TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ không dự cuộc họp 3 bên với LHQ và Nga về Syria | |
Vấn đề Syria: Mỹ vội vàng, Nga đắc lợi |
Cuộc gặp đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger với Tổng thống Syria Hafez al-Assad, năm 1973, kéo dài tới tận 11h đêm, đến mức truyền thông bắt đầu đồn đoán về việc liệu có phải ông Kissinger bị bắt cóc. Kissinger nhớ lại trong hồi ký “Những năm tháng thăng trầm” rằng al-Assad “đàm phán kiên trì và táo bạo” nhằm giành được sự nhân nhượng từ phía Mỹ. Năm 1991, cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Mỹ James Baker và Tổng thống al-Assad cũng kéo dài gần 10 tiếng và chỉ dừng lại khi ông Baker cần vào phòng vệ sinh.
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Syria Hafez al-Assad (bên trái) và người đồng cấp Mỹ Bill Clinton tháng 3/2000 tại Geneva. (Nguồn: Reuters) |
Từ thời cha…
Nữ nhà báo Robin Wright cho rằng, các chính quyền Cộng hòa hay Dân chủ ở Mỹ đều “dụ dỗ và phỉnh phờ, kích động và ca ngợi, gần đây là đối đầu và lên án” gia đình al-Assad để khiến họ đưa ra những thay đổi chính sách.
Ngoại trưởng Mỹ Kissinger đã thực hiện 28 chuyến đi tới thủ đô Damascus của Syria để giải quyết hậu quả từ cuộc Chiến tranh Ả rập - Israel năm 1973. Cuối cùng, ông môi giới được một thỏa thuận với Tổng thống al-Assad, năm 1974, để giải phóng binh sĩ Syria và Israel dọc Cao nguyên Golan. Chưa đầy một tháng sau, Richard Nixon trở thành Tổng thống đầu tiên thăm Damascus. Nixon được chào đón bằng 21 phát đại bác và đi xe mui trần cùng al-Assad diễu qua hàng trăm lá cờ Mỹ bay phấp phới. Tấm biển trên lộ trình ghi rõ: “Damascus cách mạng chào đón Tổng thống Nixon”. Nhưng cả Nixon, người bị buộc phải từ chức hai tháng sau đó do vụ bê bối Watergate, lẫn người kế nhiệm Gerald Ford đều không thể lái những mối liên hệ với ông al-Assad thành nền hòa bình rộng hơn ở Trung Đông.
Theo Robin Wright, Assad có nghĩa là “sư tử”, và lãnh đạo Syria đã thể hiện vai trò như là “Con sư tử của Damascus”. Syria yếu ớt và bất ổn sau khi giành độc lập từ Pháp năm 1946. Nước này trải qua 20 cuộc đảo chính trong 21 năm. Cuộc đảo chính năm 1970 của Hafez al-Assad là cuộc cuối cùng và đưa ông lên nắm quyền tại Syria tháng 3/1971, ở tuổi 40. Để củng cố Nhà nước Syria, Tổng thống al-Assad “ngày càng trở nên cứng rắn với các đối thủ trong nước và khó bảo với thế giới bên ngoài”.
Năm 1977 tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng thống thứ 39 của Mỹ Jimmy Carter gặp lãnh đạo Syria al-Assad để thăm dò triển vọng tổ chức hội nghị Mỹ-Xô về hòa bình ở Trung Đông. Al-Assad không nhượng bộ. Ông yêu cầu trả lại lãnh thổ bị Israel chiếm và sự cân bằng chiến lược cho thế giới Ả rập. Carter nhớ lại, ông al-Assad sẵn sàng “đương đầu với những cuộc chạm trán về chính trị và quân sự hơn là nhân nhượng trên nguyên tắc này”. Ông Carter thậm chí còn mời nhà lãnh đạo Syria tới thăm Washington. Tuy nhiên, “ông ấy trả lời là không quan tâm đến việc tới thăm Mỹ”, sau này Jimmy Carter tiết lộ. Một năm sau, ông Carter dàn xếp Hiệp ước Trại David giữa Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và Thủ tướng Israel Menachem Begin, Tổng thống al-Assad phản đối bằng cách thắt chặt quan hệ với Moscow.
Những căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và người đồng cấp al-Assad trở thành thù địch công khai khi năm 1982, Israel tấn công Lebanon - nơi Syria triển khai hàng nghìn quân. Ngoại trưởng Mỹ George Shultz đã dàn xếp hiệp ước hòa bình chính thức giữa Israel và Lebanon, nhưng ông al-Assad phá tan thỏa ước này bằng việc từ chối rút lực lượng của mình về - điều kiện để Israel rút quân.
Theo Robin Wright, ông al-Assad “chơi trò chơi chiến thuật nhằm duy trì cán cân của Syria”. Trong cuộc tấn công của Israel vào Lebanon, ông ủng hộ việc triển khai Vệ binh Cách mạng Iran tại Lebanon và tạo lực lượng dân quân Shiite mới phát triển thành Hezbollah. Tổ chức này bị quy tội đánh bom Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Beirut, Lebanon (tháng 4/1983), rồi cuộc tấn công khiến hơn 200 binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ tại Lebanon thiệt mạng (tháng 10/1983), và vụ đánh bom tòa Đại sứ Mỹ lần thứ hai (tháng 9/1984). Mỹ quy kết Syria, Iran và Hezbollah chịu trách nhiệm về việc tạo ra hình thức chiến tranh mới.
Tuy nhiên, chính quyền Reagan vẫn giữ quan hệ ngoại giao với Damascus. Năm 1988, Ngoại trưởng Shultz trở lại Syria gặp ông al-Assad. Song, một lần nữa, nỗ lực của Mỹ tỏ ra vô hiệu.
Việc chính quyền Saddam Hussein tấn công Kuwait, tháng 8/1990, đem lại điểm giao cắt hiếm hoi về quyền lợi giữa Washington và Damascus. Syria và Iraq là đối thủ, và al-Assad cam kết gửi hàng nghìn quân cho liên minh do Mỹ lãnh đạo để thực hiện Chiến dịch Bão táp sa mạc nhằm đẩy bật Iraq ra khỏi Kuwait dồi dào dầu mỏ. Như một phần kế hoạch nhằm hình thành “trật tự thế giới mới” sau Chiến tranh Vùng Vịnh, Tổng thống George H. W. Bush gặp ông al-Assad tại Geneva và giành thắng lợi trong việc vận động tổ chức hội nghị hòa bình Mỹ-Xô tại Madrid (Tây Ban Nha). Nhưng ông al-Assad đã không tham dự, động lực lại tắc nghẽn.
Sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 khiến al-Assad mất đồng minh quan trọng nhất. Trong khi đó, Tổng thống Bill Clinton tìm cách khai thác ảnh hưởng đã bị giảm bớt của Tổng thống al-Assad. Từ năm 1993-1996, Ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher thực hiện gần 30 chuyến đi tới Damascus để dàn xếp thỏa ước về Cao nguyên Golan. Vài lần, ông Christopher nói với báo chí đi cùng rằng “ông ấy (Assad) rất, rất gần gũi”. Tổng thống Clinton cũng đã thăm lãnh đạo Syria ở Damascus - chuyến thăm đầu tiên của một ông chủ Nhà Trắng kể từ thời Richard Nixon. Nhưng hai bên không đạt được thỏa ước nào. Trước khi rời nhiệm sở, năm 2000, ông Clinton gặp lại ông al-Assad tại Geneva. Khi ấy, al-Assad dành phần lớn thời gian nói với Tổng thống Mỹ trẻ tuổi hơn về lịch sử đường biên Syria - Israel và nhắc lại đòi hỏi hoàn trả toàn bộ Cao nguyên Golan như điều kiện đổi lấy hòa bình.
Một phái viên Ả rập nói với tờ Times, “ông ấy thà chết chứ không rút lui. Ông ấy không thay đổi tư duy suốt 30 năm, và sẽ không thay đổi trong vài tiếng ở Geneva”. Tổng thống Hafez al-Assad qua đời ba tháng sau đó (tháng 6/2000) sau 29 năm cầm quyền.
Gia đình Tổng thống Syria Hafez al-Assad (hàng đầu bên phải) trong bức ảnh chụp năm 1986. Tổng thống đương nhiệm Bashar al-Assad, thứ hai từ trái sang. (Nguồn: The Independent). |
… đến thời con
Ý định của Tổng thống Hafez al-Assad là người con cả của mình - Basil al-Assad - sẽ lên nắm quyền, nhưng Basil đã chết trong vụ tai nạn xe hơi năm 1994. Người con trai thứ hai Bashar, sinh năm 1965, vốn được đào tạo để trở thành bác sĩ nhãn khoa, được lựa chọn thay thế. Bashar al-Assad được khắc họa như một nhà cải cách, chủ yếu do ông hướng đến giới trẻ Syria và mối quan tâm đến Internet cùng công nghệ thế kỷ XXI.
Theo The New Yorker, nhằm thăm dò khả năng cải thiện quan hệ với nhà lãnh đạo mới của Syria, Tổng thống George W. Bush đã cử Ngoại trưởng Colin Powell tới Damascus ba lần. Nhưng sau khi Mỹ tấn công Iraq năm 2003, Bashar al-Assad cho phép hàng nghìn chiến binh Hồi giáo nước ngoài vượt qua biên giới dài 375 dặm để tới Iraq chống lại binh sĩ Mỹ. Năm 2007, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) chứng thực với tình báo Israel rằng Syria đang xây dựng lò phản ứng hạt nhân bí mật tại thành phố Deir Ezzor hẻo lánh. Các máy bay của Israel tấn công địa điểm này. “Sự kiên nhẫn của tôi với Tổng thống al-Assad đã cạn kiệt từ lâu”, ông Bush nói tại họp báo ở Nhà Trắng năm 2007.
Năm 2009, không lâu sau khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền, Thượng nghị sĩ John Kerry cùng vợ đã ăn tối với vợ chồng Tổng thống al-Assad tại nhà hàng sang trọng ở khu phố cổ Damascus. Ông Kerry nói rằng chính quyền mới coi Syria là “nhân tố quan trọng để mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực”. Thậm chí, sau khi trào lưu nổi dậy Mùa xuân Ả rập lan tới Syria, tháng 3/2011, Ngoại trưởng Hillary Clinton phát biểu trên Face the Nation: “có một nhà lãnh đạo khác ở Syria lúc này. Nhiều thành viên của Quốc hội cả hai đảng từng tới Syria những tháng gần đây đều nói họ tin ông ấy là nhà cải cách”.
Thế nhưng, khi Tổng thống al-Assad sử dụng lực lượng an ninh để trấn áp những người biểu tình, Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đã đổi chiều. Ông cùng các nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi ông al-Assad từ chức. “Tương lai của Syria phải do người dân ở đó quyết định, nhưng Tổng thống Bashar al-Assad đang cản đường họ”, ông Obama tuyên bố.
Như tám người tiền nhiệm của mình, Tổng thống Donald Trump bước vào Nhà Trắng với tư thế sẵn sàng xem xét vai trò của ông al-Assad trong việc chấm dứt nội chiến ở Syria. Tuy nhiên, mới chưa đầy 100 ngày, ông đã nhận ra rằng chính quyền al-Assad cũng có thể là kẻ thù của ông khi rạng sáng 7/4, ông bất ngờ ra lệnh phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân của Syria với cáo buộc quân đội Chính phủ Syria thực hiện vụ tấn công hóa học tại thị trấn Khan Shaikhoun, tỉnh Idlib, khiến hàng chục dân thường thiệt mạng.
Nội các Mỹ bất đồng về chính sách Syria Đến nay, các quan chức trong Nội các của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn bất đồng về tương lai của Tổng thống Syria Bashar ... |
Lịch sử nội chiến Syria và phản ứng của Mỹ Mỹ đã bắn hàng chục tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ không quân ở Syria sau nhiều năm tranh luận sôi nổi ... |
Syria: Tổng thống Assad bác bỏ lệnh ngừng bắn ở Wadi Barada Ngày 9/1, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã bác bỏ lệnh ngừng bắn với lực lượng phiến quân ở khu vực Wadi Barada, cách thủ ... |