Thủ tướng Angela Merkel chủ trương mở cửa tiếp nhận người di cư. (Nguồn: New York Daily news) |
Tuyên bố trên được bà Merkel đưa ra khi trả lời báo “Hình ảnh” (Bild), số ra ngày 12/10. Theo nữ Thủ tướng, việc tiếp nhận người tị nạn sẽ không khiến nước này phải tăng thuế để bù đắp cho những chi phí liên quan tới vấn đề này bởi trong những năm qua, kinh tế nước Đức đã được quản lý tốt.
Quyết định này của Thủ tướng Đức cũng trùng với thông báo của Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) hôm 11/10, bác bỏ thông tin cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng thuế để đối phó cuộc khủng hoảng này.
Thủ tướng Đức cũng cho biết, người di cư tới Đức tị nạn nên từ bỏ suy nghĩ sẽ dễ dàng được hưởng phúc lợi xã hội - lĩnh vực mà Đức chi trả khá cao cho người tị nạn so với các nước châu Âu khác. Cụ thể, chính phủ nước này sẽ tính toán lại để phân bổ chủ yếu đồ dùng hoặc hiện vật tại các cơ sở tiếp nhận người tị nạn, thay vì cấp tiền mặt cho họ.
Thủ tướng Merkel khẳng định sẽ vẫn áp dụng kế hoạch phát thẻ bảo hiểm cho người tị nạn với những điều kiện nhất định. Theo đó, trong 15 tháng đầu tiên, người tị nạn về cơ bản chỉ được điều trị những bệnh tật hiểm nghèo mà chưa được chữa trị với các dịch vụ y tế thông thường. Việc chi trả cho lĩnh vực này không lấy từ quỹ bảo hiểm y tế do các địa phương hay chính quyền các bang chi trả.
Để đưa hoạt động và cuộc sống của người di cư vào khuôn khổ, một dự luật liên quan với người tị nạn sẽ bắt đầu có hiệu lực trong tháng Mười Một tới.
Quyết định mở rộng cửa cho người nhập cư của bà Merkel đã gây ra nhiều tranh cãi trong nội bộ nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Hôm 9/10, Đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) - một đảng cánh hữu mới thành lập đầu năm 2013 đã gửi đơn kiện Thủ tướng Angela Merkel lên Viện Công tố Berlin với lý do bà này đã ra quyết định cho phép những người tị nạn đang mắc kẹt ở Hungary được phép tự do đến Đức. Theo AfD, hành động này là "đưa người vào Đức một cách bất hợp pháp".
AfD theo đuổi đường lối cứng rắn trong vấn đề khủng hoảng người di cư hiện nay. Đảng này yêu cầu Chính phủ phải dừng ngay lập tức việc tiếp nhận người di cư và tị nạn vào Đức và khẳng định các cơ sở tiếp nhận tại Đức hiện nay không "đáp ứng các chuẩn mực về quyền con người".
Thời gian qua, AfD cũng đã vận động được nhiều người Đức, nhất là người dân ở các bang miền Đông, ủng hộ các cuộc biểu tình lớn chống chính sách nhập cư của Chính phủ mà đảng này tổ chức tại thành phố Dresden, Erfurt....
Trước khi giải Nobel Hòa Bình 2015 được trao cho Bộ Tứ Đối thoại quốc gia Tunisia, bà Merkel nổi lên là ứng viên số 1 cho vinh dự này. Tuy nhiên, theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do Viện Emnid phối hợp với hãng tin N24 (Đức) thực hiện, chỉ có 19% số người Đức được hỏi cho rằng nữ Chủ tịch Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) xứng đáng với giải thưởng này, trong khi 73% có ý kiến ngược lại.
Phú Nguyên (tổng hợp)