📞

Dự án Dara Sakor ở Campuchia - một ‘kế hoạch trò chơi' khác của Trung Quốc?

22:33 | 28/12/2019
TGVN. Ngày 26/12, báo Times of India có bài viết phân tích về việc Trung Quốc chiếm lĩnh các vị trí quan trọng chiến lược trong khu vực thông qua viện trợ, đầu tư và “bẫy nợ”.    
Dự án Dara Sakor trị giá 3,8 tỷ USD do Trung Quốc đầu tư ôm trọn 20% chiều dài bờ biển Campuchia. (Nguồn: Asia Times)

Từ đầu năm đến nay, nhiều tờ báo đã chỉ ra ý đồ của Trung Quốc trong việc xây dựng một sân bay quốc tế ở Dara Sakor và cũng là một cảng biển nước sâu ở khu vực duyên hải Campuchia. Dự án Dara Sakor trị giá 3,8 tỷ USD do Trung Quốc đầu tư đã ôm trọn 20% chiều dài bờ biển Campuchia. Tập đoàn Thiên Tân Trung Quốc kiểm soát phần bờ biển bằng hợp đồng thuê đất 99 năm. Dự án Dara Sakor có kế hoạch (theo giai đoạn) xây dựng một sân bay quốc tế, một cảng nước sâu và khu công nghiệp cùng một khu nghỉ dưỡng sang trọng với các nhà máy điện, nhà máy xử lý nước và các cơ sở y tế.

Không phải dành cho du lịch

Điều quan trọng là thỏa thuận này phản ánh cách Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng kinh tế của mình để có được sự nhượng bộ ở các nước Đông Nam Á. Không có quy trình đấu thầu mở, Dự án Dara Sakor đã được trao với mức giá ưu đãi cao cho doanh nghiệp Trung Quốc, vi phạm các quy định cho thuê đất của Campuchia, vượt quá 3 lần thời gian mà luật đất đai Campuchia cho phép, thậm chí doanh nghiệp Trung Quốc được miễn tiền thuê đất trong 10 năm đầu.

Câu hỏi đang gây tranh cãi là tại sao một sân bay khổng lồ như vậy (đường băng dài 3.200m) và một cảng biển sâu lại đang được xây dựng ở đây. Dự kiến, sân bay mới sẽ có công suất 10 triệu hành khách mỗi năm, gấp đôi công suất tại sân bay Phnom Penh và gấp hơn 40 lần số lượng khách đến sân bay Sihanoukville năm 2017, nơi có nhiều khách sạn và sòng bạc của Trung Quốc. Điều này không phải dành cho khách du lịch như tuyên bố của chính quyền Campuchia. Các cảng nước sâu cũng không cần thiết cho du lịch. Phân tích về quy mô của đường băng và các cơ sở khác cho thấy rằng những thứ này không dành cho du lịch.

Khả năng quân sự hóa

Cảng biển nước sâu của Dự án Dara Sakor nằm trong mục tiêu quân sự hóa của Trung Quốc? (Nguồn: Asia Times)

Thiết kế của Dự án Dara Sakor được dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự. Điều này khẳng định thông tin trước đó của Mỹ rằng mục tiêu của Trung Quốc là quân sự hóa một số dự án cảng và sân bay do Trung Quốc tài trợ tại Campuchia. Trong những năm qua, Campuchia đã nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Năm 2018, Campuchia đã từ chối lời đề nghị của Mỹ để duy tu các công trình hậu cần tại Căn cứ Hải quân Ream, nơi mà trước đó Mỹ đã tài trợ.

Dự án Dara Sakor dường như là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Trung Quốc có kế hoạch xây dựng cảng và cơ sở hạ tầng chiến lược khác ở những nước như Myanmar, Sri Lanka và Pakistan cho thương mại nhưng thực sự sẽ mở đường cho Trung Quốc thiết lập thêm căn cứ quân sự ở Ấn Độ Dương sau khi có căn cứ quân sự Djibouti ở Ấn Độ Dương.

Vượt qua tất cả, mục tiêu của Bắc Kinh là thiết lập một trật tự trung tâm ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Để thực hiện điều này, Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát tất cả các tuyến đường biển ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) và các điểm dọc theo chuỗi đảo đầu tiên và sau đó tiến sâu vào Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Việc xây dựng các đảo nhân tạo, quân sự hóa và kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác ở Biển Đông là một phần của kế hoạch trò chơi này.

Những tác động nghiêm trọng

Sẽ có những tác động nghiêm trọng về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc gia tăng ở Campuchia. Đầu tiên, điều này có thể đóng vai trò là quân bài của Trung Quốc tại điểm chiến lược ở Biển Đông và từ đó sẽ tiếp tục leo thang căng thẳng và làm xáo trộn hòa bình và ổn định của khu vực.

Thứ hai, sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại Campuchia sẽ đe dọa sự gắn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. Có thể nhắc lại rằng vào năm 2012, vì ảnh hưởng và sức ép của Trung Quốc, cuộc họp của Bộ trưởng ASEAN đã không thể ra được tuyên bố chung.

Thứ ba, Trung Quốc giờ đây có thể mạnh tay hơn trong việc kiểm soát các đặc khu kinh tế của các nước láng giềng đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần đảo Phú Quốc.

Thứ tư, sự bá quyền của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể cản trở thương mại tự do của các nước bên ngoài với ASEAN.

Công nhân đang làm việc ở khu vực sẽ mọc lên sân bay mới. (Nguồn: Khmer Times)

Nuôi dưỡng sự phụ thuộc

Trung Quốc đang đổ rất nhiều tiền vào các quốc gia có vị trí quan trọng chiến lược trong khu vực thông qua viện trợ và đầu tư để nuôi dưỡng sự phụ thuộc về kinh tế và chính trị. Động cơ của việc tài trợ cho cơ sở hạ tầng quân sự lưỡng dụng nhằm làm cho các nước phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách áp dụng lãi suất cao đối với các khoản vay mà nước nhận viện trợ không thể trả được, sau đó gây áp lực cho chính phủ nước sở tại để đáp ứng nhu cầu chiến lược của Trung Quốc.

Trường hợp tài trợ của Trung Quốc tại cảng Hambantota của Sri Lanka là minh chứng rõ ràng cho kế hoạch lừa đảo này. Sức mạnh của Trung Quốc xuất phát từ chính sách ngoại giao “bẫy nợ” là mục tiêu chính của Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Trong khi chấp nhận tài trợ từ Trung Quốc, các quốc gia phải hiểu các rủi ro chính trị, ngoại giao và chiến lược tiềm tàng trong việc nắm bắt hoàn toàn Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế có trách nhiệm thực hiện các bước vững chắc để khiến Trung Quốc tuân thủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế tại các đặc khu kinh tế của các quốc gia khác.