Tổng thống Nga Vladimir Putin theo dõi cuộc tập trận hải quân từ tàu tuần dương tên lửa Marshal Ustinov ở Biển Đen, gần bán đảo Crimea ngày 9/1/2020. (Nguồn: Sputnik) |
Trong một sự cố lớn vào cuối tháng 6, quân đội Nga cho biết Hạm đội Biển Đen của nước này đã nổ súng cảnh cáo tàu khu trục Defender của Anh, đồng thời máy bay ném bom Su-24 đã thả bom trên hành trình di chuyển của con tàu để buộc nó rời khỏi khu vực gần bán đảo Crimea mà Moscow tuyên bố là lãnh hải của mình.
Trong khi đó, London đã phủ nhận trách nhiệm và khẳng định tàu khu trục Defender đã di chuyển trong tuyến đường “đi lại thường xuyên” từ Odessa đến Gruzia qua các vùng biển của Ukraine.
Bộ Quốc phòng Hà Lan sau đó cũng cho biết về thông tin, chiến đấu cơ của Nga có trang bị bom và tên lửa không đối đất đã áp sát tàu chiến của Hà Lan và tiến hành các cuộc tấn công nghi binh và gây nhiễu hệ thống liên lạc.
Những sự cố liên tiếp xảy ra trong bối cảnh Mỹ và Ukraine dẫn đầu một cuộc tập trận quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Biển Đen mang tên "Sea Breeze" với sự tham gia của hơn 30 quốc gia.
Vậy kết cục của những vụ chạm trán ở Biển Đen sẽ là gì và việc “lên cơ bắp" như trên có thể nguy hiểm đến mức nào?
Nhà nghiên cứu chính sách cao cấp Gustave Gressel tại Hội đồng Nghiên cứu Đối ngoại châu Âu đã giải mã những vấn đề xung quanh điểm nóng này ở Biển Đen.
Chính là vì Crimea
Ông Gustave Gressel cho rằng, các động thái gần đây của Nga trước hết là một cách để khẳng định chủ quyền của nước này đối với Crimea. Chuyên gia này khẳng định: "Nga coi Crimea là của Nga và họ muốn phương Tây công nhận điều đó".
Khi Liên Xô tan rã, Crimea trở thành một phần của Ukraine và đã được Nga sáp nhập vào lãnh thổ của mình năm 2014. Do đó, Moscow tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển nói trên, tuy nhiên điều này không được hầu hết các nước công nhận, bao gồm Anh.
Thứ hai, Nga không muốn có bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của NATO ở Biển Đen và sẵn sàng gây hấn với bất kỳ tàu phương Tây nào tiến vào, đặc biệt là khu vực gần bán đảo Crimea.
Mới đây, Nga còn cho biết đang theo dõi một tàu hải quân Tây Ban Nha ở Biển Đen trên đường tham gia Sea Breeze.
Theo ông Gustave Gressel, sau khi sáp nhập Crimea, người Nga cũng đã có được rất nhiều giàn khoan và khí đốt ở Biển Đen và họ đang rất ráo riết kiểm soát chúng. Chuyên gia này nhấn mạnh: "Điều đó mang lại cho Moscow một vị thế có thể cắt đứt hoàn toàn hoạt động giao thông hàng hải của Kiev nếu muốn".
Tại sao lại là lúc này?
Ông Gressel lưu ý, những vụ việc tương tự không phải chưa từng xảy ra. Năm 2018, Moscow từng bắt giữ các tàu hải quân Ukraine và thủy thủ đoàn của họ tại khu vực gần eo biển Kerch nối liền Biển Đen với Biển Azov.
Khi đó, Nga tuyên bố các tàu Ukraine đã vi phạm thủ tục quá cảnh eo biển này, trong khi phía Ukraine phản bác rằng, họ đang đi trên vùng biển quốc tế.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nga đã nổ súng, sau đó bắt giữ các tàu và thủy thủ đoàn gồm 24 người Ukraine. Các thủy thủ đã bị giam giữ trong 10 tháng trước khi được thả. Chuyên gia Gressel đánh giá, sự cố eo biển Kerch năm 2018 thực sự khá nghiêm trọng, chỉ khác đó là tàu của Ukraine chứ không phải một cường quốc Tây Âu.
Hồi tháng 4, Nga đã tuyên bố các quy định hạn chế đối với tàu hải quân nước ngoài ở ngoài khơi Crimea trong vòng 6 tháng.
Quyết định này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Ukraine và các quốc gia phương Tây nhưng Moscow bác bỏ và cho rằng, các hạn chế sẽ không ảnh hưởng đến vận tải thương mại.
Sự cố với tàu hải quân Anh hồi tháng trước diễn ra tại một trong những khu vực hạn chế tàu hải quân nước ngoài, trong khi vụ việc tàu Hà Lan cũng nằm gần khu vực bị hạn chế.
Phương Tây “quá hiền”?
Đánh giá tất cả các sự cố gần đây, ông Gustave Gressel nhận định, Nga dường như đang chờ xem phản ứng của phương Tây. Nếu phương Tây không phản ứng quyết liệt, Moscow sẽ còn đẩy sự việc đi xa hơn hơn.
Ông Gressel cho hay phản ứng của các nước phương Tây cho đến giờ chủ yếu là "các cuộc tập trận và biểu ngữ phản đối".
Vị chuyên gia bày tỏ quan điểm: "Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là để người Nga thấy phương Tây sẽ không lùi bước. Các cuộc tập trận sẽ lặp lại thường xuyên. Các nước phương Tây vẫn tiếp tục tập trận với người Ukraine và vẫn tiến vào Biển Đen".
Đưa căng thẳng liên quan đến Crimea lên một nấc thang mới
Khi được hỏi về sự cố với tàu HMS Defender của Anh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích đây là một "hành động khiêu khích" nhằm kiểm tra phản ứng của Moscow.
Phát biểu trong một một chương trình phát sóng trực tiếp vào tuần trước, ông Putin khẳng định: "Đó rõ ràng là một sự khiêu khích, một hành động gây phức tạp không chỉ liên quan đến Anh mà còn cả đến Mỹ".
Ông Putin cho hay, một máy bay trinh sát Mỹ hoạt động cùng với tàu Anh khi sự cố xảy ra và rõ ràng nhằm theo dõi phản ứng của quân đội Nga đối với tàu HMS Defender.
Về phần mình, Lầu Năm Góc cũng thừa nhận, họ có máy bay hoạt động tại khu vực Biển Đen. Một quan chức Mỹ cho biết: “Chúng tôi vẫn hoạt động và theo dõi mọi thứ trong khu vực Biển Đen, như chúng tôi vẫn thường làm”.
Tuy nhiên, ông Putin khẳng định sự cố hải quân gần đây đã đưa căng thẳng liên quan đến việc sáp nhập Crimea lên một nấc thang mới: “Họ có thể tiếp tục phủ nhận việc sáp nhập Crimea, nhưng tại sao lại tiến hành những hành động khiêu khích như vậy?".
Ông chủ Điện Kremlin khẳng định, Nga đang chiến đấu cho chính mình và tương lai của mình trên lãnh thổ của mình.
“Không phải chúng tôi đã đi hàng nghìn cây số để đến với họ, chính họ đã đến biên giới của chúng tôi và xâm phạm lãnh hải của chúng tôi”, Tổng thống Nga Putin khẳng định trong chương trình.
Theo ông Putin, ngay cả khi Nga đánh chìm tàu Anh, cũng khó có khả năng đưa thế giới vào bờ vực của Thế chiến III bởi vì phương Tây biết rằng họ không thể trở thành người chiến thắng trong cuộc chiến.
Khả năng về một cuộc xung đột tại Biển Đen dấy lên sau cảnh báo của các quan chức Nga rằng, nếu một tàu chiến phương Tây tiếp tục tiến vào vùng biển này một lần nữa, quân đội Nga có thể nổ súng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, sự cố với tàu HMS Defender của Anh là một hành động khiêu khích của phương Tây nhằm thử phản ứng của Nga. (Nguồn: Sputnik) |
Sẽ không có Thế chiến III ở Biển Đen
Đánh giá khả năng sự cố giữa các tàu hải quân Nga-NATO có thể leo thang hơn nữa, chuyên gia Gressel nói: "Điều đó còn phụ thuộc vào đó là lực lượng hải quân của nước nào".
Riêng với Mỹ, các thủy thủ của lực lượng hải quân nước này từng tiết lộ, các thỏa thuận giảm thiểu sự cố của họ với Nga vẫn phát huy tác dụng.
Ông Gressel nhận định: "Tôi không cho rằng Thế chiến thứ III sẽ nổ ra từ những sự cố này. Đây là những tuyên bố của các tàu về các tuyên bố chủ quyền khác nhau, nhưng tất cả đều chỉ là tuyên bố".
Theo ông Gressel, đối với tàu Defender của Anh, phía Nga đã tỏ ra thận trọng dù tuyên bố rằng họ bắn qua mũi tàu và thả bom dọc hành trình. Chuyên gia về chính sách đối ngoại chỉ ra rằng: “Nga đã bắn với một khoảng cách xa và tránh gây ra điều gì quá nguy hiểm với đối với phương Tây và điều đó đã đủ để răn đe".
Ông Gressel kết luận, với một loạt các sự cố cho đến nay, mối quan hệ Nga-phương Tây tất nhiên không ở trong một vùng an toàn, nhưng cũng ở trong một biên độ có thể kiểm soát được.
| Nga cảnh báo về 'một phản ứng cứng rắn' sau vụ tàu Anh trên Biển Đen Hãng thông tấn RIA dẫn lời Điện Kremlin ngày 4/7 nhấn mạnh việc tàu Anh mà Nga cho là đã xâm nhập trái phép lãnh ... |
| Biển Đen 'dậy sóng', báo động nguy cơ đụng độ Nga-NATO Tình hình trên Biển Đen đang gia tăng căng thẳng khi liên tiếp những vụ 'lùm xùm' xảy ra giữa Nga với các nước NATO, ... |