Nhỏ Bình thường Lớn

Đồng thuận và khác biệt tại thượng đỉnh G20 về Afghanistan

Thượng đỉnh G20 về Afghanistan phản ánh sự đồng thuận cũng như một số khác biệt giữa các bên về cách giải quyết khủng hoảng tại đất nước Nam Á.
Thượng đỉnh khẩn G20 về Afghanistan: Hàng tỷ USD viện trợ, nêu cao quyền phụ nữ và 'không có nghĩa là' công nhận Taliban. (Nguồn: Reuters)
Thượng đỉnh khẩn G20 về Afghanistan ngày 12/10 do nước chủ nhà G20 là Italy tổ chức theo hình thức trực tuyến. (Nguồn: Reuters)

Đồng thuận về phương châm

Ngày 12/10, Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về Afghanistan đã diễn ra. Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và lãnh đạo nhiều nước châu Âu đã dự họp.

Tuy nhiên, lãnh đạo hai bên quan trọng trong tháo gỡ tình hình tại Kabul là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin lại vắng mặt.

Có ý kiến cho rằng điều này phản ánh lập trường khác nhau về tình hình hiện nay, song Thủ tướng Italy Mario Draghi khẳng định sự vắng mặt trên không làm giảm tầm quan trọng cuộc họp do Italy, hiện đang đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên G20, tổ chức.

Phát biểu sau thượng đỉnh, ông nhận định, khối cam kết giải quyết khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan, ngay cả khi phải phối hợp với Taliban.

“Về cơ bản, các bên đã tìm được quan điểm chung về nhu cầu giải quyết tình hình nhân đạo khẩn cấp … Đây là phản ứng đa phương đầu tiên với khủng hoảng Afghanistan... Dù vấp phải khó khăn, nhưng chủ nghĩa đa phương đang trở lại”, ông Draghi nói.

Theo Thủ tướng Italy, các bên dự họp đã nhất trí cao rằng cần sớm tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở Afghanistan, nơi các ngân hàng đang cạn tiền mặt, công chức không được trả lương và giá thực phẩm tăng vọt, khiến hàng triệu người đứng trước nguy cơ thiếu đói nghiêm trọng.

Phần lớn viện trợ sẽ được chuyển qua Liên hợp quốc. Các nước cũng sẽ trực tiếp giúp đỡ Afghanistan, dù vẫn từ chối công nhận Taliban. Ông Draghi khẳng định: “Rất khó giúp người dân Afghanistan mà không liên quan đến Taliban... nhưng điều đó không có nghĩa là công nhận họ.”

Theo ông, cộng đồng quốc tế sẽ đánh giá tính chính danh của Taliban thông qua hành động của lực lượng này. Hiện thế giới đặc biệt quan tâm đến hoàn cảnh của phụ nữ ở Afghanistan. Thủ tướng Italy Mario Draghi nhấn mạnh: “Tại thời điểm này, chúng tôi không nhận thấy có tiến triển”.

Trong tuyên bố chung sau thượng đỉnh G20, các bên đã kêu gọi Taliban xử lý các nhóm chiến binh hoạt động bên ngoài nước này, nhấn mạnh rằng các chương trình nhân đạo trong tương lai nên tập trung vào phụ nữ và trẻ em gái, mở lối đi an toàn cho người Afghanistan muốn rời khỏi đất nước.

Đáng chú ý, thượng đỉnh G20 về Afghanistan diễn ra chỉ hai tuần trước thượng đỉnh chính thức của lãnh đạo G20 tại Rome ngày 30-31/10, tập trung vào biến đổi khí hậu, phục hồi kinh tế toàn cầu, giải quyết nạn suy dinh dưỡng và dịch Covid-19.

Tuy nhiên, chắc chắn rằng khủng hoảng tại Kabul sẽ một lần xuất hiện tại sự kiện đặc biệt quan trọng của khối cuối tháng 10 này.

“Về cơ bản, các bên đã tìm được quan điểm chung về nhu cầu giải quyết tình hình nhân đạo khẩn cấp … Đây là phản ứng đa phương đầu tiên với khủng hoảng Afghanistan... Dù khó khăn, nhưng chủ nghĩa đa phương đang trở lại” - Thủ tướng Italy Mario Draghi.

Khác biệt về cách thức

Đồng thuận về phương châm là một chuyện, song các nước G20 cũng cho thấy một số khác biệt trong cách thức triển khai các hỗ trợ dành cho Afghanistan.

Cụ thể, Đức và một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chủ trương đẩy mạnh các khoản hỗ trợ về kinh tế cho Afghanistan, dù vẫn thận trọng với Taliban.

Phát biểu sau thượng đỉnh, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Tất cả chúng ta sẽ không được lợi gì nếu toàn bộ hệ thống tài chính/tiền tệ ở Afghanistan sụp đổ, vì khi đó viện trợ nhân đạo cũng không thể được cung cấp”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định: “Người dân Afghanistan không phải trả giá cho những hành động của Taliban”.

Trong cuộc họp, EU cũng công bố gói hỗ trợ 1 tỷ Euro (1,15 tỷ USD), gồm 300 triệu Euro (346 triệu USD) đã cam kết trước đó. Dù vậy, khối vẫn thận trọng và chưa công chính phủ lâm thời Taliban.

Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc lại chủ trương hợp tác với Taliban thông qua đối thoại.

Phát biểu tại thượng đỉnh, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tin rằng cộng đồng quốc tế nên duy trì đối thoại với Taliban để “kiên nhẫn và dần dần” định hướng lực lượng này thiết lập một chính quyền toàn diện hơn.

Theo ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ, hiện tiếp nhận hơn 3,6 triệu người Syria, không thể đón người di cư từ Afghanistan. “Điều không thể tránh khỏi là châu Âu cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi áp lực di cư Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu ở biên giới phía Nam và phía Đông của mình”, ông nói.

Đồng thời, ông Erdogan đề xuất thành lập một nhóm làm việc về Afghanistan trong khuôn khổ G20 và Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đứng đầu nhóm làm việc này. Thủ tướng Italy cho biết đề xuất trên rất thú vị nhưng vẫn cần các nước còn lại trong G20 đồng ý.

Về phần mình, trước cuộc họp, Trung Quốc đã yêu cầu dỡ bỏ biện pháp trừng phạt kinh tế với Afghanistan và bàn giao lại hàng tỷ tài sản đang phong toả cho Kabul.

Tuy nhiên, Mỹ và Anh, nơi có nhiều tài sản của Afghđang được nắm giữ, đang phản đối nỗ lực này và không đề cập đến vấn đề đó trong tuyên bố cuối cùng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. (Nguồn: Reuters)
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng cộng đồng quốc tế cấn đối thoại để dẫn dắt Taliban thành lập chính phủ toàn diện hơn. (Nguồn: Reuters)

Trong khi đó, Mỹ tiếp tục gạt vai trò của Taliban ra khỏi các nỗ lực tái thiết Afghanistan.

Một mặt, Washington vẫn cam kết hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, sử dụng biện pháp ngoại giao, nhân đạo và kinh tế hỗ trợ tình hình ở Kabul.

Người Phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho Afghanistan với 330 triệu USD chỉ trong năm nay.

Mặt khác, thông cáo của Nhà Trắng không đề cập đến Taliban: “Các nhà lãnh đạo đã thảo luận về sự cần thiết của việc duy trì nỗ lực chống khủng bố lâu dài của chúng tôi trước mối đe dọa từ ISIS-K, đảm bảo việc đi lại an toàn cho công dân nước ngoài và đối tác tìm cách rời khỏi đất nước này.”

Các nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định cam kết tập thể cung cấp hỗ trợ nhân đạo trực tiếp cho người dân Afghanistan qua các tổ chức quốc tế độc lập và thúc đẩy quyền con người cơ bản cho tất cả người dân gồm phụ nữ, trẻ em gái và nhóm thiểu số”.

Tương tự, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng không đề cập đến chính phủ mới của Taliban trong tuyên bố chiều 12/10 trên Twitter: “Chúng tôi cam kết hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế và sử dụng các phương tiện ngoại giao, nhân đạo và kinh tế để giải quyết tình hình ở Afghanistan và hỗ trợ người dân Afghanistan.”

Tuy nhiên, Trung tướng Lục quân Mỹ Keith Kellogg không đồng tình với cách tiếp cận này. Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia thời ông Donald Trump đã tức giận trước cách chính quyền ông Joe Biden xử lý hậu quả, cho rằng Nhà Trắng đang trốn tránh trách nhiệm khi để Taliban chiến thắng.

Ông Kellogg, đồng chủ tịch của Trung tâm An ninh Mỹ, nói: “Một lần nữa, nó cho thấy một khuôn mẫu nhất quán của Tổng thống Joe Biden: phớt lờ các mối đe dọa với đất nước của chúng ta - cho dù đó là Trung Quốc, vấn đề biên giới hay Taliban”.

Afghanistan: Nổ kinh hoàng ở đền thờ Hồi giáo dòng Shi'ite, nguy cơ thành thảm sát

Afghanistan: Nổ kinh hoàng ở đền thờ Hồi giáo dòng Shi'ite, nguy cơ thành thảm sát

Ngày 15/10, một vụ nổ đã làm rung chuyển đền thờ Hồi giáo dòng Shi'ite ở thành phố Kandahar, miền Nam Afghanistan.

Mỹ đánh giá thế nào về cuộc gặp với Taliban?

Mỹ đánh giá thế nào về cuộc gặp với Taliban?

Ngày 12/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã đưa ra nhận định về cuộc gặp giữa đại diện nước này với ...

(theo Washington Examiner)