Thủ tướng Đức cam kết, nước này sẽ đảm bảo an ninh năng lượng cũng như duy trì Ukraine là điểm trung chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu. (Nguồn: AP) |
Phát biểu họp báo bên cạnh Tổng thống Zelensky, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh, Ukraine sẽ vẫn là điểm trung chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu ngay cả khi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đưa khí đốt trực tiếp từ Nga qua Biển Baltic tới Đức hoàn tất.
Bà nhấn mạnh, Đức ý thức được những lo ngại của Ukraine trong vấn đề này và cam kết đảm bảo để Kiev tiếp tục là nhà trung chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu như hiện nay, thậm chí điều này sẽ được duy trì với mọi thủ tướng tiếp theo của Đức.
Nhà lãnh đạo Đức cũng nhấn mạnh, đối với Berlin, việc trung chuyển khí đốt qua Ukraine là cấu thành trong tổng thể nguồn khí đốt nhập khẩu của Đức; cả Đức và Pháp đều chung quan điểm rằng, Kiev cần tiếp tục là điểm trung chuyển năng lượng của châu Âu sau khi hiệp định trung chuyển khí đốt hiện nay giữa Nga và Ukraine hết hiệu lực vào cuối năm 2024.
Liên quan bất đồng với Mỹ về Dòng chảy phương Bắc 2, Thủ tướng Merkel cho rằng, chuyến thăm Mỹ của bà vào ngày 15/7 tới sẽ là cơ hội quan trọng để hai bên tìm được tiếng nói chung đối với dự án, song cũng bày tỏ hoài nghi về khả năng sớm đạt được giải pháp tại chuyến thăm này.
Trong cuộc họp báo, Thủ tướng Merkel cũng bày tỏ lấy làm tiếc khi tiến trình hòa bình cho Ukraine trong khuôn khổ thỏa thuận Minsk chưa đạt được nhiều tiến bộ.
Về phần mình, Tổng thống Zelensky ủng hộ một giải pháp cho những tranh cãi liên quan tới dự án Dòng chảy phương Bắc 2 thông qua nhóm định dạng Normandy gồm Ukraine, Nga, Pháp và Đức.
Ông Zelensky nhấn mạnh, Dòng chảy phương Bắc 2 là "mối đe dọa lớn" đối với an ninh của Ukraine, đồng thời kêu gọi đảm bảo nguồn cung năng lượng cho nước này trong tương lai.
Tổng thống Ukraine cũng cho rằng, Mỹ có thể tham gia tìm kiếm giải pháp ở một định dạng khác, đồng thời kêu gọi tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh nhóm Normandy để thảo luận về tiến trình hòa bình cho Đông Ukraine.
Trong vài năm qua, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 phải đối mặt với nhiều chỉ trích, kể cả từ một số nước châu Âu và Mỹ. Washington lo ngại dự án khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga và gây tổn hại về kinh tế đối với những quốc gia trung chuyển truyền thống, trước hết là Ukraine.
Về cuộc xung đột ở Đông Ukraine, tình hình ở khu vực này trong vài tháng qua đã trở nên căng thẳng trở lại khi quân chính phủ Ukraine và lực lượng đòi độc lập gia tăng các cuộc đụng độ bất chấp một lệnh ngừng bắn đang có hiệu lực.
Kể từ khi xung đột bùng phát năm 2014 đến nay đã có 13.000 thiệt mạng.
Ngày 12/7, đại diện các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng, kéo dài tới ngày 31/1/2022.
| Tin thế giới 12/7: Nga kín như bưng lệnh của ông Putin sau cuộc gọi với Mỹ; Ukraine chọc tức Nga? EU khởi động cuộc đua với Trung Quốc Quan hệ Nga với Mỹ, Ukraine, Liên minh châu Âu (EU); quan hệ EU với Trung Quốc, Israel; vấn đề Biển Đông, tình hình Bán ... |
| Cuộc tập trận Sea Breeze 2021 và những thông điệp ngầm Cuộc tập trận Sea Breeze 2021 đang thu hút sự chú ý của dư luận toàn cầu do được tổ chức tại Biển Đen, khu ... |