Tuy nhiên, đối mặt với một vụ rắc rối liên quan đến người thân đang làm ông đau đầu. Đó là sau khi anh trai ông, Fabricio Correa, cung cấp dẫn chứng khiến Bộ Tư pháp tiến hành điều tra các cố vấn thân cận của ông mặc dù bản thân Fabricio cũng là trung tâm của một vụ bê bối khác.
Fabricio từng là người đứng ra gây quỹ cho chiến dịch tranh cử của em trai năm 2006. Sau khi Rafael bước được chân vào dinh tổng thống, Fabricio nhận được nhiều hợp đồng từ Chính phủ, chủ yếu là liên quan đến dầu khí và xây dựng đường sá với trị giá khoảng 167 triệu USD, nhiều hơn bất kỳ hợp đồng nào mà nhà kỹ sư này giành được từ chính phủ trước. Fabricio đã “lách” quy định cấm thân nhân của các quan chức nhận hợp đồng từ chính phủ bằng cách đăng ký công ty ở Panama trong đó ông là cổ đông chính.
Khi tờ Expreso ở địa phương công bố sự việc lên mặt báo, Tổng thống Correa ban đầu bác bỏ thông tin này và cho đây là một đòn tấn công vào gia đình ông. Nhưng công chúng có vẻ tin vào báo chí nhiều hơn nên sau đó Tổng thống thay dồi thái độ và yêu cầu hủy bỏ các hợp đồng đồng thời chỉ trích anh trai là bị “mất trí vì lòng tham”.
Nhưng vấn đề không ngừng ở đó. Bộ trưởng các vấn đề công cộng đã từ chức thay vì hủy các hợp đồng. Còn Fabricio phản công, cáo buộc em trai là có “mưu mô” với các cố vấn và trao cho văn phòng Bộ Tư pháp một hộp bìa các tông ghi dòng chữ “bằng chứng tham nhũng”. Ông khẳng định, Chánh văn phòng của Tổng thống đã nhận hối lộ.
Mặc dù các cố vấn của Tổng thống Correa đã bác bỏ cáo buộc. Nhưng sự việc cũng ít nhiều ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh của nhà lãnh đạo vốn vẫn lớn tiếng vận động chống tham nhũng tại Ecuador. Còn nhớ, tại Brazil, ông Fernando Collor từng bị buộc phải từ chức Tổng thống năm 1992, sau khi anh trai Pedro tố cáo ông tham nhũng. Chừng nào mà Chính phủ Ecuador có thể duy trì được các chính sách kinh tế rộng rãi, tổng thống mới hy vọng giữ được sự ủng hộ từ những người dân nước này.
Mai Anh (Theo Economist)