepal, Sri Lanka. Phía Mỹ ủng hộ sự tham gia của Ấn Độ trong dự án Cảng Chabahar vì lợi ích to lớn đối với Afghanistan.

Về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và giao lưu nhân dân, Ngoại trưởng Pompeo cho biết hai bên đang thảo luận để đạt thỏa thuận thương mại công bằng. Hai năm qua, xuất khẩu dầu thô, khí hóa lỏng Mỹ sang Ấn Độ tăng 6 tỷ USD. Về khoa học công nghệ, hai bên đã đạt thỏa thuận về quản lý nguồn nước. Ngoài ra, Washington và New Delhi cũng thông qua hai sáng kiến. Thứ nhất là Chương trình trao đổi giữa các Nghị sỹ thuộc Nhóm Ấn Độ (India Caucus) và Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ. Thứ hai là sáng kiến các nhà sáng chế trẻ Mỹ - Ấn Độ, tạo cơ hội cho lãnh đạo doanh nghiệp trẻ hai nước thực tập trong các lĩnh vực khoa học và kinh tế chủ chốt. Hiện Mỹ có 200.000 sinh viên Ấn Độ, đóng góp 7 tỷ USD cho kinh tế Mỹ.

Cộng đồng người Ấn Độ tại Mỹ có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế Mỹ - Giám đốc Điều hành Microsoft Nadella Satya là một trong số đó. (Nguồn: Investo)

Đánh giá về kết quả đạt được, Bộ trưởng Ngoại giao Jaishankar cho rằng cuộc đối thoại 2+2 lần này đã đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Quan hệ song phương trong vài tháng gần đây rất sôi động, với 5 chuyến thăm cấp bộ trưởng cùng nhiều đối thoại và trao đổi. Riêng trong năm 2019, Thủ tướng Modi và Tổng thống Trump đã gặp 4 lần. Ông cho rằng nỗ lực hợp tác song phương không chỉ nhằm bổ sung sức mạnh, mà còn mang tới lợi ích cho hai nước và cả khu vực. Ngoại trưởng Pompeo khẳng định Mỹ ưu tiên thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ; Đối thoại 2+2 là hòn đá tảng của quan hệ Đối tác chiến lược Ấn – Mỹ.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng quan hệ song phương còn tồn tại nhiều thách thức như tranh chấp thương mại, tác động lệnh trừng phạt Nga, Iran của Mỹ tới Ấn Độ.