(Nguồn: Getty Images) |
Nói đi đôi với làm
Các tác giả này cho rằng, G7 đã trở lại. Một "nước Anh toàn cầu” thời kỳ hậu Brexit đã tập hợp Nhóm 7 nền kinh tế phát triển và kêu gọi cải cách các quy tắc toàn cầu. Mỹ đã dừng các động thái phá hỏng các hội nghị quốc tế như trước đây. Thế giới đã từng thiếu vắng sự hợp tác và lãnh đạo toàn cầu đúng vào thời điểm cần nhất để đối phó với đại dịch Covid-19, nên sự trở lại của G7 là đáng hoan nghênh, tuy nhiên, để những tuyên bố phù hợp với thực tế là phần việc khó hơn nhiều.
Cuộc họp của các nhà lãnh đạo tại Cornwall đã kết thúc với những tuyên bố có vẻ rất “đao to búa lớn” nhưng cam kết tài trợ 1 tỷ liều vaccine Covid-19 cho các nước nghèo vẫn ở dưới con số mà các nước thực sự cần.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhất trí về một “Hiến chương Đại Tây Dương”, nhưng Hiến chương này cũng đơn giản chỉ là việc mở lại các tuyến đường xuyên Đại Tây Dương. Nước Anh đã gọi các tuyên bố là “đồng thuận Cornwall”.
Bài báo cho rằng, G7 không còn có vai trò quan trọng như trước nữa. Đó là lý do tại sao nhóm G20 (Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới) được nâng lên thành cuộc họp của các nhà lãnh đạo vào năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, G7 chiếm 46% nền kinh tế toàn cầu. Lần này, cộng thêm các nước không thuộc G7 cũng dự hội nghị thượng đỉnh, bao gồm Australia, Ấn Độ, Nam Phi và Hàn Quốc, tổng cộng các nước tham dự chiếm khoảng một nửa GDP toàn cầu. Tính theo sức mua tương đương, G7 chiếm 32% nền kinh tế toàn cầu và nhỏ hơn tổng cộng nền kinh tế 13 thành viên G20 còn lại.
Do đó, “Câu lạc bộ” các nền dân chủ tự do giàu có này không còn có thể tự mình đặt ra các quy tắc toàn cầu dù vẫn muốn đi đầu trong một nền kinh tế mở, dựa trên các quy tắc luật lệ.
Đầu tiên, G7 phải hiện thực hóa những điều họ đã tích cực hô hào. Vai trò lãnh đạo toàn cầu đòi hỏi phải đi đầu làm gương, ví như trong cam kết hành động mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. G7 đã kêu gọi cải tổ WTO và điều đó là đúng, nhưng G7 cũng không thể tự mình viết ra các quy tắc được.
Trong một bài viết, tác giả Shiro Armstrong, nhà kinh tế học của trường ĐH Chính sách Công Crawford đã đề cập đến một hội nghị ít được chú ý hơn của bộ trưởng thương mại các nước APEC trước đó 1 tuần và cho rằng đây là một ví dụ về hợp tác thương mại toàn cầu mà ít nhất cũng có kết quả.
Điều quan trọng là trong APEC, các trọng tâm khác với cách tiếp cận của G7, và nó bao gồm lợi ích của các nước đang phát triển.
Các quy tắc thương mại toàn cầu đã lạc hậu và chỉ giải quyết được một phần nhỏ trong thương mại toàn cầu. Sau khi Vòng đàm phán Uruguay chuyển GATT thành WTO, không có vòng đàm phán đa phương nào của WTO thành công, Đàm phán Doha cũng thất bại. Trong khi đó, rất cần các quy tắc để điều tiết các hoạt động trao đổi dịch vụ, đầu tư và kinh tế số, cũng như cần có kỷ luật đối với những hành động trợ giá trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và ngư nghiệp.
Tránh đổ lỗi Trung Quốc
Nhiều nước kinh tế phát triển đổ lỗi cho Trung Quốc vì đã khiến hệ thống thương mại hiện tại không hoạt động. Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc được bảo hộ và trợ cấp khiến cạnh tranh ở nước này bị méo mó, và bởi vì Trung Quốc quá lớn nên việc này tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu.
Đổ lỗi cho Bắc Kinh về một hệ thống lỗi thời, trong khi những nước khác đóng vai trò tương tự, là đã chẩn đoán sai vấn đề. Cải cách ở Trung Quốc sẽ hỗ trợ, nhưng không cứu được WTO. Các quy tắc hiện nay không có hiệu lực thi hành kể từ khi Mỹ phủ quyết việc bổ nhiệm các thẩm phán mới vào hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO. Ấn Độ vẫn nổi danh với lá phiếu phủ quyết trong các cuộc đàm phán của WTO về các vấn đề như tạo thuận lợi thương mại.
Không chỉ Trung Quốc mà thương mại toàn cầu hiện đại đã phát triển nhanh hơn việc điều chỉnh các quy tắc. Tranh chấp đang diễn ra tại nhiều lĩnh vực không có các quy tắc điều chỉnh. Ví như việc thiếu các quy tắc về đầu tư đa phương đã dẫn tới những lời cáo buộc công khai về việc bị áp chuyển giao công nghệ, ngoại giao bẫy nợ và cạnh tranh không lành mạnh.
Vai trò của nửa còn lại của thế giới
WTO cần sự ủng hộ rộng rãi, nếu không nói là đồng thuận, để cải cách và viết lại các quy tắc của mình. G7 cần Trung Quốc và nửa còn lại của thế giới tham gia cải tạo hệ thống thương mại toàn cầu.
Theo tác giả Armstrong, “một trong những nước đang phát triển - như Indonesia, chứ không phải Trung Quốc - có thể trở thành chìa khóa để cải cách các quy tắc thương mại toàn cầu”.
Indonesia sẽ là nước chủ nhà của G20 vào năm 2022, thời điểm vẫn chưa chắc chắc thế giới đã hoàn toàn khôi phục khỏi đại dịch Covid-19.
Ông Amstrong cũng cho rằng "là một quốc gia đang phát triển dân chủ, năng động với đa số là người Hồi giáo, Indonesia có đủ năng lực trong quản trị toàn cầu. Nước này có quy mô kinh tế và dân số chiếm gần một nửa trong ASEAN và đóng vai trò chủ tịch trong nhóm 33 nước đang phát triển thuộc WTO".
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết vào cuối năm ngoái tại Thượng đỉnh ASEAN, cũng đã được hình thành ở Indonesia. Các cải cách và các biện pháp mở cửa thị trường mà Bắc Kinh đã cam kết trong RCEP là rất quan trọng.
Ông Armstrong đã từng nhắc nhở rằng "Indonesia đã đưa ra sáng kiến cải cách WTO trong hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka vào năm 2019 nhưng đề xuất đã bị lu mờ bởi cạnh tranh Mỹ-Trung và các nước chủ nhà luôn phải tìm cách giữ cho Tổng thống Mỹ Donald Trump không làm tan nát hội nghị thượng đỉnh. Nhưng Indonesia sẽ có cơ hội đó vào năm tới".
Hai thập kỷ trước, G7 chiếm 65% nền kinh tế toàn cầu. Ngày nay, phần còn lại chiếm 55%. Cả G7 và phần còn lại của thế giới đều không thể một mình định hình nên thể chế thương mại toàn cầu.
Một G7 mở rộng nếu tìm cách loại trừ phần còn lại của thế giới sẽ gây nên một sự tan rã toàn cầu thời hậu Tổng thống Trump với nền kinh tế thế giới đang dần thu hẹp. Và Nhóm G20 vẫn còn cơ hội để tiến đến đạt được các quy tắc mới cho một trật tự toàn cầu hậu Covid-19.
*Ban biên tập của East Asia Forum đặt tại Trường Chính sách Công Crawford, Trường Đại học châu Á - Thái Bình Dương, Đại học Quốc gia Australia.